Kí hiệu học và Kí hiệu học văn hoá của Jurij Lotman

(http://isfp.sdf.org/russian_thinkers/yury_lotman.html)
Jurij Lotman

----------------------------------------------------------------------------------------------------

- Người viết: Nguyễn Minh Nhật Nam -

KÍ HIỆU HỌC

Kí hiệu học như là khoa học

Hiện nay, cách giải thích đơn giản và phổ biến nhất về kí hiệu học (tiếng Anh: semiotics) là “ngành khoa học nghiên cứu về các kí hiệu”. Thực tế, khái niệm kí hiệu học như là một ngành khoa học xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách Luận về sự hiểu biết của con người (An Essay Concerning Human Understanding) của John Locke vào cuối thế kỉ XVII. Khi phân loại khoa học, Locke đã xác định kí hiệu học (mà ông gọi là semeiotiké, theo tiếng Hi Lạp) là một trong ba phân ngành chính của khoa học và đồng nhất nó với logic học.

Mọi thứ nằm trong phạm vi hiểu biết của con người thuộc về một trong ba phạm trù sau đây. Một, bản tính của các sự vật như chúng là, những mối quan hệ của chúng, và cách thức chúng vận hành. Hai, điều mà con người tự nó nên làm, như một chủ thể có suy tư và mong muốn, để đạt được kết quả nào đó, đặc biệt là hạnh phúc. Ba, những cách thức và phương tiện mà qua đó tri thức về hai phạm trù kia được thụ đắc và truyền đạt. Tôi nghĩ rằng khoa học có thể được phân chia một cách xác đáng thành ba loại này. […] Nhánh thứ ba của khoa học có thể được gọi là semeiotiké, hay học thuyết về các kí hiệu; bởi vì đây là những từ ngữ thông dụng nhất, phân nhánh khoa học này cũng đủ thích hợp để được gọi là lógos, hay logic học. Việc của nó là nghiên cứu bản tính của các kí hiệu mà trí óc tận dụng để hiểu biết sự vật truyền đạt tri thức.[1]

Đến thế kỉ XX, triết gia Mĩ Charles Sanders Peirce cũng có chung quan điểm với John Locke về kí hiệu học như là logic học và dựa vào đó Peirce xây dựng lí thuyết kí hiệu học của riêng mình. Ông gọi kí hiệu học là sem(e)iotic, mượn từ thuật ngữ semeiotiké của Locke. Theo Peirce, kí hiệu học nghiên cứu “đặc tính của mọi kí hiệu được sử dụng bởi một trí óc ‘khoa học’, tức là, bằng một trí óc có khả năng nghiên cứu qua chứng nghiệm”[2].

Cũng vào thế kỉ XX ở Tây Âu, nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure, cha đẻ của ngôn ngữ học cấu trúc, đã dự đoán về sự xuất hiện của một ngành khoa học có phạm vi nghiên cứu rộng lớn mà ngôn ngữ học chỉ là một nhánh của nó. Ông gọi nó là semiologie, chính là kí hiệu học, “một ngành khoa học nghiên cứu đời sống của các dấu hiệu[3] trong lòng xã hội […]. Ngành học này sẽ cho ta biết thế nào là dấu hiệu, nó tuân theo những quy luật nào”[4]. Đối với Saussure, kí hiệu học có mối liên quan mật thiết đến ngôn ngữ học và chính từ nền tảng của ngôn ngữ học mà Saussure định hình kí hiệu học.

Quan điểm hiện đại xem kí hiệu học là khoa học nghiên cứu các kí hiệu và hệ thống kí hiệu về đặc tính, quy luật hoạt động vai trò của chúng. Đến đây chúng ta cần làm rõ một khái niệm then chốt, đó là khái niệm kí hiệu.

Mô hình kí hiệu của C. S. Peirce và F. de Saussure

Thuật ngữ kí hiệu (tiếng Anh: sign) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp sēmeîon – từ này được sử dụng lần đầu tiên vào thời Hi Lạp cổ đại (thế kỉ II) để chỉ “triệu chứng” y học của bệnh. Có rất nhiều lí thuyết về kí hiệu trong lịch sử; tuy nhiên, hai truyền thống lí thuyết có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến kí hiệu học hiện đại được xây dựng một cách độc lập chính bởi Peirce và Saussure, dẫn đến sự xác lập của hai mô hình lí thuyết kinh điển mang tính tổng quát về kí hiệu – mô hình kí hiệu theo truyền thống Peirce (kí hiệu học Mĩ) và mô hình kí hiệu theo truyền thống Saussure (kí hiệu học châu Âu). Chúng tôi lần lượt trình bày về hai mô hình lí thuyết này.

Mô hình kí hiệu của Charles Sanders Peirce là mô hình tam phân (triadic). Peirce viết:

Kí hiệu, hay cái đại diện [representamen], là một cái gì đó thay thế đối với ai đó cho một cái gì đó trong một khía cạnh hay khả năng nào đó. Nó ghi dấu ấn lên một ai đó, tức là, tạo ra trong đầu của người đó một kí hiệu tương đương, hay có lẽ một kí hiệu được phát triển hơn. Kí hiệu mà nó tạo ra đó tôi gọi là cái diễn giải [interpretant] của kí hiệu thứ nhất. Kí hiệu thay thế cho một cái gì đó, đối tượng [object] của nó. Nó thay thế cho đối tượng đó, không phải ở mọi khía cạnh, mà quy chiếu đến một loại ý tưởng, mà đôi khi tôi gọi là nền móng [ground] của cái đại diện.[5]

Theo đó, mô hình kí hiệu của Peirce là một bộ ba: cái đại diện (kí hiệu), cái diễn giải (cũng là một kí hiệu, được sinh ra bởi kí hiệu thứ nhất) và đối tượng. Cái đại diện chính là hình thức của kí hiệu, không nhất thiết phải ở dạng vật chất. Cái diễn giải (Peirce không nói “người diễn giải/ interpreter”, mặc dù về logic phải có một người tham gia vào việc diễn giải kí hiệu) là ý nghĩa được tạo thành trong trí óc của người diễn giải bởi kí hiệu. Mỗi kí hiệu đều quy chiếu đến một đối tượng bên ngoài nó, tức là một cái gì đó khác nó (cái sở chỉ) được nó thay thế. Đối tượng đó, như Peirce viết, “có thể tri giác được, hoặc chỉ có thể tưởng tượng được, hoặc thậm chí không thể tưởng tượng được trong một ý nghĩa nào đó”[6], nhấn mạnh rằng cái được thay thế không nhất thiết phải là một sự vật. Kí hiệu –  đối tượng  cái diễn giải, ba yếu tố này không thể tách rời, tạo thành một thể thống nhất của cái được đại diện, cách nó được đại diện, và cách nó được diễn giải. Tương quan giữa ba yếu tố này được Peirce nhiều lần đề cập đến. Giữa kí hiệuđối tượng có mối quan hệ thay thế; giữa kí hiệucái diễn giải có mối quan hệ biểu trưng; giữa cái diễn giảiđối tượng có mối quan hệ quy chiếu. Sự tương tác giữa cả ba yếu tố này được Peirce gọi là semiosis, được dịch là “quá trình kí hiệu hoá” (Lã Nguyên) hay “sự thiết hiệu” (Cao Xuân Hạo). Peirce viết: Semiosis theo tôi […] là một hoạt động, hay tác động, chính là, hay kéo theo sự cộng tác của cả ba yếu tố, như là kí hiệu, đối tượng, và cái diễn giải của nó”[7]. Semiosis là khái niệm trung tâm giải thích phương thức hoạt động của kí hiệu. Trong mô hình bộ ba của Peirce, cái diễn giải đóng vai trò quan trọng: “không có cái gọi là kí hiệu trừ khi nó được diễn giải như một kí hiệu”[8]. Một kí hiệu muốn hoạt động được, hay chính xác hơn, muốn tồn tại, cần phải có cái diễn giải; mà theo Peirce, bản thân cái diễn giải, tức là ý nghĩa của kí hiệu, là một kí hiệu mới được kí hiệu sản sinh ra trong ý thức của người sử dụng kí hiệu. Vì vậy, đến lượt nó, cái diễn giải lại cần đến một cái diễn giải khác nữa; cứ như vậy, một chuỗi diễn giải liên tiếp đến vô tận được tạo ra, một chuỗi kí hiệu liên tiếp được sinh ra, mà kí hiệu sau là cái diễn giải của kí hiệu trước (có thể ví điều này như việc tra từ điển: mỗi từ đều được định nghĩa, nhưng định nghĩa của chúng lại vay mượn các từ khác, mà các từ này cũng cần được định nghĩa; do đó theo logic tự nhiên việc tra từ điển không bao giờ kết thúc). Như vậy, từ mô hình của Peirce có thể thấy ý nghĩa của một kí hiệu không chứa đựng trong bản thân nó, mà được tạo ra trong quá trình diễn giải nó. Bên cạnh đó, semiosis thể hiện bản chất của mối quan hệ giữa kí hiệu và thế giới bên ngoài: đúng là vẫn tồn tại một đối tượng diễn giải, nhưng đối tượng ấy […] lúc nào cũng ‘trốn’ đằng sau lớp kí hiệu trung gian đầy biến đổi”[9] (Lã Nguyên). Nói cách khác, các đối tượng trong thực tại bị ngăn cách với chúng ta bởi một lớp màn chồng chất các lớp diễn giải; chúng ta không nhận thức trực tiếp đối tượng mà luôn thông qua các kí hiệu như một vật trung giới và không ngừng diễn giải chúng, dẫn đến ý nghĩa của chúng được tạo ra. Có thể thấy được tính năng động trong mô hình kí hiệu của Peirce, vì “bất cứ sự diễn giải ban đầu nào cũng có thể được tái diễn giải”[10], mọi ý nghĩa đều có khả năng trở thành một kí hiệu đại diện cho một cái gì đó khác nữa.

Peirce chia mối quan hệ giữa kí hiệu và đối tượng thành ba loại hình, mỗi loại hình xác lập một dạng kí hiệu. Thứ nhất là quan hệ tương đồng giữa kí hiệu và đối tượng nó thay thế; kí hiệu được gọi là hình hiệu (icon), chẳng hạn, bức tranh vẽ một người. Thứ hai là quan hệ tương cận thực tế trong không gian hoặc thời gian giữa kí hiệu và đối tượng; kí hiệu được gọi là chỉ hiệu (index), chẳng hạn, biển báo chỉ hướng đi. Thứ ba là mối quan hệ thuần tuý mang tính quy ước hay thông lệ giữa kí hiệu và đối tượng; kí hiệu được gọi là biểu hiệu (symbol), chẳng hạn, các từ ngữ hằng ngày.

Cùng thời và độc lập với Peirce, Ferdinand de Saussure đã đưa ra một mô hình kí hiệu nổi tiếng được khái quát từ mô hình kí hiệu ngôn ngữ mà ông nghiên cứu. Saussure được đánh giá là người khai sinh ra ngôn ngữ học hiện đại, bởi chính ông đã xác lập phương pháp luận và đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học, từ đó đưa ngôn ngữ học trở thành một ngành khoa học độc lập. Ngôn ngữ học của Saussure được gọi là ngôn ngữ học cấu trúc và có thể nói trường phái cấu trúc luận thịnh hành trong hơn nửa đầu thế kỉ XX ở châu Âu (tiêu biểu là các trường phái cấu trúc luận ở Geneva - Thuỵ Sĩ, Paris - Pháp, Copenhagen - Đan Mạch, Praha - Séc và Moskva - Nga) bắt nguồn từ công trình ngôn ngữ học nổi tiếng của Saussure từ những năm đầu thế kỉ: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương.

Cấu trúc luận (structuralism) là một phương pháp luận của khoa học xã hội - nhân văn hiện đại, với quan niệm triết học cho rằng một yếu tố nào đó không tồn tại trong sự cô lập mà luôn có những mối liên hệ với các yếu tố khác và chúng thuộc về một hệ thống nào đó; những liên hệ ấy tạo thành cấu trúc của hệ thống. Các yếu tố bộ phận của hệ thống có thể tồn tại ở nhiều dạng, có thể biến đổi nhưng chỉ là cái trên bề mặt; trái lại, cấu trúc nằm bên dưới chúng, ở bề sâu, là bất biến và có vai trò tổ chức các yếu tố này, quyết định trật tự của chúng và ổn định hệ thống. Có thể xem toàn bộ cấu trúc luận được xác lập trên sự đối lập nhị phân hằng thể (cái không đổi) - biến thể (cái thay đổi), như là cái chính - cái phụ, cái trừu tượng - cái hiện thực, đồng đại - lịch đại. Jurij Lotman viết: “Mỗi cấu trúc, – sự thống nhất hữu cơ của các yếu tố được xây dựng theo một kiểu hệ thống định trước, – chỉ yếu tố của khối thống nhất có cấu trúc phức tạp hơn, còn các yếu tố của chính nó, – từng yếu tố riêng lẻ, – thì có thể nghiên cứu như những cấu trúc độc lập”[11]. Hiện thực được tổ chức thành nhiều hệ thống có thứ bậc, bao chứa nhau, giao cắt nhau mà mỗi hệ thống đều có cấu trúc trừu tượng đặc thù. Từ quan điểm cấu trúc luận, nền văn hoá là một hệ thống bao trùm các hiện tượng của đời sống con người mà chỉ có thể nhận thức được, hiểu được thông qua tương quan giữa chúng, tức là qua việc nghiên cứu những cấu trúc hiện hữu bên dưới chúng như là quy luật chi phối chúng.

Cái ý tưởng về một phương pháp luận như thế được Saussure như là người đầu tiên trực tiếp lẫn gián tiếp nêu lên trong những luận điểm của ông về ngôn ngữ. Saussure đã thiết lập sự đối lập giữa ngôn ngữ (‘langue’) và lời nói (‘parole’) trong hoạt động ngôn ngữ (‘langage’) (được Roman Jakobson khái quát thành /codethông báo/message trong hoạt động giao tiếp/communication). Ngôn ngữ được xem là một hệ thống trừu tượng bao gồm các quy tắc và quy ước chung của hoạt động giao tiếp bằng lời của một cộng đồng (người bản ngữ); nó tiền tồn và không lệ thuộc vào một cá nhân nào đó trong cộng đồng. Trong khi đó, lời nói là sự hiện thực hoá hệ thống ấy trong những trường hợp cụ thể của đời sống hằng ngày, mang tính cá nhân. Saussure quan tâm đến ngôn ngữ thay vì lời nói, vì ngôn ngữ tương ứng với hằng thể còn lời nói lại là biến thể. Sự ưu tiên như thế đã tỏ rõ phương pháp luận cấu trúc của Saussure. Bên cạnh đó, Saussure ưu tiên nghiên cứu bản thân ngôn ngữ ở mặt đồng đại, trạng thái tĩnh, như một lát cắt ngang thân cây, thay vì nghiên cứu sự biến đổi của ngôn ngữ theo thời gian (mặt lịch đại). Do đó các quy tắc cấu trúc của ngôn ngữ được xem như là bất biến. Với Saussure, ngôn ngữ là một đối tượng thuộc bình diện xã hội, là hệ thống hằng định, toàn vẹn và đồng bộ, tồn tại nhờ vào quy ước, truyền thống.

Luận điểm then chốt tiếp theo của Saussure nói về bản chất kí hiệu của hệ thống ngôn ngữ và vị trí của nó giữa các hệ thống kí hiệu khác. Luận điểm này, với tầm ảnh hưởng của nó, đã tiền định con đường của kí hiệu học châu Âu từ sau Saussure, đó là sử dụng những khái niệm và phương pháp luận của ngôn ngữ học cấu trúc làm cơ sở. Saussure viết: “Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu biểu hiện những ý niệm, và do đó, có thể so sánh với chữ viết, với chữ của người câm điếc, với các nghi lễ tượng trưng, các hình thức lễ độ, các dấu hiệu nhà binh, v.v. Nó chỉ là hệ thống quan trọng nhất trong những hệ thống này”[12]. Bởi ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu quan trọng nhất, theo quan điểm Saussure, mô hình kí hiệu của nó trở thành mô hình khái quát của kí hiệu. Mô hình kí hiệu ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure là mô hình nhị phân (dyadic):

Dấu hiệu ngôn ngữ kết liên thành một không phải một sự vật với một tên gọi, mà là một khái niệm với một hình ảnh âm thanh. Hình ảnh này không phải là cái âm vật chất, một vật thuần vật lý, mà là dấu vết tâm lý của cái âm đó […]. Hai yếu tố này gắn bó khăng khít với nhau, và đã có cái này là có cái kia. […] Chúng tôi đề nghị giữ từ “dấu hiệu” để chỉ cái tổng thể, và thay “khái niệm” bằng “sở biểu” và thay “hình ảnh âm thanh” bằng “năng biểu”[13].[14]

Lí luận về mô hình kí hiệu ngôn ngữ của Saussure cho thấy mô hình kí hiệu nói chung. Một kí hiệu, theo Saussure, là sự kết hợp của hai mặt cái biểu đạt (năng biểu) và cái được biểu đạt (sở biểu); trong đó cái biểu đạt là hình thức của kí hiệu và cái được biểu đạt là một khái niệm nào đó mà kí hiệu quy chiếu đến. Về quan hệ giữa hai mặt của kí hiệu (Saussure gọi là sự biểu đạt), Saussure nhấn mạnh cái biểu đạt và cái được biểu đạt gắn bó với nhau như hai mặt của một tờ giấy, không thể chia cắt; tức là một kí hiệu ngôn ngữ chỉ tồn tại khi và chỉ khi có đủ hai thành phần. Đối với kí hiệu ngôn ngữ, Saussure khẳng định mối quan hệ này có hầu như có tính võ đoán, thuần tuý do quy ước của người bản ngữ.

Saussure khẳng định tính vật chất (ví dụ, đối với kí hiệu ngôn ngữ, tính nghe được của âm thanh) không quyết định cái gì có thể trở thành kí hiệu. Khi một cộng đồng phân đoạn, áp đặt quan niệm của mình lên thể liên tục của hiện thực vật chất và hiện thực ý niệm, họ tạo ra những hệ thống kí hiệu và phân giới các kí hiệu khác nhau trong mỗi hệ thống. Điều này có nghĩa là mỗi hệ thống kí hiệu là kết quả của cách thức mà một cộng đồng người phân đoạn hiện thực ở một phương diện nào đó và tất nhiên lưu lại “dấu vết” của họ. Cho nên, các kí hiệu trong một hệ thống kí hiệu phải được xem xét ở phương diện hình thức (form) thay vì chất liệu (substance) của chúng.

Giá trị (value) của một kí hiệu nằm ở sự phân biệt nó với các kí hiệu khác trong hệ thống. Nói cách khác, một kí hiệu chỉ có giá trị khi đặt trong hệ thống và nhờ sự phân biệt với các kí hiệu khác cùng hệ thống; đó không phải sự phân biệt ở khía cạnh vật chất (chất liệu) của kí hiệu mà ở khía cạnh chức năng (hình thức) của nó trong hệ thống. Theo Saussure, ngôn ngữ chính là sự lựa chọn và tổ chức các chất liệu âm thanh và ý niệm trong hiện thực thành một hệ thống chỉ có ý nghĩa với người sử dụng ngôn ngữ đó.

Điểm tương đồng giữa hai mô hình kí hiệu mà chúng tôi vừa trình bày, thứ nhất, nằm ở tính đại diện của kí hiệu. Cả Peirce và Saussure đều cho rằng kí hiệu thay thế cho một cái gì đó khác nó – Peirce gọi đó là đối tượng, Saussure gọi đó là cái được biểu đạt. Thứ hai, kí hiệu nào cũng phải có một hình thức tồn tại, hay phương tiện kí hiệu (sign vehicle), mà Peirce gọi là cái đại diện (bản thân kí hiệu là một phương tiện) còn Saussure gọi là cái biểu đạt (một mặt của kí hiệu). Thứ ba, luận điểm của Peirce về chuỗi kí hiệu được nối kết với nhau trong quá trình diễn giải cũng có phần tương đồng trong ý tưởng với Saussure về mối liên hệ giữa các kí hiệu trong hệ thống; một kí hiệu có tính độc lập nhưng không thể tồn tại biệt lập mà cần có sự liên hệ với các kí hiệu khác. Thứ tư, kí hiệu đóng một vai trò quan trọng, nó là phương tiện trung gian để con người có thể tạo ra và diễn giải ý nghĩa của thực tại, nó là công cụ của tư duy (nhận thức, chia tách, đánh dấu, mô tả đối tượng). Có thể nói, không có kí hiệu thì không thể biểu đạt ý nghĩa và ngược lại không có ý nghĩa thì không cần đến kí hiệu, tức là không thể có kí hiệu không biểu đạt ý nghĩa. Tuy nhiên, bản thân kí hiệu không mang ý nghĩa, nó chỉ có ý nghĩa khi tham gia vào quá trình diễn giải (theo Peirce), khi được đặt vào những hệ thống có quy ước (theo Saussure). Điều này khẳng định rằng kí hiệu gắn liền với người (hay cộng đồng) sử dụng nó. Nó phản ánh cách tư duy, quan niệm của họ về hiện thực, hay đúng hơn, nó cấu trúc hiện thực theo quan điểm của cộng đồng sử dụng nó. Nói cách khác, chỉ có hiện thực của các kí hiệu.

Kí hiệu học châu Âu

Ngành kí hiệu học mà Saussure tiên đoán sự tồn tại có nền tảng là ngôn ngữ học cấu trúc. Có một nghịch lí rằng: mặc dù Saussure khẳng định kí hiệu học là ngành khoa học có lĩnh vực nghiên cứu bao trùm lên ngôn ngữ học nhưng kí hiệu học lại phụ thuộc nhiều vào những khái niệm của ngôn ngữ học như cái biểu đạt/cái được biểu đạt, chất liệu/hình thức, mã/thông báo… Theo Saussure, ngôn ngữ học làm bộc lộ bản chất của kí hiệu học vì ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu trung tâm và quan trọng nhất. Ngôn ngữ là gốc, là hệ thống kí hiệu dùng để diễn giải mọi hệ thống kí hiệu, kể cả chính nó.

Kí hiệu học châu Âu phát triển từ những nguyên lí ngôn ngữ học đại cương của Saussure và gắn liền với cấu trúc luận (nên còn được gọi là kí hiệu học cấu trúc). Các lí thuyết gia xác định nhiệm vụ của kí hiệu học là “tìm kiếm những ‘cấu trúc bề sâu’ nằm bên dưới những ‘yếu tố bề mặt’ của các hệ thống kí hiệu[15]. Jakobson cho rằng kí hiệu học “nghiên cứu những nguyên lí chung làm cơ sở cho cấu trúc của mọi kí hiệu và tính chất của việc sử dụng kí hiệu trong thông báo, cũng như về những đặc trưng của các hệ thống kí hiệu khác nhau và của các thông báo đa dạng có sử dụng nhiều loại kí hiệu khác nhau”[16]. Đối với kí hiệu học trường phái Saussure, vấn đề nằm ở những cấu trúc tiềm ẩn và những quy tắc hoạt động của một hệ thống kí hiệu hoàn chỉnh chứ không phải những biểu hiện của nó ở khía cạnh thực hành. Hướng tiếp cận của kí hiệu học Saussure là tiếp cận hệ thống đồng đại. Ngôn ngữ học – kí hiệu học châu Âu sau Saussure nổi lên với những tên tuổi gắn liền với đóng góp đáng kể của họ. Có thể nhắc đến Louis Hjemslev với sự phát triển các khái niệm cơ bản của Saussure, Roman Jakobson với lí thuyết chức năng của ngôn ngữ và lí thuyết thi pháp học cấu trúc, Roland Barthes với kí hiệu học hậu cấu trúc Paris và Jurij Lotman với kí hiệu học văn hoá. Những lí thuyết gia này đi ra từ truyền thống của Saussure và họ đã đẩy kí hiệu học châu Âu dần dần đi xa khỏi diện mạo ban đầu của nó, từ kí hiệu học cấu trúc đến kí hiệu học hậu cấu trúc: chất vấn lại một số quan điểm về kí hiệu của Saussure, thay đổi điểm nhìn lí thuyết, đặt ra những khái niệm mới.

Tuy đã có nhiều lí thuyết gia chống lại kí hiệu học cấu trúc, phê phán Saussure là cực đoan, song, hầu như mọi học phái đều thống nhất về quan điểm tiếp cận hệ thống khi nghiên cứu kí hiệu, về hai câu hỏi nghiên cứu cơ bản của kí hiệu học: (1) ý nghĩa được tạo ra như thế nào và (2) thực tại được trình hiện như thế nào. Mikhail Lotman khẳng định:

Đối tượng của kí hiệu học là ý nghĩa được biểu đạt. […] Kí hiệu học tập trung nghiên cứu cơ cấu, ý nghĩa và hoạt động của các kí hiệu (các bình diện tương ứng của các khoa học về các kí hiệu được gọi là cú pháp học, ngữ nghĩa học và dụng học[17]) chứ không nghiên cứu, ví như, các mối liên hệ nhân quả giữa các đối tượng, các kí hiệu khác nhau, hoặc, ngay cả các kí hiệu và các đối tượng. Khi nghiên cứu các kí hiệu, nhà kí hiệu học không quan tâm tới các vấn đề thuộc loại như tại sao, mà quan tâm đặc biệt tới vấn đề cái gìnhư thế nào.[18]

KÍ HIỆU HỌC VĂN HOÁ

Từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX, trường phái kí hiệu học Tartu - Moskva (do Jurij Lotman sáng lập năm 1964 và ông là đại diện tiêu biểu) đã xây dựng một lí thuyết kí hiệu học với tên gọi kí hiệu học văn hoá (tiếng Anh: cutural semiotics). Năm 1973, Lotman và các cộng sự của ông đưa ra Đề cương nghiên cứu văn hoá từ kí hiệu học, với định nghĩa về kí hiệu học văn hoá: “ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ về chức năng của các hệ thống kí hiệu vận hành trong một nền văn hoá”[19]. Đối với trường phái Tartu - Moskva, kí hiệu học chính là kí hiệu học văn hoá.

Cơ sở lí thuyết của kí hiệu học văn hoá và quan điểm của trường phái Tartu - Moskva về kí hiệu học

Cơ sở lí thuyết của kí hiệu học văn hoá

Trước tiên chúng tôi muốn đề cập đến cơ sở lí thuyết của kí hiệu học văn hoá. Bản thân kí hiệu học văn hoá không phải một ngành học mới hoàn toàn khi nó ra đời mà từ trong nguồn gốc nó chịu ảnh hưởng của nhiều lĩnh vực lí thuyết, theo Jurij Lotman, bao gồm ngôn ngữ học cấu trúc, lí thuyết thông tin, điều khiển học và logic học (những bộ môn khoa học nghiên cứu hoạt động giao tiếp của con người). Lotman đặc biệt nhấn mạnh “vị trí cực kì lớn lao” của ngôn ngữ học cấu trúc, vì tình huống giao tiếp sơ đẳng nhất bị điều kiện hoá bởi sự tồn tại của ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ mà các dân tộc sử dụng) và nó đã được Saussure nghiên cứu kĩ lưỡng. Mọi hệ thống giao tiếp trong hoạt động thực tế của con người suy cho cùng đều được tổ chức theo kiểu của ngôn ngữ tự nhiên, điều đó khiến cho khái niệm “ngôn ngữ” hiểu theo nghĩa rộng. “Thành tựu của ngôn ngữ học cấu trúc quyết định phần lớn các thủ pháp nghiên cứu của kí hiệu học”[20]. Việc lưu trữ, truyền đạt thông tin như là điều kiện thiết yếu của giao tiếp không thể không cần đến kí hiệu. Vì vậy, kí hiệu học đã ra đời, với hai nhánh lớn là kí hiệu học Mĩ và kí hiệu học châu Âu. Kí hiệu học văn hoá nằm trong dòng chảy thứ hai, bắt nguồn từ truyền thống kí hiệu học của Saussure. Tuy nhiên, quan điểm của trường phái Tartu - Moskva về kí hiệu học bộc lộ rõ những khác biệt so với chính bầu khí quyển kí hiệu học châu Âu từ Saussure đến Hjelmslev, Greimas, Jakobson, Barthes (thời kì đầu). Những khác biệt về quan điểm giữa kí hiệu học văn hoá với cả hai truyền thống kí hiệu học của Peirce và Saussure được trình bày ở phần tiếp theo.

Quan điểm của trường phái Tartu - Moskva về kí hiệu học

Thứ nhất, kí hiệu học văn hoá không phải một phân ngành của kí hiệu học; kí hiệu học phải là kí hiệu học văn hoá. Các nhà kí hiệu học Mĩ theo truyền thống Peirce cũng đề cập đến khái niệm “kí hiệu học văn hoá”, tuy nhiên theo cách hiểu của họ thì kí hiệu học văn hoá là một phân ngành của kí hiệu học: văn hoá là đối tượng nghiên cứu; kí hiệu học là hướng tiếp cận, cung cấp phương pháp nghiên cứu (quan điểm của Ernest Cassirer)[21]. Điều này có nghĩa là trong nhiều đối tượng mà kí hiệu học nghiên cứu thì văn hoá là một đối tượng và trong nhiều hướng tiếp cận khi nghiên cứu văn hoá thì kí hiệu học là một hướng tiếp cận. Như vậy giữa kí hiệu học và văn hoá chỉ có mối quan hệ bình thường, không có tương quan đặc biệt nào. Tuy nhiên, các nhà kí hiệu học trường phái Tartu - Moskva không quan niệm như vậy. Với họ, văn hoá và kí hiệu học có mối quan hệ tất yếu. Văn hoá là một hiện tượng kí hiệu học, bởi nó gắn chặt với những cơ chế kí hiệu học: văn hoá cơ chế bảo tồn các kí hiệu, hình thành nên “kí ức văn hoá”; văn hoá có cơ chế luân chuyển và tái tạo, đảm bảo sự phiên dịch hoạt động giao tiếp nội văn hoá và liên văn hoá; văn hoá có cơ chế sản sinh ra kí hiệu mới, đảm bảo đổi mới và gắn kết các hoạt động sáng tạo đa dạng[22]. Sự diễn giải mọi hiện tượng văn hoá phải quy về việc phân tích và giải mã kí hiệu. Chính vì vậy, hướng tiếp cận đúng với bản chất của văn hoá nhất chính là kí hiệu học, nói cách khác, văn hoá học trước hết là kí hiệu học văn hoá. Không những thế, kí hiệu học cũng lấy văn hoá làm đối tượng trung tâm và quan trọng nhất, bởi kí hiệu học nghiên cứu sự kiến tạo ý nghĩa về thế giới của con người qua kí hiệu – thế giới mang ý nghĩa do con người và đối với con người ấy chính là văn hoá. Như vậy, kí hiệu học trước hết cũng là kí hiệu học văn hoá. Kí hiệu học của trường phái Tartu - Moskva thực chất là sự kế thừa có phản biện toàn bộ nền kí hiệu học châu Âu theo truyền thống Saussure.

Thứ hai, kí hiệu học phải lấy văn bản làm trung tâm. Đây là quan điểm thể hiện rõ ràng nhất sự bất đồng giữa các nhà kí hiệu học Tartu - Moskva với chính truyền thống kí hiệu học châu Âu bắt đầu từ Saussure. Trong hệ hình nhị phân của Saussure, hoạt động ngôn ngữ được phân chia thành ngôn ngữ và lời nói, trong đó ngôn ngữ là cái thứ nhất, có trước, còn lời nói chỉ là sự phản ánh, vật chất hoá ngôn ngữ, là cái có sau. Phương pháp luận cấu trúc của Saussure cho thấy ngôn ngữ là trung tâm. Sự ưu tiên ngôn ngữ hơn lời nói của Saussure cho thấy lời nói không có chỗ đứng ngôn ngữ học cấu trúc, vì vai trò duy nhất của nó là “minh hoạ” cho cấu trúc ngôn ngữ, vốn trừu tượng. Văn bản là một hiện dạng cụ thể của lời nói và hẳn nhiên bị xem là “hòn đá vứt đi của chủ nghĩa cấu trúc”. Nhưng Jurij Lotman hoàn toàn không quan niệm như Saussure và các nhà cấu trúc luận cổ điển khác. Đặc thù của phương pháp luận cấu trúc của kí hiệu học văn hoá là quan điểm lấy văn bản làm trung tâm:

Không phải ngôn ngữ, không phải kí hiệu, không phải đối lập nhị phân, không phải quy tắc cú pháp, mà văn bản là trung tâm trong hệ thống quan niệm của nó. Kí hiệu học nghiên cứu văn bản, hơn nữa, bản thân văn hoá cũng có thể được nghiên cứu dưới tư cách là văn bản. Sự sản sinh ra văn bản không phải là sự hiện thực hoá tự động tiềm năng ngôn ngữ mà văn hoá, mà là một sự phiên dịch.[23]

Lotman đã xem xét lại toàn bộ sơ đồ giap tiếp của Jakobson, trong hoạt động giao tiếp, văn bản không chỉ là một phương tiện chuyển phát thông tin có sẵn từ người gửi đến người nhận mà bản chất của giao tiếp là phiên dịch và biến đổi, trong đó “văn bản biến đổi ngôn ngữ, biến đổi người nhận, xác lập sự tiếp xúc giữa người gửi và người nhận, làm biến đổi bản thân người gửi […] bản thân văn hoá cũng tự biến đổi”[24] . Trong quan điểm của Lotman, khi tham gia vào quá trình giao tiếp, văn bản nhập vào các mối quan hệ ngoài văn bản[25] khiến cho cấu trúc của nó phức tạp hơn, ngữ nghĩa của nó đa dạng hơn.

Những khái niệm quan trọng của kí hiệu học văn hoá

Tinh thần của trường phái kí hiệu học Tartu - Moskva là kế thừa nền tảng lí thuyết về kí hiệu cũng như ngôn ngữ của Saussure đồng thời thể hiện những quan niệm mới mẻ về văn bản và văn hoá, đặt ra những khái niệm mới như hệ thống mô hình hoá, kí hiệu quyển. Chúng tôi sẽ trình bày ngắn gọn nội dung các khái niệm quan trọng của kí hiệu học văn hoá.

Ngôn ngữ (Language) và Hệ thống mô hình hoá (Modelling system)

Các nhà kí hiệu học Tartu - Moskva kết thừa khái niệm ngôn ngữ của Saussure, tuy nhiên, họ đã phát triển khái niệm này, mở rộng ý nghĩa kí hiệu học của ngôn ngữ. Lotman định nghĩa: “Ta hiểu ngôn ngữ là bất cứ hệ thống giao tiếp nào sử dụng các kí hiệu được tổ chức theo một kiểu đặc biệt”[26]. Cũng giống như Saussure, Lotman nhìn ngôn ngữ như một hệ thống kí hiệu được tổ chức một cách trật tự, có cấu trúc chặt chẽ, dùng làm phương tiện giao tiếp. Nhưng khái niệm ngôn ngữ của kí hiệu học văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng hơn khái niệm ngôn ngữ của Saussure. Ngôn ngữ mà Saussure nghiên cứu Lotman gọi là ngôn ngữ tự nhiên, là tiếng nói của các dân tộc trên thế giới như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga… Bên cạnh ngôn ngữ tự nhiên, theo Lotman còn tồn tại ngôn ngữ nhân tạo – đó là ngôn ngữ của các tín hiệu quy ước như biển báo giao thông, hay siêu ngôn ngữ của khoa học – và ngôn ngữ thứ sinh – đó là huyền thoại, tôn giáo và nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, văn học… Lotman giải thích ngôn ngữ thứ sinh như là những cấu trúc giao tiếp được kiến tạo xếp chồng lên trên một bình diện ngôn ngữ tự nhiên. “Chúng ta phải hiểu rằng ‘thứ sinh trong quan hệ với ngôn ngữ tự nhiên’ không chỉ mang nghĩa ‘sử dụng ngôn ngữ tự nhiên làm chất liệu […]. Hệ thống mô hình hoá thứ sinh, như mọi hệ thống kí hiệu, được kiến tạo dựa trên mô hình của ngôn ngữ”[27], tức là tổ chức các mối quan hệ trong hệ thống theo kiểu ngôn ngữ tự nhiên (có cấp bậc tôn ti, có các quy tắc lựa chọn và kết hợp); đó là lí do mà Lotman xem những nghệ thuật không dùng ngôn từ làm chất liệu như âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh… cũng là ngôn ngữ thứ sinh.

Mô hình là khái niệm mà kí hiệu học văn hoá thể hiện sự quan tâm đặc biệt khi nghiên cứu các văn bản thuộc loại hình ngôn ngữ thứ sinh. Theo Jurij Lotman, “mỗi mô hình là một thể tương tự của một đối tượng tri giác mà thay thế đối tượng đó trong quá trình tri giác”[28]. Từ đây, có thể định nghĩa mô hình hoá như là hoạt động tạo ra các mô hình. “Trường phái Tartu - Moskva cho rằng mọi hệ thống kí hiệu của một nền văn hoá đóng vai trò là phương tiện mô hình hoá (tức là nhận thức và giải thích) thế giới”[29]. Hệ thống mô hình hoá có thể được xem như một hệ thống kí hiệu với nhưng quy tắc cấu trúc, tồn tại trong trạng thái tương tự với một đối tượng tri giác hoặc một sự tổ chức nào đó; vì vậy, theo Lotman, mỗi hệ thống mô hình hoá có thể được đối xử như một ngôn ngữ. Kí hiệu học văn hoá hướng sự quan tâm vào việc phân biệt hệ thống mô hình hoá nguyên khởihệ thống mô hình hoá thứ sinh (hay ngôn ngữ thứ sinh). Ngôn ngữ tự nhiên là hệ thống kí hiệu cơ bản nhất và là hệ thống mô hình hoá nguyên khởi duy nhất. “Bởi vì ý thức của con người là ý thức mang tính ngôn ngữ, nên mọi dạng mô hình được xây chồng lên trên ý thức ấy như là những thượng tầng cấu trúc – và nghệ thuật nằm trong số đó – đều có thể được xác định như là các hệ thống mô hình hóa thứ sinh”[30].

Văn bản (Text)

Văn bản là khái niệm trung tâm và quan trọng nhất đối với kí hiệu học văn hoá. Sự ra đời của kí hiệu học văn hoá gắn liền với quan niệm hiện đại về văn bản, theo Lotman, làm sự thay đổi quan niệm kí hiệu học truyền thống. Trong hệ hình kí hiệu học cổ điển ở châu Âu từ Saussure, văn bản là một phát ngôn bằng một ngôn ngữ bất kì. Nhưng trên bình diện kí hiệu học văn hoá, “một thông báo nào đó để có thể được xem là văn bản, ít nhất, nó phải có hai lần được mã hoá”[31]. Một thông báo lần đầu tiên luôn được mã hoá bởi ngôn ngữ tự nhiên (lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người); nếu lần thứ hai được mã hoá bằng một ngôn ngữ thứ hai nào đó (ngôn ngữ nhân tạo, siêu ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ thứ sinh) và có thể được mã hoá nhiều lần nữa, nó sẽ trở thành một văn bản. Do đó, bản chất của văn bản là một hệ thống đa ngữ.

Văn bản theo Lotman là mọi đối tượng được trao nghĩa (thông điệp) mang những đặc trưng sau: tính biểu đạt, tính phân giới và tính cấu trúc. Văn bản trước hết được định hình bằng kí hiệu, là sự hiện thực hoá một hệ thống nào đó, thuộc về lĩnh vực lời nói trong hệ hình của Saussure. Thứ hai, văn bản hiện lên như một thực thể có ranh giới giữa các cấp độ tổ chức bên trong nó và ranh giới giữa bên trong với bên ngoài nó. Văn bản được Lotman định nghĩa theo cách đối lập nó với tất cả những kí hiệu không thuộc nó (tức là cái khác nó – có thể là hiện thực ngoài văn bản, văn bản khác, tác giả, người đọc…), đồng thời, văn bản lúc nào cũng thuộc về một hệ thống văn hoá. Cuối cùng, văn bản có tính cấu trúc, văn bản là một thực thể có cấu trúc độc lập, có tính toàn vẹn tự bên trong.

Chức năng cơ bản của văn bản được thừa nhận từ thời Saussure chính là chức năng giao tiếp: văn bản là phương tiện chứa đựng thông báo từ người gửi đến người nhận. Kí hiệu học văn hoá nghiên cứu các văn bản văn hoá và kết luận chức năng quan trọng thực sự của văn bản (cũng là chức năng của các hệ thống ngôn ngữ) là chức năng tạo nghĩa chức năng sáng tạo. Nói như Lotman, văn bản là một “cỗ máy sinh nghĩa” chứ không chỉ là vỏ đựng nghĩa. Văn bản, “trong quá trình hoạt động văn hoá, cái ý nghĩa ban đầu đã đặt vào đó buộc phải nhào nặn lại, phải chế biến và thay đổi, hệ quả là nó dẫn tới sự gia tăng ý nghĩa”[32]. Như vậy, thực ra văn bản có trước ngôn ngữ, nó là hiện tượng đa ngữ, buộc người tiếp xúc muốn giải mã phải tái tạo các bộ mã (hay cấu trúc) của văn bản từ chính văn bản; chính ở quá trình này mà ý nghĩa của văn bản được sản sinh. Văn bản không còn được quan niệm là một nhân tố mang nghĩa thụ động mà là một thực thể năng động.

Tóm lại, các nhà kí hiệu học văn hoá quan niệm về văn bản hoàn toàn khác so với truyền thống kí hiệu học Saussure, thậm chí, họ đảo ngược công thức của Saussure – cho rằng chính văn bản có những khía cạnh lớn hơn ngôn ngữ và nó là cái có trước ngôn ngữ. Văn bản vừa có những yếu tố thuộc hệ thống ngôn ngữ, vừa có những yếu tố ngoài hệ thống, cho nên không thể nói ngôn ngữ sinh ra văn bản. Không đơn thuần là sự hiện thực hoá một ngôn ngữ nào đó, văn bản là hiện tượng đa ngữ, chứa đựng nhiều loại mã khác nhau. Văn bản được trao cho ý nghĩa gắn liền với cấu trúc của nó, mở ra vô hạn khả năng diễn giải. Văn bản là một cơ chế kí hiệu học phức tạp.

Văn hoá (Culture)

Từ góc độ kí hiệu học văn hoá, văn hoá và văn bản là hai khái niệm liên quan mật thiết với nhau, cả hai đều được xem là một hệ thống kí hiệu và bản thân văn hoá hay văn bản về tổng thể cũng có thể được nghiên cứu như là một kí hiệu. Định nghĩa của trường phái Tartu - Moskva về văn hoá xuất phát từ khái niệm trung tâm là văn bản. Nói cách khác, văn hoá mang hình thái của văn bản. Quan niệm về văn hoá của kí hiệu học văn hoá thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, văn hoá là một tổng số có phân chia cấp bậc của mọi hệ thống biểu đạt đơn lẻ (tức là các hệ thống kí hiệu – các văn bản) mà mỗi hệ thống đều có cấu trúc nội tại và sự độc lập tương đối. Trên một lát cắt đồng đại, mỗi nền văn hoá là một hệ thống của những hệ thống có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau một cách phức tạp.

Thứ hai, văn hoá là một cơ chế kí hiệu học tổ hợp của quá trình lưu trữ, luân chuyển và sản sinh thông tin. “Nó vừa đóng vai trò một kí ức tập thể vừa là một kênh tạo sinh thông tin. Nó điều tiết hành vi của con người và cách thức con người áp đặt tính có cấu trúc lên thế giới”[33]. Văn hoá được hợp thành từ các văn bản. Văn bản lưu trữ một dung lượng rất lớn thông tin được mã hoá (bởi cấu trúc phức tạp, đa tầng, đa mã của nó) nên có thể xem văn bản giống như “chương trình nén chặt trí nhớ” không chỉ của cá nhân mà còn của xã hội. Do đó, văn hoá chính là kí ức cộng đồng được lưu trữ và truyền đi các thế hệ, thông qua cơ chế vận hành của các hệ thống kí hiệu. Mặt khác, kí ức cộng đồng là cơ sở để sản sinh ra văn bản mới dựa vào những văn bản đã từng tồn tại. Vì vậy ngoài chức năng tích trữ (ghi nhớ), luân chuyển thông tin (giao tiếp), văn hoá còn sản sinh ra thông tin mới (sáng tạo).

Thứ ba, văn hoá, cũng như văn bản, không bao giờ tồn tại biệt lập tuyệt đối mà luôn có ranh giới với cái khác tồn tại ngoài nó, đó có thể là cái phi văn hoá (tự nhiên) hoặc một loại văn hoá khác. Cấu trúc nội tại của văn hoá gắn chặt với cấu trúc của các mối liên hệ ngoài nó. Ranh giới không chia cắt văn hoá với cái bên ngoài nó mà đóng vai trò như lớp màng phiên dịch – đưa những yếu tố từ một tập hợp hỗn độn vô tổ chức (tự nhiên) hoặc được tổ chức theo một kiểu khác lạ (văn hoá khác) vào hệ thống có trật tự, đào thải những yếu tố dị biệt ra khỏi hệ thống.

Kí hiệu quyển (Semiosphere)

Kí hiệu quyển là khái niệm của Jurij Lotman, thể hiện quan điểm của Lotman và các cộng sự của ông nhằm bổ sung và phát triển lí thuyết của truyền thống kí hiệu học của châu Âu lẫn Mĩ. Khái niệm kí hiệu quyển được xem như là sự liên kết ba khái niệm kí hiệu, văn bản và văn hoá. Xuất phát từ quan niệm “kí hiệu không thể tồn tại mà không có cái khác nó” của Saussure, Lotman suy rộng ra: văn bản và văn hoá cũng tồn tại trong mối quan hệ với cái khác nó (tức là các văn bản khác, văn hoá khác). Các kí hiệu tạo thành văn bản, vô số văn bản tạo thành văn hoá và các văn hoá hợp thành kí hiệu quyển, hay không gian kí hiệu học. Mọi quá trình tạo ra và diễn giải kí hiệu chỉ có thể diễn ra trong kí hiệu quyển. Lotman xem vũ trụ kí hiệu học như một hệ thống, một cơ cấu thống nhất các văn bản riêng lẻ có mối tương quan, bên ngoài nó không tồn tại quá trình kí hiệu nào. Lotman viết:

Trong hoạt động thực tế, các hệ thống rạch ròi và đơn nghĩa về mặt chức năng không thể tồn tại tự nó, ở dạng biệt lập. […] Chỉ khi nào được bao bọc trong một màng lưới kí hiệu học đầy ắp những cấu trúc kí hiệu học thuộc những dạng khác nhau và tồn tại ở những cấp độ tổ chức khác nhau nào đó, chúng mới hoạt động. Chúng tôi gọi màng lưới ấy là kí hiệu quyển.[34]

Khái niệm văn bản là khái niệm trung tâm của kí hiệu học văn hoá. Lotman xác định đối tượng của nghiên cứu là văn bản và phương pháp nghiên cứu là phân tích văn bản. Kí hiệu học văn hoá xem khái niệm văn hoá như là hệ thống đa ngữ mà ở đó tồn tại song song với ngôn ngữ tự nhiên là các hệ thống mô hình hoá thứ sinh được kiến tạo dựa trên ngôn ngữ tự nhiên. Khi Jurij Lotman đặt ra khái niệm kí hiệu quyển (xem xét một hệ thống kí hiệu trong một không gian kí hiệu học rộng lớn hơn chính nó), ông thay đổi hoàn toàn hệ hình kí hiệu học từ tĩnh sang động. Cấu trúc luận của Jurij Lotman đã tiến xa hơn cấu trúc luận cổ điển. Nói tóm lại, các khái niệm của kí hiệu học văn hoá có sự gắn bó mật thiết với nhau từ kí hiệu – văn bản – văn hoá – kí hiệu quyển. Văn bản và văn hoá, trong đó văn bản chính là “mô hình quy giản của văn hoá”[35], đều có thể được nghiên cứu như là một kí hiệu ở phương diện hình (nghiên cứu cấu trúc, sự tổ chức của hệ thống kí hiệu).



1    Locke, J. (1947). An Essay concerning Human Understanding. Raymond Wilburn (abr., ed.). London: Dent. tr. 353-354.

Nguyên văn (tiếng Anh): All that can fall within the compass of human understanding, being either, first, the nature of things, as they are in themselves, their relations, and their manner of operation: or, secondly, that which man himself ought to do, as a rational and voluntary agent, for the attainment of any end, especially happiness: or, thirdly, the ways and means whereby the knowledge of both the one and the other of these is attained and communicated; I think science may be divided properly into these three sorts. […] The third branch may be called semeiotiké, or the doctrine of signs; the most usual whereof being words, it aptly enough termed lógos, logic; the business whereof is to consider the nature of the signs the mind makes use of for the understanding of things, or conveying its knowledge to others.

2    Peirce, C. S. (1932). The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, Volume II: Elements of Logic. Charles Hartshorne & Paul Weiss (eds.). Cambridge (MA): Harvard University Press. tr. 134.

Nguyên văn (tiếng Anh): …the characters of all signs used by a “scientific” intelligence, that is to say, by an intelligence capable of learning by experience.

3    Trong bản dịch của mình, Cao Xuân Hạo dịch thuật ngữ signe trong tiếng Pháp (sign trong tiếng Anh) là dấu hiệu. Chúng tôi sử dụng từ kí hiệu trong báo cáo này thay vì dấu hiệu như dịch giả, vì kí hiệu là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam.

4    Saussure, F. de. (2005). Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Cao Xuân Hạo (dịch). Hà Nội: Khoa học Xã hội. tr. 54.

5    Peirce, C. S. (1932). Tlđd. tr. 135.

Nguyên văn (tiếng Anh): A sign, or a representamen, is something, which stands to somebody for something in some respect or capacity. It addresses somebody, that is, creates in the mind of that person an equivalent sign, or perhaps a more developed sign. That sign which it creates I call the interpretant of the first sign. The sign stands for something, its object. It stands for that object, not in all respects, but in reference to a sort of idea, which I have sometimes called the ground of the representamen.

6    Peirce, C. S. (1932). Tlđd. tr. 136.

Nguyên văn (tiếng Anh): …perceptible, or only imaginable, or even unimaginable in one sense.

7    Peirce, C. S. (1934). The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, Volume V: Pragmatism and Pragmaticism. Charles Hartshorne & Paul Weiss (eds.). Cambridge (MA): Harvard University Press. tr. 335.

Nguyên văn (tiếng Anh): … by semiosis I mean […] an action, or influence, which is, or involves, a cooperation of three subjects, such as a sign , its object, and its interpretant.

8    Peirce, C. S. (1932). Tlđd. tr. 172.

Nguyên văn (tiếng Anh): … nothing is a sign unless it is interpreted as a sign.

9    Lotman, Iu. M. (2016). Kí hiệu học văn hoá. Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Đỗ Hải Phong (tuyển dịch). Hà Nội: Đại học Quốc gia. tr. 145.

10  Chandler, D. (2007) [2002]. Semiotics: the Basics. 2nd ed. London: Routledge. tr. 31.

Nguyên văn (tiếng Anh): Any initial interpretation can be reinterpreted.

11  Lotman, Iu. M. (2017). Nghiên cứu văn học phải trở thành khoa học. Lã Nguyên dịch. Truy xuất ngày 23/2/2020, từ: https://phebinhvanhoc.com.vn/ nghien-cuu-van-hoc-phai-tro-thanh-khoa-hoc/.

12  Saussure, F. de. (2005). Tlđd. tr. 53-54.

13  Thuật ngữ năng biểusở biểu được Cao Xuân Hạo dịch lại từ significantsignifié trong tiếng Pháp (signifiersignified trong tiếng Anh). Chúng tôi sử dụng cách gọi cái biểu đạt và cái được biểu đạt thay vì sở biểunăng biểu vì cách gọi này phân biệt hai thuật ngữ một cách sáng rõ hơn.

14  Saussure, F. de. (2005). Tlđd. tr. 138-140.

15  Chandler, D. (2007). Tlđd. tr. 5.

Nguyên văn (tiếng Anh): … search for ‘deep structures’ underlying the ‘surface features’ of sign systems.

16  Jakobson, R. (1971). Selected Writings, volume II: Word and Language. The Hague: Mouton. tr. 698.

Nguyên văn (tiếng Anh): … deals with those general principles which underlie the structure of all signs whatever and with the character of their utilization within messages, as well as with the specifics of the various sign systems and of the diverse messages using those different kinds of signs.

17  Hai từ syntacticssemantics đã được Lã Nguyên dịch thành cú pháp họcngữ nghĩa học. Theo chúng tôi cách dịch đó chưa đúng, vì cú pháp học, ngữ nghĩa học là những thuật ngữ chỉ phân ngành của ngôn ngữ học, tức là khoa học nghiên cứu kí hiệu ngôn ngữ. Đối với kí hiệu học – khoa học nghiên cứu kí hiệu nói chung, những từ này phải được dịch là kết học (nghiên cứu quan hệ giữa các kí hiệu trong hệ thống) và nghĩa học (nghiên cứu quan hệ giữa kí hiệu với cái mà nó quy chiếu đến). – Chú thích của chúng tôi

18  Lotman, M. I. (2016). Ký hiệu học văn hoá ở trường phái kí hiệu học Tartu - Moskva. Trong Iu. M. Lotman, Kí hiệu học văn hoá (tr. 37-60). Hà Nội: Đại học Quốc gia. tr. 45.

19  Guo Hong. (2009). A Brief Introduction to and Semiotic Analysis of Lotman's Cultural Semiotics. Chinese Semiotics Studies, 1(1/2), tr. 158.

Nguyên văn (tiếng Anh): a science studying the fuctional relatedness of sign systems circulating in culture.

20  Lotman, Iu. M. (2016). Tlđd. tr. 68.

21  Posner, R. (2004). Basic tasks of Cultural Semiotics. Essen: Linguistic Agency University of Duisburg. tr. 1.

22  Lotman, M. I. (2016). Tlđd. tr. 49.

23  Lotman, M. I. (2016). Tlđd. tr. 51.

24  Lotman, M. I. (2016). Tlđd. tr. 54.

25  “Ngoài văn bản” không được hiểu như là “hiện thực bên ngoài văn bản” mà là những cấu trúc khác tồn tại cùng văn bản trong không gian kí hiệu học.

26  Lotman, J. (1977). The Structure of the Artistic Text. Ronald Vroon (trans.). Ann Abor (MI): University of Michigan. tr. 8.

Nguyên văn (tiếng Anh): We understand language to mean any communication system employing signs which are ordered in a particular manner.

27  Lotman, J. (1977). Tlđd. tr. 9.

Nguyên văn (tiếng Anh): We should understand the phrase ‘secondary in relation to language’ to mean more than ‘using natural language as material’ […]. Secondary modeling systems, like all semiotic systems, are constructed on the model of language.

28  Lotman, J. (2011). The place of art among other modelling systems. Tanel Pern (trans.). Sign Systems Studies, 39(2/4), tr. 250.

Nguyên văn (tiếng Anh): … a model is an analogue of an object of perception that substitutes it in the process of perception.

29  Guo Hong. (2009). Tlđd. tr. 160.

Nguyên văn (tiếng Anh): MTS assumes that all the semiotic systems of a culture serve as means of modeling (i.e. , cognizing and explaining) the world.

30  Lotman, J. (1977). Tlđd. tr. 9-10.

Nguyên văn (tiếng Anh): Inasmuch as man's consciousness is a linguistic consciousness, all types of models erected as superstructures on that consciousness – and art among them – can be defined as secondary modeling systems.

31  Lotman, Iu. M. (2016). Tlđd. tr. 144.

32  Lotman, Iu. M. (2016). Tlđd. tr. 162.

33  Guo Hong. (2009). Tlđd. tr. 159.

Nguyên văn (tiếng Anh): It is both a collective memory and a program for the generation of new messages. It regulates human behavior and how humans project structuredness upon the world.

34  Lotman, Iu. M. (2016). Tlđd. tr. 89.

35  Guo Hong. (2009). Tlđd. tr. 159. Nguyên văn (tiếng Anh): reduced model of culture.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến