STUART HALL BÀN VỀ SỰ TRÌNH HIỆN (REPRESENTATION)

Representation Matters — The Cosplay Journal
(thecosplayjournal.com)



STUART HALL BÀN VỀ SỰ TRÌNH HIỆN (REPRESENTATION)


Nguyễn Minh Nhật Nam



Stuart Hall (1932–2014) là nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hoá và hoạt động xã hội. Ông sinh ra ở Jamaica trong một gia đình có gốc Phi. Ông rời quê hương đến nước Anh để học tại Đại học Oxford từ năm 1951, rồi hoạt động với tư cách một chính trị gia cánh tả theo chủ nghĩa cấp tiến. Năm 1964, ông nhận lời mời của Richard Hoggart trở thành phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá đương đại (Centre of Contemporary Cultural Studies) do Hoggart thành lập ở Đại học Birmingham (London), và cùng năm đó ông đồng xuất bản công trình Những nghệ thuật phổ biến (The Popular Arts), đánh dấu mốc cho sự nghiệp của Hall như là một nhà nghiên cứu văn hoá. Ông cùng với Richard Hoggart và Raymond Williams là ba lí thuyết gia đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hoá ở Anh (Trường phái Birmingham) mà sau này lan rộng trên toàn thế giới từ những năm 1990. Ngoài nghệ thuật và truyền thông đại chúng, Stuart Hall quan tâm đến vấn đề ý hệ (ideology), chủng tộc (race), căn tính (identity) với tư cách là một học giả Marxist Anh, chịu ảnh hưởng từ Althusser và Gramsci, qua đó mở rộng phạm vi của nghiên cứu văn hoá sang lĩnh vực chính trị.


Khái niệm sự trình hiện (representation) của Stuart Hall là khái niệm nền tảng của ngành nghiên cứu văn hoá. Nó xuyên thấm hầu hết các công trình của ông và được rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá sau ông vận dụng. Năm 1997, Hall chủ biên xuất bản công trình Representation: Cultural Representation and Signifying Practice (Sự trình hiện: Những trình hiện và thực hành biểu đạt văn hoá) trong đó có phần Introduction (Dẫn nhập) và bài giảng The Work of Representation (Tác phẩm trình hiện) của ông. Trong bài giảng, ông xây dựng lí thuyết về sự trình hiện trong nghiên cứu văn hoá và khẳng định tầm quan trọng của khái niệm sự trình hiện “như là nằm ngay ở sự thiết lập nên sự vật hiện tượng” (Hall, “Introduction” 6).


Circuit of Culture | Download Scientific Diagram
Hình 1. Chu trình của văn hoá
(Hall, “Introduction” 1)


Trong tiếng Anh, từ “represent” (trình hiện) có nghĩa kép:


1. mô tả, hiển thị một đối tượng (depict, display);

2. biểu trưng, đại diện, thay thế cho đối tượng ấy (symbolise, stand for, substitute)

(Hall, “Introduction” 16)


Từ góc độ lí thuyết, Stuart Hall cho rằng khái niệm sự trình hiện gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ và nghĩa (meaning). Quan niệm của Hall về sự trình hiện đi theo kiến tạo luận [*], được ông phát biểu ngắn gọn: “Sự trình hiện là sự sản xuất nghĩa thông qua ngôn ngữ” (Hall, “The Work” 28). Phát biểu này được ông kiến giải qua hai luận điểm.


1. Nghĩa được sản xuất thông qua ngôn ngữ, được kiến tạo bởi thực hành biểu đạt (signifying practice): “[N]ghĩa không sẵn có trong sự vật hiện tượng, trong thế giới. Nó được kiến tạo, sản xuất. Nó là kết quả của một thực hành biểu đạt – một thực hành sản xuất nghĩa, làm cho sự vật hiện tượng có nghĩa” (Hall, “The Work” 24). Sự kiến tạo nghĩa gắn liền với ngôn ngữ vì ngôn ngữ là “phương tiện đặc quyền ở đó … nghĩa được sản xuất và trao đổi” (Hall, “Introduction” 1).


2. Ngôn ngữ là một hệ thống trình hiện. Hệ thống trình hiện (representational system) là tập hợp các yếu tố được tổ chức, phân loại để trình hiện sự vật hiện tượng hoặc khái niệm. Sự trình hiện là tiến trình kiến tạo nghĩa gồm hai hệ thống trình hiện. Hệ thống trình hiện thứ nhất (I) là hệ thống khái niệm trong đầu óc trình hiện các sự vật hiện tượng, cho phép ta nhận thức, trao nghĩa cho thế giới bằng khái niệm. Hệ thống trình hiện thứ hai (II) là hệ thống kí hiệu, được tổ chức thành ngôn ngữ. Kí hiệu kết liên với các khái niệm trong đầu óc và trình hiện chúng, cho phép ta biểu đạt điều ta nghĩ và truyền đạt cho người khác. Khái niệm ngôn ngữ ở đây được Hall dùng theo nghĩa rộng, là hệ thống sử dụng chất liệu nào đó (âm thanh, tranh ảnh, nét mặt, v.v.) để biểu đạt điều gì đó trong giao tiếp (Hall, “Introduction” 4).


Hình 2. Cơ chế của sự trình hiện với hai hệ thống trình hiện


Hall kết luận rằng thực hành trình hiện là thực hành biểu đạt nhằm kiến tạo nghĩa bằng ngôn ngữ, và mỗi thực hành biểu đạt là một tác phẩm trình hiện đầy ý nghĩa (“The Work” 28).


Quan trọng hơn, Stuart Hall nhận thấy sự trình hiện gắn bó mật thiết với văn hoá. “[V]ăn hoá gắn liền với các nghĩa được chia sẻ” (“Introduction” 1) trong một cộng đồng. Thuộc về cùng một văn hoá, nói như Hall, là chia sẻ với nhau cùng một bản đồ khái niệm, một hệ thống biểu đạt. Sự trình hiện kết nối nghĩa với văn hoá vì nó sản xuất tri thức chung của một cộng đồng về thế giới và về chính họ (“Introduction” 5). Bên cạnh đó, “văn hoá không phải tập hợp sự vật hiện tượng … mà là tập hợp những thực hành” (Hall, “Introduction” 2) sản xuất và trao đổi nghĩa. Sự trình hiện do đó là một thực hành then chốt trong tiến trình sản xuất và lưu thông văn hoá.


Để xem xét sâu hơn về sự trình hiện, Stuart Hall lần lượt sử dụng hai cách tiếp cận như là hai phiên bản của kiến tạo luận: cách tiếp cận kí hiệu học của Saussure và cách tiếp cận diễn ngôn của Foucault.


Kí hiệu học và sự trình hiện


Sự trình hiện được Stuart Hall phân tích trước hết từ góc nhìn kí hiệu học, dựa trên các công trình của Ferdinand de Saussure và Roland Barthes.


Ngôn ngữ học cấu trúc của Saussure có vai trò quan trọng trong cách Hall kiến giải sự trình hiện. Saussure coi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu biểu đạt. Theo nhà ngữ học người Thuỵ Sĩ này, mỗi kí hiệu (sign) là sự kết liên không thể tách rời giữa năng biểu (signifier) và sở biểu (signified). Hall đã đối chiếu mô hình về sự trình hiện của ông với mô hình kí hiệu của Saussure: Hệ thống năng biểu và sở biểu lần lượt tương đương với hệ thống trình hiện thứ nhất và thứ hai trong lí thuyết của Hall. Cũng theo Saussure, quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt là võ đoán và được ấn định bởi mã (code) và sự mã hoá (encoding). Các mã này được kiến tạo với vai trò kết nối hai mặt của kí hiệu (tức là kết nối hai hệ thống trình hiện, nói như Hall), qua đó sự sản xuất nghĩa thông qua ngôn ngữ mới có thể diễn ra. Các kí hiệu chỉ có giá trị trong hệ thống và trong sự khác biệt với nhau về chức năng, thể hiện qua đối lập nhị phân. Sự khác biệt này là nền tảng của sự sản xuất nghĩa trong một cộng đồng (Hall, “The Work” 31). Ngôn ngữ là một hệ thống xã hội – gồm những hình thức, quy tắc và các mã chung, hữu hạn, được tổ chức thành một cấu trúc bề sâu – được cộng đồng chia sẻ để giao tiếp với nhau, cũng như để tri nhận và diễn giải thế giới.


Sự trình hiện còn được Hall soi chiếu bằng lí thuyết kí hiệu của Roland Barthes, người đã mở rộng những ý tưởng của Saussure từ ngôn ngữ học sang kí hiệu học. Barthes cho rằng mọi đối tượng và thực hành văn hoá đều là những hệ thống kí hiệu vận hành như ngôn ngữ, mà ta có thể “đọc” và giải nghĩa của chúng như là văn bản. Hall cũng chú ý đến khái niệm của Barthes về hai cấp độ nghĩa của bất cứ một kí hiệu nào: nghĩa sở thị/miêu tả (denotation) và nghĩa liên tưởng (connotation). Nghĩa sở thị là nghĩa cơ bản, đơn giản của kí hiệu, được đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng. Nghĩa liên tưởng là cái nghĩa được tạo ra khi kí hiệu được nối kết với những chủ đề hay những trường nghĩa rộng hơn, phức tạp hơn trong văn hoá, gắn liền với ý hệ (niềm tin chung, hệ thống giá trị của xã hội), tri thức và lịch sử. Barthes coi cấp độ nghĩa thứ nhất thuộc về ngôn ngữ, cấp độ thứ hai thuộc về huyền thoại (myth). Vận dụng mô hình của Barthes, Hall có ý cho rằng mọi thực hành trình hiện đều có cả nghĩa sở thị và nghĩa liên tưởng. Theo chúng tôi, nếu Hall vận dụng mô hình của Barthes để xem xét sự trình hiện, thì sẽ có một hệ thống trình hiện thứ ba chồng lên hệ thống thứ hai: hệ thống những huyền thoại.


Kí hiệu học mang lại cho Hall một phương pháp tiếp cận sự trình hiện. Cách tiếp cận kí hiệu học quan tâm đến cách thức của sự trình hiện, cách thức mà các thực hành trình hiện chiếm dụng ngôn ngữ để sản xuất và truyền đạt nghĩa, mà Hall gọi là thi học (poetics) của sự trình hiện (Hall, “Introduction” 5). Phương pháp kí hiệu học coi những thực hành trình hiện cụ thể như là những văn bản biểu đạt các ý nghĩa văn hoá. Chúng là những tác phẩm trình hiện, những hệ thống kí hiệu, mà ý nghĩa của chúng được quy định bởi các bộ mã, có thể được đọc và diễn giải. Nghiên cứu sự trình hiện theo kí hiệu học yêu cầu thao tác phân tích kí hiệu trong văn bản văn hoá, trong quan hệ tương đồng hoặc đối lập với những kí hiệu khác đang hiện diện và đã vắng mặt, để giải mã kí hiệu. Sức mạnh của kí hiệu học nằm ở sự huỷ đi vị trí trung tâm của chủ thể như là tác giả của sự trình hiện hay nguồn sinh nghĩa, vì nó dứt khoát coi nghĩa là sản phẩm xã hội, được tạo ra và ấn định bởi các quy ước và mã văn hoá.


Có thể nói, khái niệm sự trình hiện của Stuart Hall có cơ sở là kí hiệu học cấu trúc: sự trình hiện, về bản chất, là quá trình kí hiệu hoá, tức là tạo ra kí hiệu và tổ chức kí hiệu thành hệ thống để biểu đạt những ý nghĩa văn hoá.


Tuy nhiên, mô hình ngôn ngữ - kí hiệu của Saussure cũng bộc lộ những hạn chế:


1. Không quan tâm đến sở chỉ (referent) của kí hiệu, tức là sự vật hiện tượng trong thế giới thực;

2. Chỉ tập trung vào cấu trúc đóng kín và bất biến của ngôn ngữ ở một thời điểm mà không quan tâm đến sự vận hành của ngôn ngữ trong thực tế và lịch sử;

3. Bỏ trống vấn đề quyền lực kiểm soát cách ngôn ngữ vận hành.


Nhận thức được điều này, Stuart Hall sử dụng thêm khái niệm diễn ngôn của Michel Foucault như là cơ sở thứ hai để bóc tách bản tính của sự trình hiện văn hoá, vượt qua những giới hạn của viễn tượng kí hiệu học.


Diễn ngôn và sự trình hiện


Michel Foucault là người đã chuyển hướng chú ý từ ngôn ngữ sang diễn ngôn, quan tâm đến “sự sản xuất tri thức (thay vì chỉ là nghĩa) thông qua cái được ông gọi là diễn ngôn (thay vì chỉ là ngôn ngữ)” (Hall, “The Work” 42–3).


Khái niệm then chốt đầu tiên của Foucault chính là diễn ngôn (discourse). Diễn ngôn, theo Foucault, là một nhóm nhận định cung cấp một ngôn ngữ để nói về một chủ đề (topic) nào đó, tức là cung cấp một cách thức trình hiện chủ đề đó, tại một thời điểm lịch sử cụ thể (Hall, “The Work” 44). Diễn ngôn cung cấp cách thức trình hiện tức là nó chi phối sự sản xuất nghĩa, mà nghĩa lại xuyên thấm qua mọi thực hành xã hội, cho nên thực hành xã hội nào cũng bị chi phối bởi diễn ngôn. Theo Foucault, diễn ngôn đặc trưng cho cách tư duy hay hiện trạng tri thức trong xã hội ở một thời điểm lịch sử nào đó (Hall, “The Work” 44). Diễn ngôn không phải một văn bản, mà xuyên qua nhiều văn bản dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng hướng đến dùng một đối tượng, có cùng một hình thức, tạo ra khuôn định diễn ngôn (discursive formation) (Hall, “The Work” 45). Trong lòng khuôn định diễn ngôn này mà nghĩa của các chủ đề được sản xuất và trở thành đối tượng của tri thức. Nghĩa không tồn tại bên ngoài cách chúng được trình hiện và điều hướng bởi thực hành diễn ngôn (cách diễn ngôn được thi hành và lưu chuyển trong văn hoá để tạo ra tri thức); hoặc nói như Foucault, không có gì có nghĩa bên ngoài diễn ngôn (Hall, “The Work” 45).


Bảng 1. Các yếu tố của diễn ngôn


Dựa theo cách Foucault nghiên cứu diễn ngôn, Hall đã xác định cấu trúc của diễn ngôn gồm sáu yếu tố, được tóm tắt trong Bảng 1. Yếu tố (2) cho ta thấy tính lịch sử của diễn ngôn: tri thức chỉ là chân lí bên trong một khuôn định diễn ngôn có bối cảnh lịch sử cụ thể, không phải chân lí khách quan bất biến ở mọi xã hội, thời kì (Hall, “The Work” 46). Và nếu diễn ngôn đã có tính lịch sử, thì theo (6), diễn ngôn có thể bị thay thế bởi diễn ngôn mới.


Khái niệm then chốt thứ hai của Foucault là quyền lực/tri thức (power/knowledge). Thứ nhất, Foucault coi quyền lực là một mạng lưới xuyên thấm vào và lưu chuyển trong các cấp độ của xã hội, mà cả người thực thi lẫn người bị đàn áp đều bị cuốn vào (Hall, “The Work” 50). Quyền lực hoạt động ở mọi phạm vi, từ riêng tư (gia đình, tính dục) đến công cộng (tập thể, nhà nước). Quyền lực, với Foucault, giống như áp lực đè nặng mà ta không thể từ bỏ, kiểm soát và kìm hãm ta (Hall, “The Work” 50). Quyền lực được thực thi và duy trì trong xã hội bởi bộ máy định chế (institution). Thứ hai, với Foucault, tri thức “luôn là một dạng quyền lực” (Hall, “The Work” 48) (chú ý cách Foucault viết “quyền lực/tri thức”), luôn được đưa vào những bối cảnh lịch sử và thể chế cụ thể, tạo ra những niềm tin, tổ chức và kiểm soát hành vi (Hall, “The Work” 49). Thứ ba, quyền lực/tri thức gắn liền với chân lí (truth). Chân lí, như Foucault nói, không nằm ngoài quyền lực mà chỉ được tạo ra bởi quyền lực (Hall, “The Work” 49). Chân lí là tri thức có thẩm quyền, trở thành cái bất biến, hiển nhiên. Mỗi xã hội, theo Foucault, có một chế độ chân lí (regime of truth) bao gồm các loại diễn ngôn mà xã hội ấy chấp nhận và cho phép vận hành như là lẽ phải (Hall, “The Work” 49).


Có thể nói, diễn ngôn được sản xuất trong lịch sử và bị nắm giữ, sắp đặt và duy trì bởi quyền lực bên trong các định chế. Diễn ngôn được sử dụng để kiểm soát sự trình hiện và duy trì các quy ước văn hoá ấn định ý nghĩa và trật tự của vạn vật, qua đó kiểm soát hành vi của cá nhân.


Chủ thể (subject) là khái niệm then chốt thứ ba trong lí thuyết diễn ngôn của Foucault mà Hall vận dụng. Foucault không phục hồi vị trí trung tâm của chủ thể như là tác giả của sự trình hiện, nguồn sinh nghĩa; ông cho rằng chủ thể không đóng vai trò sản xuất tri thức, mà trái lại, cũng giống như tri thức, chủ thể được sản xuất trong diễn ngôn và chịu sự kiểm soát của quyền lực:


Chủ thể của diễn ngôn này không thể nằm bên ngoài diễn ngôn vì nó phải lệ thuộc vào diễn ngôn. Nó phải tuân theo các quy tắc và quy ước của nó, những sự sắp đặt của quyền lực/tri thức. Chủ thể có thể trở thành người mang lấy loại tri thức mà diễn ngôn sản xuất. Nó có thể trở thành đối tượng mà qua đó quyền lực được chuyển tiếp. Nhưng nó không thể đứng bên ngoài quyền lực/tri thức với tư cách là cội nguồn và tác giả của nó. 

(Hall, The Work 56)


Một mặt, diễn ngôn cấu thành nên chủ thể của nó, một mô hình nhân cách hoá mang lấy, giống như gánh chịu một vật nặng, và thực hành tri thức mà diễn ngôn tạo ra trong lịch sử. Chủ thể này có các thuộc tính mà ta kì vọng, vì các thuộc tính này được diễn ngôn định ra (Hall, “The Work” 56). Mặt khác, diễn ngôn cũng tạo ra vị trí chủ thể (subject-position) mà từ vị trí này tri thức và ý nghĩa cụ thể của chủ thể mới có nghĩa lí; vị trí này được diễn ngôn tạo ra để những cá nhân nào đó trong một thời kì cụ thể sẽ định vị bản thân mình (đặt mình vào) ở vị trí này và trở thành chủ thể của diễn ngôn (Hall, “The Work” 56). Diễn ngôn sản xuất tri thức thông qua chủ thể của nó. Chúng tôi trở lại ví dụ về người đồng tính để nói rõ các ý này. Một mặt, diễn ngôn đồng tính định ra những thuộc tính mà người đồng tính, trong một bối cảnh nào đó, được kì vọng sẽ sở hữu – có thể coi đây là một dạng hư cấu văn hoá (cultural fiction) hay huyền thoại về người đồng tính. Mặt khác, người ta không sinh ra là người đồng tính, mà tự đặt mình (chủ thể hoá) vào vị trí “người đồng tính” được tạo ra trong diễn ngôn đồng tính, trở thành chủ thể lí tưởng của diễn ngôn ấy; bằng cách này diễn ngôn mượn lấy họ để (tái) sản xuất tri thức về đồng tính.


Như vậy, sự trình hiện về một chủ đề là một thực hành diễn ngôn không chỉ tạo ra tri thức về chủ đề mà còn tạo ra vị trí chủ thể được kì vọng sẽ thể hiện đúng chủ đề ấy mà những cá nhân nào đó có thể đặt mình vào. Sự đặt mình vào vị trí chủ thể của diễn ngôn không phải một lựa chọn hoàn toàn theo ý hướng hay ham muốn cá nhân mà bị tác động bởi các hư cấu văn hoá; cá nhân cũng không làm chủ diễn ngôn khi ở trong vị trí chủ thể mà tuân theo ý nghĩa và các quy tắc của diễn ngôn. Diễn ngôn giống như một kịch bản có các vai diễn. Chủ thể của diễn ngôn là diễn viên nhận vai diễn của mình, đồng nhất với vai đó và tuân theo kịch bản. Người ta có quyền từ chối một vai diễn để tìm một vai diễn khác nhưng không thể không có vai diễn nào (không trở thành chủ thể của diễn ngôn nào).


Khái niệm diễn ngôn của Foucault cũng cung cấp cho Stuart Hall một phương pháp tiếp cận sự trình hiện. Cách tiếp cận diễn ngôn quan tâm đến những hệ quả, hiệu ứng của sự trình hiện, mà Hall gọi là chính trị học (politics) của sự trình hiện (Hall, “Introduction” 6). Lí thuyết của Hall đặt trọng tâm vào phương pháp diễn ngôn. Theo Hall, nghiên cứu sự trình hiện không chỉ đặt câu hỏi về nghĩa mà còn phải đặt câu hỏi về vai trò của diễn ngôn: sản xuất tri thức kết nối với quyền lực, kiểm soát hành vi, kiến tạo căn tính và chủ thể tính, chi phối sự vận hành của các thực hành trình hiệnPhương pháp diễn ngôn đặc biệt chú ý đến bối cảnh lịch sử đặc thù và tính thực tế của sự trình hiện, xem xét “cách mà sự trình hiện vận hành trong những tình huống lịch sử cụ thể, những thực hành thực sự” (Hall, “Introduction” 6).


Tóm lại, với lí thuyết về sự trình hiện, Stuart Hall đã giải thích được sự vận hành của văn hoá như là sự sản xuất và lưu thông ý nghĩa qua ngôn ngữ và diễn ngôn. Sự trình hiện là quá trình ngôn ngữ được sử dụng như là phương tiện để trình hiện các ý nghĩa văn hoá, nhưng ngôn ngữ và ý nghĩa luôn bị chi phối bởi diễn ngôn và quyền lực/tri thức. Diễn ngôn quy định cách dùng ngôn ngữ để nói về một chủ đề nào đó, qua đó sản xuất tri thức về chủ đề ấy, và nó cũng loại trừ những cách nói khác. Diễn ngôn có được thẩm quyền của nó nhờ có quyền lực duy trì nó, quyền lực này vận hành trong quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội. Để tri thức (những ý nghĩa được phép vận hành) được tái sản xuất và lưu chuyển, diễn ngôn kiến tạo vị trí của một chủ thể lí tưởng được kì vọng sẽ bước vào và thực hành diễn ngôn (tuân theo ngôn ngữ và hành vi được diễn ngôn quy định).


 

Tài liệu tham khảo

Hall, Stuart. Introduction. Representation: Cultural Representation and Signifying Practice, edited by Stuart Hall, Sage, 1997, pp. 1–12.

Hall, Stuart. The Work of Representation. Representation: Cultural Representation and Signifying Practice, edited by Stuart Hall, Sage, 1997, pp. 13–74.



Chú thích 

[*] Kiến tạo luận (constructionism) ra đời từ bước ngoặt ngôn ngữ (linguistic turn) đầu thế kỉ 20, với học thuyết ngôn ngữ của Wittgenstein và Saussure, phát triển mạnh mẽ từ bước ngoặt văn hoá (cultural turn) những năm 1970, với những công trình nghiên cứu diễn ngôn của Foucault. Thuyết này cho rằng sự vật hiện tượng không có bản chất hay căn tính cố hữu, bất biến để được tìm ra, mà được định hình hay kiến tạo bởi các giả định văn hoá.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến