VỀ CÁC KHÁI NIỆM: KÍ, BÚT KÍ VÀ TUỲ BÚT
VỀ CÁC KHÁI NIỆM: KÍ, BÚT KÍ VÀ TUỲ BÚT
1. Đặt vấn đề
Văn xuôi phi hư cấu (nonfiction), hay kí,
là một đối tượng đặc biệt: nó là một loại hình giao thoa giữa văn học với ngoại
văn học. Hiện nay, ở Việt Nam, thể loại văn xuôi phi hư cấu được
đưa vào giảng dạy trong nhà trường với một khối lượng đáng kể. Trong Chương
trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (gọi tắt là Chương trình)
được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/12/2018, thể loại kí được
đưa vào dạy học ở lớp 6, 7, 11 và 12. Mỗi khối lớp được học một số tiểu
loại của thể kí: thể loại hồi kí, nhật
kí, kí sự, phóng sự thuộc nội dung kiến thức
văn học lớp 6 và 12; thể loại bút kí, tuỳ bút thuộc
nội dung kiến thức văn học của lớp 7 và lớp 11.
Vấn đề khái niệm thể loại kí,
các tiểu thể loại của nó và ranh giới giữa chúng vẫn còn là một vấn đề chưa
hoàn toàn đi đến thống nhất (bởi lẽ kí vẫn là một thể loại
chưa hoàn bị, nó vẫn còn phát triển và biến đổi dựa trên những thể nghiệm mới
trong thời đại hôm nay và trong tương lai). Điều này ảnh hưởng đến việc giảng dạy
thể loại kí cho học sinh. Sách giáo khoa là
tên gọi khác của hệ thống kiến thức được chuẩn hoá; vì vậy phải
tìm ra cách trình bày tương đối "chắc chắn", "ổn định"
(tránh "phập phù", "mơ hồ", "nước đôi") những
khái niệm đang còn chưa thống nhất. Thực tế, có giáo viên không biết gọi tác phẩm Người
lái đò sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân là tuỳ bút hay bút
kí, không xác định rõ Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984) của
Hoàng Phủ Ngọc Tường là bút kí hay tuỳ bút, nên phải
dùng những khái niệm như "tuỳ bút đậm chất bút kí" hay "bút kí đậm
chất tuỳ bút" - những khái niệm dễ gây nhầm lẫn, khó khăn cho học sinh (các
em có thể sẽ thắc mắc rằng: nếu đã "đậm chất tuỳ bút" thì tại sao
không gọi là "tuỳ bút" luôn (?), chẳng hạn). Trong phạm vi bài
viết này, trên cơ sở cách hiểu của các nhà nghiên cứu hiện nay về những khái niệm kí, bút
kí và tuỳ bút, tôi hệ thống và trình bày lại
các khái niệm ấy cùng với sự phân biệt tương đối giữa hai thể loại bút
kí và tuỳ bút. Tựu trung, làm rõ và nắm
chắc các khái niệm thuộc cùng một cấp bậc hệ thống (như bút kí và tuỳ
bút) là cách duy nhất để không nhầm lẫn chúng với nhau, dẫu cho giữa
chúng chỉ có khác biệt nhỏ.
2. Nội dung vấn đề
2.1. Kí
“Kí
là ghi lại, nhằm đối tượng người thật việc thật, thường thuộc về hiện tại hoặc
trong một quá khứ chưa xa”[1].
Như vậy, kí trước hết là hoạt động ghi chép, thuộc về nhiều lĩnh vực trong đời
sống.
Từ điển văn học định nghĩa: “Kí
là tên gọi chung cho một nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và
ngoài văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại), chủ yếu là văn
xuôi tự sự, gồm các thể loại: bút kí, hồi kí, du kí, phóng sự, kí sự, nhật kí…”[2].
Định nghĩa trên đã khái quát được hai đặc điểm cơ bản của kí. Thứ nhất, kí là
loại hình ghi chép nằm ở lằn ranh của văn học và ngoài văn học. Thứ hai, dạng
thức ghi chép của kí là văn xuôi và phương thức biểu đạt chủ yếu của kí là tự sự. Mặt
khác, giới nghiên cứu văn học phân biệt giữa kí văn học và kí báo chí; mục đích
của sự phân biệt này là định ra đối tượng của nghiên cứu văn học là kí văn học
– một thể loại của văn học, đặt song song với thơ trữ tình, tiểu thuyết, truyện
ngắn, kịch bản văn học và các thể loại văn học khác. Kí văn học “chỉ cần chân
thực, phải mang tính thẩm mỹ”[3],
còn kí báo chí “phải tuyệt đối xác thực, kịp thời, thông tin rành rọt, khách
quan”[4].
Đặc
trưng của thể loại kí văn học đầu tiên là “sự can dự trực tiếp của nghệ thuật
vào đời sống xã hội”[5].
Vì vậy đặc trưng thứ nhất của kí văn học là tính xác thực, là ghi chép sự thật,
người thật, việc thật. Kí văn
học là nơi gặp gỡ của sự thật đời sống và nghệ thuật.
Đặc
trưng thứ hai của kí văn học là “sự thông tin về sự thực của các giá trị nhân
sinh […]. Nội dung cơ bản của kí, ngay ở hình thức sơ khai của nó, là thông tin
về ý nghĩa, về giá trị nhân sinh của sự việc được ghi”[6].
Kí ghi chép sự thật nhưng mục đích cơ bản không phải là trình bày sự thật đó,
mà là trình bày sự thật của quan niệm, của tư tưởng, của triết lý. Nói cách
khác, kí văn học ghi chép hiện thực đời sống và hiện thực tư tưởng (thông tin sự
thực về khách thể hoặc
chủ thể), cũng như giá trị nhân sinh của hiện thực đó (thông tin thẩm mỹ).
Đặc
trưng thứ ba của kí văn học là những thủ pháp kết cấu dùng để “điều chỉnh tối
đa khoảng cách giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật”[7],
nhằm đem lại hiệu quả nghệ thuật cho người đọc: sự vật, sự việc, con người…
đang hiện lên chân thật, sinh động trước mắt.
Đặc
trưng thứ tư của kí văn học là sự “kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, trữ
tình, chính luận với các thao tác tư duy khoa học”[8].
Trong một tác phẩm kí, có những ghi chép, tường thuật về cảnh, vật, việc và con
người với vai trò nhân vật, “thổi sức sống” cho tác phẩm (phương thức tự sự);
tác phẩm kí thể hiện một cảm quan nghệ thuật về hiện thực của tác giả, bày tỏ
những suy nghiệm chủ quan của tác giả về đối tượng ghi chép, thể hiện một nhận
thức về giá trị nhân sinh (phương thức trữ tình và chính luận); bên cạnh đó,
tác phẩm kí còn chứa đựng nhưng thông tin, tri thức ở nhiều lĩnh vực (văn hoá,
xã hội, lịch sử, địa lí,…) xoay quanh đối tượng ghi chép (tính khoa học).
Ở tác phẩm kí văn học, hình tượng tác giả (dấu ấn của cái
tôi tác giả trong tác phẩm) có vai trò quan trọng và nổi bật. Tác giả “hoá thân”
thành một nhân vật trong tác phẩm, giữ vai trò tự thuật, trò chuyện với
các nhân vật khác, trình bày các sự kiện bằng việc
sử dụng cảm quan nghệ thuật để quan sát, liên tưởng và tưởng tượng, bộc lộ những ấn tượng, ý kiến, tình cảm của mình,
dẫn người đọc tiếp cận đối tượng ghi chép theo một hướng nào đó, tạo ra sự thống
nhất các phần trong bài kí. “Kí là sự soi
sáng cuộc sống bằng bó đuốc của những hiểu biết, tư tưởng, tình cảm của tác giả”[9]
và qua tác phẩm kí người đọc cảm
nhận được cái tôi của tác giả.
Kí
là thể loại văn học bao gồm nhiều tiểu thể loại. Theo cách phân loại truyền thống,
có thể chia kí văn học thành hai nhóm dựa vào phương thức biểu đạt chính trong
tác phẩm. Nhóm thứ nhất bao gồm các thể kí thiên
về tự sự, yếu tố tự sự, tự thuật trong tác phẩm là yếu tố nổi bật – đó là
phóng sự, kí sự, nhật kí, hồi kí, du kí. Nhóm thứ hai bao gồm các thể kí thiên về trữ tình, chuỗi sự kiện bị chi
phối bởi mạch cảm xúc trữ tình của tác giả – đó là bút kí, tuỳ bút, tản văn.
2.2. Bút
kí
Bút kí là “một thể loại thuộc nhóm
thể tài kí nhằm ghi lại sự việc, con người, cảnh vật… mà nhà văn mắt thấy tai
nghe, thường là trong một chuyến đi, một lần tìm hiểu nào đó […] không sử dụng
hư cấu vào việc phản ánh hiện thực, có những nhận xét, suy nghĩ, liên tưởng,
nhưng ít phóng túng triền miên, mà tập trung thể hiện một tư tưởng chủ đạo nhất
định”[10].
Mục đích đầu tiên của tác phẩm bút kí là thể hiện một giá trị nhận thức về đối
tượng được ghi chép.
Bút kí bao gồm
bút kí báo chí (chủ yếu là bút kí chính luận – có tính thời sự, ghi nhận những
vấn đề cấp thiết) và bút kí văn học. Không đặt nặng lượng thông tin, tính xác
thực tuyệt đối và tính kịp thời như bút kí báo chí, bút kí văn học chú ý đến
giá trị thẩm mỹ, nhân văn của đối tượng phản ánh song vẫn cung cấp những sự thật,
tri thức, hiểu biết của tác giả về đối tượng ấy. Điểm đặc sắc của bút kí là sự
hiện hiện của cái tôi suy tư của tác giả, đóng vai trò bộc lộ những cảm nghĩ.
Những tiểu loại kí khác như phóng sự, kí sự nghiêng về tính khách quan của sự
thể hiện thì bút kí nghiêng về tính chủ quan – những bình luận, suy tưởng của
tác giả.
2.3. Tùy
bút
Tuỳ bút là “một
thể loại văn xuôi phái sinh từ thể loại kí, gần với bút kí, nhưng cách viết tự
do và tuỳ hứng nhiều hơn. Nhà văn dựa vào sự lôi cuốn của cảm hứng, có thể nói
từ sự việc này sang sự việc khác, từ liên tưởng này sang liên tưởng kia… để bộc
lộ những cảm xúc, những tâm tình, phát biểu những suy nghĩ, những nhận xét về
con người và cuộc đời. […] Tuỳ bút là thể giàu chất trữ tình nhất
trong các thể kí. […] Những sự việc, những con người trong tuỳ bút […] tuân thủ
trật tự của dòng cảm xúc, cái logic bên trong của cảm hứng tác giả”[11].
Như vậy bản chất của tuỳ bút chính là vai trò chủ đạo của cảm hứng, cảm xúc trữ
tình của tác giả, nó chi phối kết cấu của tác phẩm. Qua việc ghi chép cái thật,
tác giả chú trọng bộc lộ cảm xúc, suy tư, đánh giá về cái thật ấy. Giá trị đầu
tiên của tuỳ bút là giá trị biểu cảm.
Xuất phát từ bản chất trên, tuỳ bút
có những đặc trưng cơ bản sau: tuỳ bút dung hợp những kiến giải, những suy nghĩ, chiêm nghiệm của tác giả có
những hiểu biết sâu rộng, có hứng thú, có ý tưởng sâu sắc, có cảm tình đẹp đẽ;
tuỳ bút có tính phóng túng vì kết cấu theo mạch cảm xúc của tác giả, có thể
chuyển từ sự việc, liên tưởng này sang sự việc, liên tưởng kia mà vẫn không làm
gián đoạn mạch cảm xúc; trong tùy bút, cảm hứng, cảm xúc về các sự việc, sự vật,
hiện tượng về tự nhiên và xã hội, về con người và cuộc đời… của người viết thường
được bộc lộ một cách rõ ràng, trực tiếp; ngôn ngữ trong tùy bút thường rất giàu
chất trữ tình, giọng điệu tuỳ bút in đậm dấu ấn của cái tôi tác giả, có khi hoà
nhịp với âm hưởng chung của thời đại. Bên cạnh đó, tuỳ bút còn mang tính chất của
các thể loại khác, ví dụ tính tự thuật của nhật kí, tính trần thuật của truyện
ngắn.
2.4. Phân biệt bút kí với tuỳ bút (trong tương quan với kí sự)
Trong sự tương
quan về thể loại văn học, có thể khẳng định rằng bút kí và tuỳ bút không có
ranh giới rõ ràng. Cả hai tiểu loại này đều có tính chất ghi chép sự thật như
là bản chất của thể loại kí; và các tác giả thông qua những sự kiện, sự vật,
con người… để bộc lộ những tình cảm, suy nghiệm của chính bản thân mình, thể hiện
một cái tôi đang phát biểu về đối tượng ghi chép. Để phân biệt bút kí với tuỳ
bút, người ta dựa vào “tỉ trọng” của tính chất trữ tình. Trong tùy bút, tác giả
phóng bút, dành nhiều “đất” cho những ngẫm nghĩ, liên tưởng của của mình, do
đó, tính chất trữ tình thường đậm nét hơn bút kí. Còn đối với bút kí, việc ghi
chép và trình bày những quan niệm, tư tưởng về đối tượng được coi trọng hơn.
Nói cách khái, tuỳ bút và bút kí tuy đều sử dụng phương thức trữ tình; nhưng ở
tuỳ bút, thông tin tâm trạng của tác giả về đối tượng được ghi chép (giá trị biểu
cảm) trở thành mục đích chính, còn bút kí lại nhằm chuyển tải thông tin sự thật
về đối tượng (giá trị nhận thức). Bút kí là thể loại trung gian giữa kí sự và
tuỳ bút nhưng gần tuỳ bút hơn, xét trên bình diện phương thức biểu đạt và vai
trò của cái tôi tác giả.
PHÂN BIỆT KÍ SỰ, BÚT KÍ VÀ TUỲ BÚT
Kí sự
|
Bút kí
|
Tuỳ bút
|
- chú trọng tự sự
- chú trọng ghi chép sự việc
- chú trọng tính khách quan
|
- thiên về trữ tình
- kết hợp ghi chép và biểu cảm
- mang dấu ấn chủ quan của tác giả
|
- chú trọng trữ tình
- chú trọng bày tỏ suy tư
- chú trọng tính chủ quan
|
Sự phân biệt bút kí và tuỳ bút như
trên mang tính tương đối. Sự phân định rạch ròi sẽ trở nên khiên cưỡng vì thể
loại kí với bản chất năng động, linh hoạt luôn luôn cấu trúc lại chính nó để tự
làm mới. “Phân lượng của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh nội dung, tổ
chức văn bản trong từng bài kí luôn luôn có sự thay đổi tùy theo bút pháp của
các nhà văn khác nhau, nên ranh giới các thể bút kí, kí sự, tùy bút có khi
không thật rạch ròi, rất khó phân biệt, nhất là trong một bài ngắn”[12].
Có nhiều trường hợp việc xác định tác phẩm thuộc thể loại bút kí hay tuỳ bút rất
khó khăn. Đó là trường hợp những tác phẩm kí của Nguyễn Tuân như Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi, Suối quặng, Tây Bắc và Lào Cai – nặng về “ghi chép” chân thực hiện thực cuộc sống,
bên cạnh đó cảm xúc vẫn dẫn dắt mạch kí. Hay như trường hợp Rừng hồi, Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bút kí
nhưng yếu tố trữ tình thấm đẫm – đặc trưng của tuỳ bút.
3. Kết luận
Dựa trên những nội dung đã trình bày về khái niệm bút kí và tuỳ bút, chúng tôi đi đến kết luận về đặc trưng thể loại của chúng. Một văn bản được xác định thuộc nhóm thể loại bút kí và tuỳ bút nếu có những đặc điểm sau:
(1) Ghi chép một cách chân thực về con
người, địa danh, sự kiện,… với một biên độ, mức độ nhất định (không ghi chép
quá nhiều, nghiêng về biên khảo nhưng cũng không quá hẹp, nghiêng về tản văn);
(2) Kết hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn giữa
tự sự và trữ tình, trong đó yếu tố trữ tình đóng vai trò thống nhất tổ chức của
tác phẩm; giữa miêu tả, trần thuật và biểu cảm;
(3) Thể hiện rõ một hình tượng tác giả
tiếp cận đối tượng ghi chép (quan sát, liên tưởng, tưởng tượng) bằng một cảm
quan nghệ thuật độc đáo, giàu thẩm mỹ, có tính chủ quan; một cái tôi trữ tình bộc
lộ những cảm nghĩ, suy tư thâm trầm và tư tưởng rút ra từ đối tượng ghi chép;
(4) Lối viết mang tính phóng khoáng,
không gò bó, bị chi phối bởi một dòng cảm hứng mạnh mẽ, thường trực của tác giả
về sự vật, sự việc, con người… mà tác giả ghi chép lại; ngôn ngữ ghi chép mang
tính thẩm mỹ.
Văn bản
thiên về những đặc điểm 1, 2, 3 chính là bút kí, thiên về những đặc điểm 2,
3, 4 chính là tuỳ bút. Nếu văn bản đáp ứng đủ và cân bằng giữa các đặc điểm trên, văn bản vừa có tính chất của bút
kí, vừa giống một tuỳ bút…
[1] Nguyễn Thị Hồng Hà, 2010. Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân. Hà Nội:
Nxb Văn học.
[2] Đỗ Đức Hiểu và tgk (cb.), 2004. Từ điển văn học (bộ mới). Hà Nội: Nxb Thế
giới. Tr. 787.
[3] Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, tlđd.
[4] Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, tlđd.
[5] Trần Đình Sử (cb.), 1986 [2012].
Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể
loại văn học. Tái bản lần thứ hai. Hà Nội: Nxb Đại học Sư Phạm. Tr. 359.
[6] Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học, tlđd, tr.
363 – 367.
[7] Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học, tlđd, tr.
369.
[8] Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học, tlđd, tr.
373.
[9] Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học, tlđd, 369.
[10] Từ điển văn học, tlđd, tr. 172.
[11] Từ điển văn học, tlđd, tr. 1888.
[12] Lí luận văn học, tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học, tlđd, tr.
381.
----
SG 23/11/19
CẢM ƠN TÁC GIẢ BÀI VIẾT RẤT NHIỀU.
Trả lờiXóaKhông có chi, bạn nhé! ^^
XóaRất bổ ích. Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaCó giá trị cao !
Trả lờiXóa