Thế lưỡng nan của Foucault (Foucault's Dilemma) | Byung-Chul Han


THẾ LƯỠNG NAN CỦA FOUCAULT

Byung-chul Han

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch và chú giải.


Sau Giám sát và trừng phạt, Foucault nhận ra rằng xã hội kỷ luật (disciplinary society)[1] đã không phản ánh thời đại ở mọi khía cạnh. Vào cuối thập niên 1970, ông dành sự quan tâm của mình cho các hình thức chính phủ tân tự do. Tuy nhiên, vấn đề đối với những phân tích của ông là ông mắc kẹt trong các khái niệm dân cư và sinh chính trị (biopolitics): “Đối với tôi, dường như … chỉ khi … chúng ta biết cái chế độ chính quyền được gọi là chủ nghĩa tự do này đã từng là gì, thì chúng ta mới có thể hiểu thấu sinh chính trị là gì.”[2] Tuy nhiên, về sau trong cùng loạt bài giảng này, ông không đề cập đến sinh chính trị hay dân cư nữa. Bấy giờ, Foucault rõ ràng không thấu triệt rằng sinh chính trị và dân cư – những thứ đại diện cho các phạm trù đích thực của xã hội kỷ luật – không phù hợp để mô tả chế độ tân tự do. Do đó, ông đã không làm được điều mà hoàn cảnh thật sự đòi hỏi: tạo ra bước ngoặt sang tâm chính trị (psychopolitics).[3]

Các bài giảng trong giai đoạn 1978–9 không tiến hành phân tích sinh chính trị tân tự do. Dù không nhận ra vấn đề thực tồn, Foucault đã đưa ra những nhận xét tự phê phán: “Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng, mặc cho tất cả, tôi thật sự có ý định nói về sinh chính trị, và rồi, chuyện gì đến cũng đến, tôi đã kết thúc bài nói chuyện dài dòng, và có lẽ là quá dài, về chủ nghĩa tân tự do.”[4]

Trong phần giới thiệu về Homo Sacer, Giorgio Agamben suy đoán rằng “cái chết của Foucault đã ngăn ông thể hiện cách mà ông phát triển khái niệm và ngành nghiên cứu về sinh chính trị.”[5] Trái với phỏng đoán của Agamben, nếu cái chết sớm của Foucault đã khiến ông không thể làm một điều gì đó, thì chính là nó đã tước đi ở ông cơ hội đánh giá lại ý tưởng của mình về sinh chính trị – và từ bỏ nó để nghiên cứu tâm chính trị tân tự do. Phân tích của Agamben về sự thống trị cũng thất bại trong việc tiếp cận các công nghệ quyền lực trong chế độ tân tự do theo cách có ý nghĩa. Homines sacri[6] ngày nay không còn bị chặn khỏi hệ thống – họ đã bị nhốt vào hệ thống.

Foucault ràng buộc một cách dứt khoát sinh chính trị với hình thức kỷ luật của chủ nghĩa tư bản, thứ xã hội hóa cơ thể theo khả năng sản xuất của nó: “Đối với xã hội tư bản, sinh chính trị, cái thuộc về sinh học, thể chất, thể xác, quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.”[7] Nói cách khác, sinh chính trị về cơ bản liên quan đến cái thuộc về sinh học và vật lý. Nhìn chung, nó cấu thành một nền chính trị cơ thể theo nghĩa đầy đủ nhất.

Nhưng chủ nghĩa tân tự do, một sự phát triển xa hơn – thực chất là một hình thái biến đổi – của chủ nghĩa tư bản, chủ yếu không liên quan đến “sinh học, thể chất, thể xác”. Nó đã phát hiện ra tâm thần (psyche) như một lực lượng sản xuất. Bước ngoặt tâm thần (psychic turn) này – tức là bước ngoặt sang tâm chính trị – cũng liên quan đến phương thức vận hành của chủ nghĩa tư bản đương đại. Giờ đây, các hình thức sản xuất phi vật chất và phi vật lý là những thứ quyết định tiến trình của chủ nghĩa tư bản. Những gì được tạo ra không phải là các đối tượng vật chất, mà là những đối tượng phi vật chất – chẳng hạn như thông tin và các chương trình. Cơ thể không còn đại diện cho một lực lượng sản xuất trung tâm, như trước đây nó đã từng trong xã hội kỷ luật, sinh chính trị. Giờ đây, năng suất không được tăng cường bằng cách vượt qua sự cản trở thể lý nhiều như bằng cách tối ưu hóa các quá trình tâm lý hoặc tinh thần. Kỷ luật thể lý đã nhường chỗ cho sự tối ưu hóa tinh thần. Sự tăng cường thần kinh (neuro-enhancement) về cơ bản khác với các kỹ nghệ kỷ luật của tâm thần học.

Ngày nay, cơ thể đang được giải phóng khỏi quá trình sản xuất trực tiếp và trở thành đối tượng của sự tối ưu hóa, cho dù theo những đường hướng thẩm mỹ hay về mặt công nghệ y tế. Theo đó, can thiệp chỉnh hình đang nhường chỗ cho can thiệp thẩm mỹ. “Cơ thể dễ bảo” của Foucault không có chỗ đứng trong quá trình sản xuất này. Các phòng phẫu thuật thẩm mỹ và tập thể hình đang thay thế các khoa chỉnh hình kỷ luật. Tuy vậy, tối ưu hóa thể lý có ý nghĩa nhiều hơn là thực hành thẩm mỹ đơn thuần: sự gợi cảm và khoẻ mạnh đại diện cho các nguồn lực kinh tế mới sẽ được gia thăng, tiếp thị và khai thác.

Bernard Stiegler đã nhận ra đúng đắn rằng khái niệm sinh quyền lực (biopower) của Foucault không phù hợp với thời đại chúng ta: “Sinh quyền lực mà Foucault đã mô tả (rất hùng hồn) về mặt lịch sử lẫn địa lý, bằng cách bản địa hóa nó ở châu Âu, không còn là lực (force) đằng sau thời đại của chúng ta nữa.”[8] Theo Stiegler, sinh quyền lực đã được thay thế bằng “tâm quyền lực của công nghệ tâm thần (psychotechnological psychopower)”.[9] Trên hết, ông nghĩ đến “công nghiệp lập trình”, “có tính viễn trị (telecratic)”:[10] bằng cách quy giản (entmündigen) chúng ta thành những sinh vật tiêu thụ bị bản năng chi phối (triebgesteuert), nó gây ra sự thoái bộ hàng loạt.[11] Một công nghệ tâm lý như thế trái ngược với công nghệ viết và đọc. Với Stiegler, phương tiện đọc viết chính là sự khai sáng. Theo đó, ông viện dẫn Kant: “Tư tưởng của Kant về sự trưởng thành như là chủ quyền của nhân tính” dựa trên “cơ chế[12] đọc và viết”.[13]

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh thái quá của Stiegler quá nhấn mạnh vào truyền hình là một vấn đề. Đối với ông, nó chỉ đơn thuần (tout court) đại diện cho cơ chế kỹ nghệ tâm thần (psychotechnical).[14] “Hiện nay, vào đầu thế kỷ 21, điện thoại di động và … nhiều thiết bị khác … xúc tác cho … mạng lưới khớp thần kinh (synaptic circuitry),” nhưng “chủ yếu là … truyền hình” chi phối luồng thông tin.[15] Trên thực tế, sự đối lập giữa đọc viết và truyền hình tạo ra một kế hoạch phê bình văn hóa quá cũ kỹ, thất bại trong việc thực thi công lý đối với cuộc cách mạng kỹ thuật số. Lạ thay, Stiegler hầu như không xem xét công nghệ kỹ thuật số thật sự như internet và truyền thông xã hội (social media) – những thứ tỏ ra khác biệt về cơ bản so với truyền thông đại chúng trong quá khứ. Hơn nữa, ông hầu như không chú ý đến cấu trúc toàn thị (panoptic) của các mạng kỹ thuật số. Do đó, ông hoàn toàn bỏ qua cách vận hành của tâm chính trị tân tự do, sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên quy mô lớn.

Đầu thập niên 1980, Foucault chuyển sang “những công nghệ của cái tôi” (technologies of the self). Thuật ngữ này chỉ “những hành động có chủ đích và tự nguyện,[16] qua đó con người không chỉ tự đặt ra cho mình những quy tắc ứng xử, mà còn cố gắng biến đổi mình, thay đổi chính mình trong tồn tại đơn nhất của mình, biến đời sống của mình thành một tác phẩm nghệ thuật  mang những giá trị thẩm mỹ nào đó và đáp ứng những một số tiêu chí phong cách nào đó”.[17] Foucault đã phát triển một đạo đức học, được đặt vào hoàn cảnh lịch sử, về cái tôi – và ông đã làm như vậy trong một bối cảnh đa phần tách rời khỏi các công nghệ và kỹ nghệ của quyền lực và sự thống trị. Do đó, người ta thường cho rằng đạo đức học của ông về cái tôi đối lập với quyền lực và sự thống trị. Thật vậy, chính Foucault đã chỉ ra sự chuyển hướng mà [bấy giờ] ông đang thực hiện, từ các công nghệ của quyền lực sang các công nghệ của cái tôi: “Có lẽ tôi đã nhấn mạnh quá nhiều vào công nghệ của sự thống trị và quyền lực. Tôi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự tương tác giữa bản thân một người và những kẻ khác cũng như đến các công nghệ [tự] thống trị cá nhân, lịch sử của cách thức mà một cá nhân hành động lên chính mình, bằng công nghệ của cái tôi.”[18]

Trên thực tế, điểm mù trong phân tích của Foucault là công nghệ của quyền lực dưới chế độ tân tự do. Foucault đã không thấy rằng chế độ tân tự do dứt khoát khẳng định công nghệ của cái tôi vì những mục đích của riêng nó: sự tự tối ưu hóa không ngữ – như là công nghệ tân tự do mẫu mực của cái tôi – không đại diện cho điều gì hơn là một phương thức thống trị và bóc lột có hiệu quả cao.[19] Như một “doanh nhân của chính mình”,[20] chủ thể thành tích (achievement-subject) tân tự do dấn mình vào sự bóc lột tự động một cách tự nguyện – và thậm chí dấn mình một cách say mê. Cái-tôi-như-một-tác-phẩm-nghệ-thuật chung quy là một ảo tượng đẹp đẽ nhưng dối trá mà chế độ tân tự do duy trì để vắt kiệt hoàn toàn những nguồn lực của nó.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tân tự do, công nghệ của quyền lực khoác lên một hình thức tinh vi. Nó không trực tiếp nắm giữ các cá nhân. Thay vào đó, nó đảm bảo rằng các cá nhân tự hành động lên chính mình để các mối quan hệ quyền lực được nội giới hoá (interiorized) – và sau đó được diễn giải là tự do. Tự tối ưu hóa và phục tùng, tự do và bóc lột hoà vào làm một.[21] Cái mưu mẹo về tự do và bóc lột ấy, cái mưu mẹo diễn ra để tạo ra sự tự bóc lột, là điều mà Foucault đã không nhận ra.

 

Nguồn: Han, Byung-Chul. “Foucault’s Dilemma.” Psychopolitics: Neoliberalism and New Technologies of Power, translated by Erik Butler, London: Verson, 2017, pp. 23–8.




[1] Khái niệm của Michel Foucault, chỉ một xã hội được tổ chức và cai trị thông qua các định chế kỷ luật (nhà tù, trường học, nơi làm việc), điều tiết và kiểm soát hành vi cá nhân và định hình chủ thể tính của họ. (ND)

[2] Michel Foucault, The Birth of Biopolitics: Lectures at the College de France [Sự ra đời của sinh chính trị: Những bài giảng ở College de France], 1978–1979, Graham Burchell dịch (New York: Picador, 2010), 22.

[3] Alexandra Rau đã định nghĩa một cách khó hiểu về tâm chính trị của chế độ tân tự do như một hình thức sinh chính trị của chính phủ: “Nếu công nghệ tâm lý (psychotechnics) về mặt lý thuyết có thể được gán cho quyền lực kỷ luật, thì tôi muốn xem ‘tâm chính trị’, ngược lại, như là một hình thức sinh chính trị của chính phủ” (Psychopolitik. Macht, Subjekt und Arbeit in der neoỉiberaỉen Gesellschaft [Frankfurt a. M.: Campus, 2010], 298). Điều này cũng đáng quan ngại như nỗ lực của Thomas Lemke để làm điều tương tự. Cũng xem: Gouvernementalitat der Gegenwart. Studien zur Õkonomisierung des Sozialen, Thomas Lemke và cộng sự chủ biên. (Frankfurt A. M.: Suhrkamp, ​​2000).

[4] Foucault, Birth of Biopolitics, 185.

[5] Giorgio Agamben, Homo Sacer: Sovereign Power and Bare Life [Homo sacer: Sức mạnh chủ quyền và đời sống trần trụi], Daniel Heller-Roazen dịch (Stanford: Stanford University Press, 1998), 4.

[6] Số nhiều của “homo sacer”, một thuật ngữ trong hệ thống lý thuyết của Agamben. Từ “homo sacer” vốn được dùng để chỉ một hình tượng trong luật pháp La Mã cổ đại. Đó là một người bị ngăn cấm và loại trừ khỏi những phương sách bảo vệ và quyền lợi hợp pháp dành cho công dân La Mã. Sự loại trừ này đồng nghĩa với việc người đó bị coi là ngoài vòng pháp luật và có thể bị bất cứ ai sát hại mà không cần lo sợ hình phạt pháp lý.  Tuy nhiên, sự loại trừ này thường là kết quả của nghi lễ hiến tế thời La Mã, trong đó một nạn nhân (động vật hoặc con người) được chỉ định là linh thiêng và sau đó bị giết theo một cách đặc thù. Điều này có nghĩa là homo sacer được coi là vừa ở dưới sự bảo vệ của các vị thần vừa ở bên ngoài cõi người, vừa linh thiêng vừa bị nguyền rủa, vừa ở bên ngoài luật pháp (không nhận được quyền lợi) vừa ở bên trong luật pháp (có thể bị xử phạt bởi quyền lực pháp lý). Đó là một trạng thái mà Agamben gọi là “đời sống trần trụi” (bare life). Agamben đã sử dụng khái niệm homo sacer dựa trên ý niệm của người La Mã cổ đại. Đối với ông, homo sacer đại diện cho một nghịch lý cơ bản của chủ quyền hiện đại, trong đó nhà nước tuyên bố có quyền tạo ra và loại trừ các chủ thể của pháp luật. Ông cho rằng hình tượng này là địa bàn để xem xét những cách mà quyền lực nhà nước vận hành trong xã hội hiện đại. Nó được vận dụng để phân tích một phạm vi rộng các hiện tượng chính trị, từ sự đối đãi với người tị nạn và người nhập cư đến bạo lực nhà nước. (ND)

[7] Michel Foucault, ‘The Birth of Social Medicine’ [Sự ra đời của y học xã hội], trong Essential Works of Foucault 1954–1984 [Trước tác quan trọng của Foucault 1954–1984], Tập 3, Power [Quyền lực], James D. Faubion chủ biên (New York: New Press, 2000), 137.

[8] Bernard Stiegler, Taking Care of Youth and the Generations [Chăm sóc tuổi trẻ và các thể hệ], Stephen Barker dịch (Stanford: Stanford University Press, 2010), 126.

[9] Sđd., 126.

[10] Trong công trình lý thuyết của Stiegler, telecracy (viễn trị, nghĩa là “cai trị từ xa”) là một hình thái quyền lực dựa trên sự kiểm soát và khai thác các công nghệ viễn thông, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến sản xuất và phát tán thông tin đi xa. Theo Stiegler, viễn trị là một phương thức thống trị phát sinh cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản công nghiệp và viễn thông đại chúng trong thế kỷ 20. Trong hệ thống này, thông tin và các công nghệ viễn thông được sử dụng để tạo ra và kiểm soát những ham muốn, tư kiến và hành vi của các cá nhân và nhóm dân cư, dẫn đến sự đồng hoá văn hoá và sự đàn áp cá thể tính. (ND)

[11] Trong triết học của Stiegler, sự quy giản hay giải chủ thể hoá (désubjectivation) đề cập đến việc tước quyền của các cá nhân bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận tri thức và văn hóa của họ – theo Stiegler là có liên quan đến quá trình vô sản hoá (prolétarisation), còn hành vi bị bản năng chi phối là hành vi được thúc đẩy bởi các xung năng (pulsion) vô thức, thường được định hình bởi công nghệ. Các khái niệm này có liên quan với nhau ở chỗ, sự giải chủ thể hoá các cá nhân có thể góp phần dẫn đến hành vi theo bản năng bằng cách hạn chế khả năng đưa ra quyết định sáng suốt và khả năng hành động của họ. Nói cách khác, sự giải chủ thể hoá có thể dẫn đến hành vi bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như hệ thống công nghệ, hơn là do việc ra quyết định có ý thức. (ND)

[12] Chữ gốc tiếng Pháp được Stiegler dùng là “appareil” (“apparatus” trong tiếng Anh), tạm dịch “cơ chế”. Trong ngữ cảnh của Kant, một cơ chế bao gồm các hệ thống công nghệ, định chế và thực hành định hình và kiểm soát đời sống xã hội, văn hóa và chính trị. Cơ chế này có thể bao gồm những thứ như ngôn ngữ, giáo dục, luật pháp, chính phủ và truyền thông. Kant coi đọc và viết là một phần của “cơ chế” trưởng thành (nói cách khác, trưởng thành là ý niệm được kiến tạo thông qua cơ chế đọc viết), vì theo Kant chúng là những kỹ năng cần thiết để các cá nhân phát triển toàn diện tham gia và đóng góp cho xã hội. (ND)

[13] Sđd., 171.

[14] Đọc thêm đoạn trích dưới đây của Stiegler để hiểu hơn về sự phân biệt của ông giữa “kỹ nghệ tâm thần” (psychotechnical) và “công nghệ tâm thần(psychotechnological):

Thời đại công nghệ tâm thần là một sự đảo ngược của thời đại kỹ nghệ tâm thần vốn … bao gồm các kỹ nghệ tinh thần (mental techniques) mà sự viết, với tư cách là nền tảng của “giới chữ nghĩa” (republic of letters) đặc trưng cho không gian công cộng suốt thời Khai Minh, là cái thiết yếu nhất: với tư cách là phép hỗ trợ trí nhớ (hypomnematon), viết là cơ sở của sự kiểm soát bản thân lẫn người khác … (Stiegler, Taking Care, 17)

Theo Stiegler, thời đại kỹ nghệ tâm thần là thời mà các kỹ nghệ tinh thần, chẳng hạn như viết lách và ghi chép, được dùng làm nền tảng cho không gian công cộng thời Khai Minh. Thời ấy, viết là một kỹ nghệ tinh thần quan trọng, giúp các cá nhân có thêm một bộ nhớ ngoài (dưới dạng văn bản viết) để lưu trữ thêm thông tin, và do đó kiểm soát tư tưởng của bản thân cũng như giao tiếp và ảnh hưởng đến người khác hiệu quả hơn. Mặt khác, thời đại công nghệ tâm thần là sự đảo ngược của thời đại kỹ nghệ tâm thần, nơi các công nghệ không chỉ là công cụ tinh thần của con người mà còn tích cực định hình và chi phối suy nghĩ, hành vi của họ. “Đảo ngược” có nghĩa là mối quan hệ giữa nhân loại với các kỹ nghệ/ công nghệ đã bị hoán đổi. Nếu trước đây con người sử dụng các kỹ nghệ thì giờ đây các công nghệ dường như đang chi phối cách con người nghĩ và làm, với truyền thông, điện thoại thông minh và những công nghệ kỹ thuật số khác. Lập luận như vậy, Stiegler đã đặt vấn đề về sự tái cấu hình chủ thể tính. (ND)

[15] Sđd., 176.

[16]Những công nghệ của cái tôi” trong quan điểm của Foucault không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa, xã hội và lịch sử lớn hơn. Những công nghệ của cái tôi là những phương pháp, kỹ nghệ và thực hành mà các cá nhân sử dụng để thực thi quyền lực và kiểm soát bản thân, suy nghĩ, ham muốn và hành vi của họ. Những hình thức tự kiểm soát và tự kỷ luật này bao giờ cũng được định hình bởi các chuẩn văn hoá, xã hội, bởi các hoàn cảnh lịch sử và chính trị. (ND)

[17] Michel Foucault, The Use of Pleasure: Volume 2 of The History of Sexuality [Sử dụng niềm hân hưởng: Lịch sử tính dục Tập 2], Robert Hurley dịch (New York: Vintage, 1990), 10–11.

[18] Michel Foucault, Technologies of the Self: A Seminar with Michel Foucault [Những công nghệ của cái tôi: một buổi thảo luận với Michel Foucault], Luther H. Martin, Huck Gutman và Patrick H. Hutton chủ biên (Amherst: University of Massachusetts Press, 1988), 19.

[19] Tuy nhiên, Foucault đã cảm nhận được mối tương quan giữa công nghệ của cái tôi và công nghệ của quyền lực: “Tôi nghĩ rằng nếu ai đó muốn phân tích phả hệ của chủ thể trong nền văn minh phương Tây, anh ta phải tính đến không chỉ các kỹ nghệ thống trị mà còn các kỹ nghệ của cái tôi. Chẳng hạn: anh ta phải tính đến sự tương tác giữa hai loại kỹ nghệ ấy – kỹ nghệ thống trị và kỹ nghệ của cái tôi. Anh ta phải tính đến những điểm mà các công nghệ thống trị của các cá nhân đối với nhau phải viện đến các quá trình mà cá nhân hành động lên chính mình. Và ngược lại, anh ta phải tính đến những điểm mà các kỹ nghệ của cái tôi được tích hợp vào các cấu trúc cưỡng bức hoặc thống trị” (About the Beginning of the Hermeneutics of the Self: Two Lectures at Dartmouth College [Về sự khởi đầu của thông diễn học về cái tôi: Hai bài giảng ở Đại học Dartmouth], 1980, Graham Burchell dịch [Chicago: University of Chicago Press, 2016], 25).

[20] Foucault, Birth of Biopolitics, 230.

[21] Để hiểu hơn ý này, chúng ta có thể xem xét một ví dụ cụ thể: sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp self-help (tự giúp mình) và phát triển cá nhân, chẳng hạn như ngành xuất bản các đầu sách self-help hay các khoá học khai thác sức mạnh tiềm ẩn, các khoá thực hành chữa lành, v.v. Chúng thúc đẩy ý tưởng cho rằng các cá nhân có thể đạt được thành công và hạnh phúc thông qua việc tự tối ưu hóa và tự thiết đặt kỷ luật cho mình. Bằng cách thúc đẩy ý tưởng này, những ngành công nghiệp này khuyến khích các cá nhân tự coi mình là người chịu trách nhiệm về thành công hoặc thất bại của họ. Theo cách này, các quan hệ quyền lực được nội hóa (tức là những ý tưởng, giá trị, cách nghĩ, cách ứng xử, v.v., được đưa vào bên trong chủ thể) và được hiểu là tự do. Áp lực phải không ngừng cải thiện bản thân và cạnh tranh với những người khác để đạt được thành công rốt cuộc lại được coi là một sự lựa chọn và cơ hội để phát triển cá nhân, chứ không phải là một hình thức thống trị hoặc bóc lột. Đó chính là mưu mẹo, là kế hoạch được cố ý dàn dựng trong hệ thống xã hội tân tự do nhằm điều khiển các cá nhân tự bóc lột mình mà vẫn cho rằng mình có tự do. Mưu mẹo này được dàn dựng bởi các lực lượng và quá trình mang tính hệ thống của chủ nghĩa tân tự do hơn là các cá nhân hoặc nhóm cụ thể. Tuy nhiên, cũng có thể một số chủ thể nhất định, chẳng hạn như các tập đoàn hoặc tổ chức chính phủ, có liên quan đến việc tạo ra và triển khai các công nghệ quyền lực này. (ND)


Nhận xét

  1. Anh có thể để link bài viết gốc được không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài này. Bài gốc nằm trong quyển "Psychopolitics: Neoliberalism and New Technologies of Power", mình có để nguồn. Quyển này chưa được số hoá trên mạng, nên bạn có thể tìm file sách trên libgen.is nhé.

      Xóa
  2. Cảm ơn anh vì bản dịch ạ.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến