"GÁI RỬA... BỜ SÔNG" - MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA NGUYỄN KHUYẾN


Kết quả hình ảnh cho NGUYỄN KHUYẾN
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)

GÁI RỬA... BỜ SÔNG

Thu vén giang sơn một cắp tròn,
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn.
Biết chăng chỉ có ông Hà Bá,
Mỉm mép cười thầm với nước non.

(Đọc bài thơ, ắt hẳn người đọc có thể tự điền khuyết vào dấu "..." ở tựa bài)


1. Nguyễn Khuyến đã tạo dựng một cảnh tượng kì lạ, đó là cảnh tượng mông của đàn bà cùng cái "tạo vật" kín đáo được "vén" cho Hà Bá nhìn bằng đôi mắt thích thú. Sự ngược đời kì lạ còn ở chỗ cái “tạo vật” ấy lại có tầm vóc ngang với "giang sơn", "nước non", có tuổi đời của "nghìn thu", có vẻ đẹp của "sương tuyết". Sự phóng đại, tôn phong cực độ của Nguyễn Khuyến đã tạo nên một hình tượng nghịch dị (grotesque) về nhục thể, tạo nên tiếng cười nghịch dị đậm chất tếu táo dân gian (có thể tìm thấy ở những câu hát đùa bỡn liên quan đến cái tục, chẳng hạn: "Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn/Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ"). Cái bất ngờ, sửng sốt của đối tượng đã tạo nên tiếng cười thoải mái, sảng khoái, phàm tục.
2. Nguyễn Khuyến đã miêu tả khung cảnh thơ kì lạ ấy có ba tầng:
trên bờ là người đàn bà;
- ranh giới là mặt nước, chứa cả hình ảnh của cái "tạo vật" đàn bà lẫn ánh nhìn, cái "mỉm mép" của thần linh;
dưới lòng sông là vị thần Hà Bá.
Có thể thấy cái tục (cái "ấy") sau khi được tôn phong và cái thiêng (thần linh) sau khi bị giáng cấp đã ngang hàng nhau. Đây là sự xoá bỏ rào cản thứ bậc giữa con người và thần linh. Đây là chính là biểu hiện của thủ pháp carnaval hoá (carnavalesque), tạo ra cái hài hước tinh tế cho tác phẩm.
3. Bài thơ "Gái rửa... bờ sông" cho thấy sự táo bạo trong ngòi bút của Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến đưa hẳn những yếu tố xác thịt vào thơ ca, tiếng cười của ông trong bài thơ là tiếng cười trào lộng về nhục thể. Nguyễn Khuyến cũng đã vận dụng thành công bút pháp nghịch dị qua việc xây dựng những hình tượng nghịch dị để trào lộng.
Khó có thể tưởng tượng được những câu thơ trên được viết ra từ ngòi bút của một nhà nho, mà còn là một nhà nho danh giá như Nguyễn Khuyến.

SG 27/11/19

Nhận xét

Bài đăng phổ biến