CĂN TÍNH VĂN HOÁ VÀ DI DÂN (1990) - Stuart Hall - p.1

CĂN TÍNH VĂN HOÁ VÀ DI DÂN

Stuart Hall [1]

(phần 1)


Một nền điện ảnh mới của vùng Ca-ri-bê đang xuất hiện, nhập vào cùng với ‘Những nền điện ảnh thứ ba’ khác. Nó liên quan đến, nhưng lại khác với phim ảnh và những hình thức trình hiện thị giác sống động khác về những ‘người da đen’ vùng Ca-ri-bê (và châu Á) gốc Phi [2] của cộng đồng di dân phương Tây – những chủ thể mới thời hậu thuộc địa. Tất cả những thực hành văn hóa và những hình thức trình hiện này đều có chủ thể da đen ở trung tâm của chúng, đặt ra câu hỏi về vấn đề căn tính văn hóa. Ai là chủ thể mới nổi của điện ảnh? Từ nơi đâu mà anh/cô ấy nói? Các thực hành trình hiện luôn bao hàm những lập trường [position] từ đó ta nói hoặc viết – những lập trường phát ngôn [enunciation]. Các lí thuyết gần đây về phát ngôn cho rằng, mặc dù ta nói, có thể xem là ‘nhân danh chính mình’, về bản thân ta và từ kinh nghiệm của riêng ta, thế nhưng người nói, và chủ thể được nói đến, không bao giờ đồng nhất, không bao giờ ở chính xác cùng một nơi. Căn tính không hề trong suốt hay giản đơn như ta nghĩ. Có lẽ thay vì nghĩ về căn tính như một sự kiện đã hoàn tất, mà các thực hành văn hóa mới sau đó sẽ trình hiện, thì thay vào đó, ta nên nghĩ về căn tính như một ‘sản phẩm’, không bao giờ hoàn chỉnh, luôn ở trong tiến trình và luôn được cấu thành bên trong, không phải bên ngoài, sự trình hiện. Góc nhìn này vấn đề hoá ngay chính thẩm quyền và tính đích thực mà thuật ngữ ‘căn tính văn hóa’ đặt ra.

Ở đây, ta cố gắng mở ra một cuộc đối thoại, một cuộc điều tra, về chủ thể của căn tính văn hoá và sự trình hiện. Tất nhiên, cái ‘tôi’ đang viết ở đây cũng phải được xem như là tự nó ‘được phát ngôn’. Ta đều viết và nói từ một nơi chốn và thời gian cụ thể, từ một lịch sử và một nền văn hóa cụ thể. Điều ta nói luôn ‘ở trong văn cảnh’, được định vị. Tôi sinh ra và trải qua thời thơ ấu và niên thiếu của mình trong một gia đình trung lưu ở Jamaica. Tôi đã sống cả cuộc đời trưởng thành của mình ở Anh, trong bóng tối của những di dân da đen [black diaspora] – ‘trong bụng con bạo thú’. Tôi viết trên phông nền của một công việc cả đời trong ngành nghiên cứu văn hóa. Nếu bài viết có vẻ bị xâm chiếm bởi trải nghiệm di dân và những tự sự của nó về sự di trú, thì cần nhớ rằng mọi diễn ngôn đều được ‘đặt vào’, và con tim có những lí lẽ của riêng nó.


Stuart Hall (cultural theorist) - Alchetron, the free social encyclopedia
STUART HALL (Nguồn: Alchetron)

Có ít nhất hai cách nghĩ khác nhau về ‘căn tính văn hóa’. Lập trường thứ nhất định nghĩa ‘căn tính văn hóa’ như là một văn hóa chung, một thứ ‘bản ngã đích thực đơn nhất’, ẩn bên trong nhiều bản ngã khác hời hợt hơn hoặc bị áp đặt giả tạo, mà những người có chung lịch sử và tổ tiên cùng nắm giữ. Trong phạm vi của định nghĩa này, những căn tính văn hóa của chúng ta phản ánh các kinh nghiệm lịch sử chung và các mã văn hóa được chia sẻ mà chúng cấp cho chúng ta, với tư cách là ‘một dân tộc’, các khung quy chiếu và nghĩa ổn định, không thay đổi và liên tục, bên dưới những sự phân hoá đang biến đổi và những thăng trầm của lịch sử thực tế của chúng ta. ‘Tính đơn nhất’ [oneness] này, nằm bên dưới mọi khác biệt khác hời hợt hơn, là chân lí, là bản chất [essence] của ‘chất Ca-ri-bê’, của trải nghiệm da đen. Chính căn tính này là thứ mà một cộng đồng di dân da đen hoặc Ca-ri-bê phải khám phá, khai quật, đưa ra ánh sáng và biểu hiện thông qua sự trình hiện của điện ảnh.

Một khái niệm như thế về căn tính văn hóa đã đóng một vai trò quyết định trong mọi cuộc đấu tranh hậu thuộc địa vốn đã định hình lại thế giới của ta một cách thật sâu sắc. Nó nằm ở trung tâm tầm nhìn của các nhà thơ ‘Negritude’, [3] như Aimee Ceasire và Leopold Senghor, và của đề án chính trị Liên Phi [Pan-Africa], hồi đầu thế kỉ. Nó tiếp tục là một tác lực rất mạnh mẽ và sáng tạo trong các hình thức trình hiện mới ở các dân tộc từ trước đến nay bị ngoại biên hoá. Trong các xã hội hậu thuộc địa, sự khám phá lại căn tính này thường là đối tượng của cái mà Frantz Fanon từng gọi là một 

nghiên cứu nhiệt huyết … được định hướng bởi hi vọng thầm kín về việc khám phá vượt ra khỏi sự khốn khổ của hôm nay, vượt ra khỏi sự tự coi thường, sự nhẫn nhục và thề bỏ, một thời đại rất đẹp và huy hoàng nào đó mà sự hiện hữu của nó phục nguyên chúng ta cả về bản thân mình và những người khác.

Các hình thức thực hành văn hóa mới trong những xã hội này chú tâm đến đề án này vì lí do rất chính đáng, như Fanon nói, rằng trong quá khứ gần đây,

Sự thuộc địa hóa không thỏa mãn chỉ với việc giam giữ một dân tộc trong gọng kìm của nó và tẩy não người bản xứ về mọi hình thức và nội dung. Bằng một thứ logic sai trái, nó quay sang quá khứ của dân tộc bị áp bức, và bóp méo, làm biến dạng và phá hủy nó. [4]

Câu hỏi mà quan sát của Fanon đặt ra là, bản tính của ‘nghiên cứu nhiệt huyết’ này, vốn thúc đẩy các hình thức mới của sự trình hiện thị giác và điện ảnh, là gì? Có phải nó chỉ là vấn đề khai quật thứ mà kinh nghiệm thuộc địa đã chôn vùi và che phủ, đưa ra ánh sáng những sự liên tục bị ẩn giấu mà nó đã đàn áp? Hoặc có chăng một thực hành hoàn toàn khác được đòi hỏi – không phải là sự khám phá lại mà là sự sản xuất căn tính. Không phải là một căn tính được đặt nền tảng ở khảo cổ học, mà là ở sự kể lại quá khứ?

Ta không nên, trong một khoảnh khắc nào đó, đánh giá thấp hoặc bỏ qua tầm quan trọng của hành động khám phá lại có tính sáng tạo mà cái khái niệm về một căn tính thiết yếu được khám phá lại này đòi hỏi. ‘Những lịch sử ẩn giấu’ đã đóng một vai trò quyết định trong sự xuất hiện của nhiều phong trào xã hội quan trọng nhất trong thời đại ta – nữ quyền, chống thuộc địa và chống phân biệt chủng tộc. Tác phẩm nhiếp ảnh của một thế hệ nghệ sĩ người Jamaica và tín đồ Rastafari, [5] hoặc của một nghệ sĩ thị giác như Armet Francis (một nhiếp ảnh gia gốc Jamaica đã sống ở Anh từ năm tám tuổi) là minh chứng cho sức mạnh sáng tạo không ngừng của khái niệm về căn tính này trong những thực hành trình hiện đương trỗi. Những bức ảnh của Francis về những dân tộc trong Tam giác Đen, được chụp ở châu Phi, Ca-ri-bê, Mỹ và Anh Quốc, cố gắng tái kiến tạo về mặt thị giác ‘sự thống nhất bề sâu của người da đen bị sự thuộc địa hoá và chế độ nô lệ phân tán suốt tiến trình di dân của người châu Phi.’ Văn bản của anh ấy là một hành động tái thống nhất trong tưởng tượng.

Điều cốt yếu là, những hình ảnh như thế mang lại một cách thức áp đặt một sự cố kết tưởng tượng lên trải nghiệm về sự phân tán và phân mảnh, vốn là lịch sử của mọi cộng đồng di dân do cưỡng bức [enforced diasporas]. Họ làm điều này bằng cách trình hiện hoặc ‘hình dung’ châu Phi như là mẹ của những nền văn minh khác nhau này. Tam giác này, xét cho cùng, có ‘trung tâm’ ở châu Phi. Châu Phi là tên của ngữ định danh còn thiếu, cái nan đề [aporia] lớn lao, nằm ở trung tâm của căn tính văn hóa của chúng ta và cấp cho nó một cái nghĩa, mà cho đến gần đây, nó vẫn thiếu. Không ai giờ đây nhìn vào những hình ảnh có kết cấu này, dưới ánh sáng của lịch sử về lưu đày [transportation], chế độ nô lệ và di cư, mà lại không hiểu cái cách mà vết rạn nứt của sự chia cắt, ‘sự mất mát căn tính’, vốn đã nhập vào trong trải nghiệm của người Ca-ri-chỉ bắt đầu được chữa lành khi những mối liên hệ bị lãng quên này một lần nữa được đặt vào đúng vị trí. Những văn bản như thế khôi phục lại sự đầy đủ hoặc phong phú trong tưởng tượng, để đặt đối trọng với phạm trù đứt quãng trong quá khứ của chúng ta. Chúng là nguồn lực của sự phản kháng và căn tính, để đương đầu với những cách thức rời rạc và vô lí mà qua đó trải nghiệm ấy đã được tái kiếtạo trong những chế độ trình hiện điện ảnh và thị giác thống trị của phương Tây. 

Tuy nhiên, có một quan điểm thứ hai liên quan nhưng khác biệt, về căn tính văn hóa. Lậptrường thứ hai này thừa nhận rằng, bên cạnh nhiều điểm giống nhau, cũng có những yếu điểm về sự khác biệt sâu sắc và đáng kể tạo nên ‘cái chúng ta thực sự là’; hay đúng hơn là – vì lịch sử đã can thiệp – ‘cái chúng ta đã trở thành’. Ta không thể nói quá nhiều, với bất cứ sự chính xác nào, về ‘một trải nghiệm, một căn tính’, mà không thừa nhận mặt còn lại của nó – những đứt gãy và gián đoạn tạo nênchính xác là, ‘tính độc nhất’ của vùng Ca-ri-bê. Căn tính văn hóa, theo cách hiểu thứ hai này, là chuyện ‘trở thành’ cũng như ‘tồn tại’. Nó thuộc về tương lai không kém so với thuộc về quá khứ. Nó không phải là thứ đã hiện hữu rồi, vượt lên trên nơi chốn, thời gian, lịch sử và văn hóa. Những căn tính văn hóa đến từ đâu đócó lịch sử. Nhưng, giống như mọi thứ mang tính lịch sử, chúng trải qua sự biến đổi không ngừng. Không hề bị cố định vĩnh viễn trong một quá khứ được định bản chất nào, chúng bị chi phối bởi ‘trò chơi’ miên viễn của lịch sử, văn hóa và quyền lực. Không hề bắt rễ vào một ‘sự phục nguyên’ quá khứ đơn thuần nào, thứ đang chờ được tìm thấyvà khi được tìm thấy, sẽ bảo vệ cảm thức của ta về bản thân ta trong sự vĩnh viễn, căn tính là những cái tên ta đặt cho những cách thức khác nhau mà ta được định vị bởi, và định vị chính mình trong, những tự sự của quá khứ.

Chỉ từ lập trường thứ hai này ta mới có thể hiểu đúng đặc tính chấn thương của ‘trải nghiệm thuộc địa’. Những cách thức qua đó người da đen, những trải nghiệm da đen, được định vị và bị chi phối trong những chế độ trình hiện thống trị là những ảnh hưởng của việc thực thi quyền lực và sựchuẩn hóa văn hóa có tính hệ trọng. Theo cách hiểu ‘Đông phương luận’ của Said, chúng ta khôngchỉ bị những chế độ ấy kiến tạo như là cái khác biệt [different] và cái khác [other] bên trong nhữngphạm trù tri ​​thức của phương Tây. Họ đã sở hữu sức mạnh khiến chúng ta nhìn và trải nghiệm bản thân ta như là ‘cái Khác’. Mọi chế độ trình hiện đều là một chế độ quyền lực được hình thành, như Foucault nhắc nhở chúng ta, bằng bộ đôi cốt tử, ‘quyền lực/tri thức’ [power/knowledge]. Nhưng loại tri ​​thức này là tri thức bên trong, không phải bên ngoài. Một mặt nó định vị một chủ thể hoặc một nhóm dân tộc như là cái Khác của một diễn ngôn thống trị. Một mặt hoàn toàn khác nó khiến họ phải lệ thuộc vào ‘tri thức’ đó, chứ không chỉ như là vấn đề ý chí bị áp đặt và sự thống trị, nhờ vào sức mạnh của sự cưỡng bách bên trong và sự thích ứng chủ quan với chuẩn mực. Đó là bài học  sự uy nghiêm u ám  từ cái nhìn sâu sắc của Fanon về trải nghiệm thực dân trong Da đen, Mặt nạ trắng [Black Skin, White Masks].

Sự tước đoạt [expropriation] căn tính văn hóa từ bên trong này làm tê liệt và bóp méo. Nếu những hoàn cảnh im lặng của nó không bị kháng cự, chúng sẽ sản xuất, theo cách nói sống động của Fanon, ‘những cá nhân không có một mỏ neo, không có chân trời, không màu sắc, không quốc tịch, không gốc rễ  một chủng tộc của thiên thần’. [6] Tuy nhiên, ý niệm về tính khác [otherness] như một sự cưỡng bách bên trong này sẽ thay đổi quan niệm của ta về của ‘căn tính văn hóa’. Trong viễn tượng này, căn tính văn hóa hoàn toàn không phải là một bản chất cố định, nằm trơ lì không đổi bên ngoài lịch sử và văn hóa. Đó không phải là một tinh thần phổ quát và siêu nghiệm nào đó bên trong ta mà lịch sử không để lại dấu vết ban sơ nào. Nó không tồn tại một-lần--mãi-mãi. Nó không phải là một nguồn cội cố định mà ta có thể thực hiện một cuộc Trở về tối hậu và tuyệt đối nào đó. Tấtnhiên, nó cũng không phải chỉ là một bóng ma [phantasm]. Nó là một cái gì đó  không chỉ là một trò lừa của trí tưởng tượng. Nó có những lịch sử của nó  và lịch sử thì có những tác động thực, có tính vật chất và biểu trưng. Quá khứ tiếp tục nói với ta. Nhưng nó không còn chạm đến ta như là một ‘quá khứ’ đơn giản, thực kiện [factual] nữa, vì quan hệ của ta với nó, giống như quan hệ của đứa trẻvới mẹ, vốn-đã-luôn là ‘theo sau sự chia cắt’. Nó luôn được kiến tạo qua kí ức, huyễn tưởng [fantasy], tự sự và huyền thoại [myth]. Căn tính văn hóa là những điểm đồng nhất [point of identification], những điểm đồng nhất hoặc ráp nối bất ổn định, được tạo ra, bên trong những diễn ngôn của lịch sử và văn hóa. Không phải là một bản chất mà là một sự định vị. Do đó, luôn tồn tại một chính trị của căn tính, một chính trị của lập trường, mà không có sự cam đoan tuyệt đối nàotrong một ‘quy luật nguồn gốc’ không có tính vấn đề, siêu nghiệm.

...

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch và chú thích.

Nguồn: Hall, S. (1990). Cultural  Identity and Diaspora. In Jonathan Rutherford (C. Ed.), Identity: Community, Culture, Difference (tr. 222–237), London: Lawrence and Wishart.



1. Stuart Hall (1932–2014): nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hoá và hoạt động xã hội. Ông sinh ra ở Jamaica trong một gia đình có gốc Phi. Ông rời quê hương đến nước Anh để học tại Đại học Oxford từ năm 1951, rồi hoạt động với tư cách một chính trị gia cánh tả theo chủ nghĩa cấp tiến. Năm 1964, ông nhận lời mời của Richard Hoggart trở thành phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá đương đại (Centre of Contemporary Cultural Studies) do Hoggart thành lập ở Đại học Birmingham (London), và cùng năm đó ông đồng xuất bản công trình Những nghệ thuật phổ biến (The Popular Arts), đánh dấu mốc cho sự nghiệp của Hall như là một nhà nghiên cứu văn hoá. Ông cùng với Richard Hoggart và Raymond Williams là 3 lí thuyết gia đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hoá ở Anh (Trường phái Birmingham) mà sau này lan rộng trên toàn thế giới từ những năm 1990. Ngoài nghệ thuật và truyền thông đại chúng, Stuart Hall quan tâm đến vấn đề ý hệ (ideology), chủng tộc (race), căn tính (identity) với tư cách là một học giả Marxist Anh, chịu ảnh hưởng từ Althusser và Gramsci, qua đó mở rộng phạm vi của nghiên cứu văn hoá sang lĩnh vực chính trị. (ND)

2. Nguyên văn là Afro-Caribbean (and Asian), tức là Afro-Caribbean (người vùng Ca-ri-bê gốc Phi) và Afro-Asian (người châu Á gốc Phi). (ND)

3. “Negritude”: xuất phát từ tiếng Pháp “négritude”, nghĩa gốc là “tính chất đen” (blackness). Trong thập niên 1930 và 1940, từ này được dùng để đặt tên cho một phong trào văn học của các nhà văn da đen gốc Phi nói tiếng Pháp ở Paris nhằm khẳng định những giá trị của văn hoá, di sản và căn tính của người da đen châu Phi. (ND)

4. Frantz Fanon, ‘Về văn hoá dân tộc’ [On National Culture], trong Kẻ bất hạnh của thế gian [The Wretched of the Earth], London 1963, tr170.

5. Rastafari, hay phong trào/chủ nghĩa Rastafari (Rastafarism): một phong trào tôn giáo - xã hội ra đời và phát triển ở Jamaica những năm 1930, với tín đồ (được gọi là Rastafarian hay Rasta) là những người gốc Phi ở Jamaica. Tôn giáo này xem coi người da đen là một chủng tộc đã được Chúa chọn để cứu rỗi. (ND)

6. Tlđd., tr176.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến