KẺ KHÁC (OTHER) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

 KẺ KHÁC (OTHER)

Mirror Stage | "This moment in which the mirror-stage comes … | Flickr
"The Mirror Stage" (nguồn: Flickr)

 

Nói chung, “kẻ khác” là bất kỳ người nào tách biệt với bản thân ai đó. Sự hiện hữu của những kẻ khác là cốt yếu trong việc xác định cái gì “bình thường” và xác định vị trí của bản thân ai đó trong thế giới. Chủ thể thuộc địa được mô tả là “kẻ khác” thông qua những diễn ngôn như sự ban sơ[1] và sự man rợ,[2] như một phương tiện để thiết lập sự phân tách nhị nguyên giữa thực dân và người thuộc địa, đồng thời khẳng định tính tự nhiên và tính ưu việt của nền văn hóa và thế giới quan thực dân.

Mặc dù thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong triết học hiện sinh, nhất là bởi Sartre trong Tồn tại và hư vô (1957) để xác định mối quan hệ giữa Tôi và Kẻ khác[3] trong việc tạo ra sự tự nhận thức và những ý niệm về căn tính, định nghĩa của thuật ngữ trong lý thuyết hậu thuộc địa hiện nay bắt nguồn từ phân tích của Freud và hậu Freud về sự hình thành chủ thể tính,[4] đáng chú ý nhất là trong công trình của nhà phân tâm học và lý thuyết văn hóa Jacques Lacan. Cách Lacan sử dụng thuật ngữ này liên quan đến một sự phân biệt giữa “Kẻ Khác” và “kẻ khác”, mà điều này có thể dẫn đến một số nhầm lẫn, nhưng đó là sự phân biệt có thể rất hữu ích trong lý thuyết hậu thuộc địa.

Theo lý thuyết của Lacan, kẻ khác – với chữ “k” viết thường[5] – chỉ kẻ khác mà giống với bản thân, điều mà đứa trẻ phát hiện ra khi nhìn vào gương và nhận thức về bản thân nó như là một tồn tại riêng biệt. Khi đứa trẻ, một khối tứ chi và cảm giác rời rạc, nhìn thấy hình ảnh của nó trong gương, hình ảnh đó phải có đủ sự tương đồng với đứa trẻ để được nhận ra, mà nó cũng phải đủ tách biệt để tạo cơ sở cho niềm hy vọng của đứa trẻ về một “sự làm chủ được dự kiến”;[6] hư cấu về sự làm chủ này sẽ trở thành cơ sở của cái ego. Kẻ khác này quan trọng trong việc xác định căn tính của chủ thể. Trong lý thuyết hậu thuộc địa, nó có thể quy chiếu đến những kẻ khác bị thuộc địa hoá, những người bị lề hoá bởi diễn ngôn đế quốc, được nhận diện bởi sự khác biệt của họ với trung tâm và, có lẽ cốt yếu nhất, trở thành tâm điểm của sự làm chủ được dự kiến bởi cái “ego” đế quốc.

Kẻ Khác – với chữ “K” viết hoa[7] – đã được Lacan gọi là grande-autre, Kẻ Khác vĩ mô, mà trong cái nhìn của nó chủ thể sở đắc căn tính. Kẻ Khác Tượng trưng[8] không phải là người đối thoại có thực mà có thể được nghiệm thân trong các chủ thể khác, chẳng hạn như người mẹ hoặc người cha có thể đại diện cho nó. Kẻ Khác Tượng trưng là “cực hô gửi[9] siêu việt hoặc tuyệt đối, được triệu hồi mỗi khi chủ thể đó nói với một chủ thể khác” (Boons-Grafé 1992: 298). Do đó Kẻ Khác có thể quy chiếu đến người mẹ mà sự tách biệt [của bà] khỏi chủ thể khiến bà trở thành tâm điểm đầu tiên của ham muốn; nó có thể quy chiếu đến người cha mà tính Khác[10] [của ông] định vị chủ thể theo Trật tự Tượng trưng;[11] nó có thể đề cập đến bản thân cái vô thức[12] bởi vì vô thức được cấu trúc giống như một ngôn ngữ mà tách biệt với ngôn ngữ của chủ thể. Về cơ bản, Kẻ Khác là cốt yếu đối với chủ thể vì chủ thể hiện hữu trong cái nhìn của nó. Lacan nói rằng “mọi ham muốn là hoán dụ[13] của ham muốn được tồn tại” bởi vì ham muốn đầu tiên của chủ thể là ham muốn tồn tại trong cái nhìn của Kẻ Khác.

Kẻ Khác này có thể được so sánh với trung tâm đế quốc, diễn ngôn đế quốc, hoặc bản thân đế quốc, theo hai cách: một là, nó cung cấp các từ ngữ mà chủ thể thuộc địa có được một cảm thức về căn tính của anh ấy hay cô ấy phần nào như là một “kẻ khác”, phụ thuộc; hai là, nó trở thành “cực hô gửi tuyệt đối”, khung ý hệ mà bên trong nó chủ thể thuộc địa có thể hiểu thế giới. Trong diễn ngôn thuộc địa, chủ thể tính của người thuộc địa liên tục nằm trong cái nhìn của Kẻ Khác thuộc về đế quốc, grand-autre. Các chủ thể có thể bị liên vấn[14] bởi ý hệ về chức năng làm mẹ và chức năng nuôi dưỡng của quyền lực thực dân, đồng thuận với những mô tả như “mẫu quốc Anh” và “Quê hương”.

Tuy nhiên, Kẻ Khác Tượng trưng có thể được đại diện nơi Người Cha. Ý nghĩa và sự thống trị cưỡng chế của ngôn ngữ đế quốc [như là thứ ngôn ngữ] mà các chủ thể thuộc địa được đưa vào có thể mang lại cho họ một cảm thức rõ ràng về quyền lực nằm trong tay thực dân, một tình thế tương ứng một cách ẩn dụ với việc chủ thể bước vào Trật tự Tượng trưng và khám phá ra Luật của Người Cha. Tính nước đôi của diễn ngôn thuộc địa nằm ở chỗ, cả hai quá trình “khác hoá”[15] này xảy ra đồng thời, chủ thể thuộc địa vừa là “đứa con” của đế quốc, vừa là chủ thể ban sơ và kém cỏi của diễn ngôn đế quốc. Sự kiến tạo Kẻ Khác thuộc về đế quốc thống trị diễn ra trong cùng một quá trình mà qua đó những kẻ khác thuộc về thuộc địa bước vào tồn tại.

 

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch

 

Nguồn:

Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). OtherPostcolonial Studies: The Key Concepts (p.186-188). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.



[1] primitivism

[2] cannibalism

[3] Self and Other

[4] subjectivity

[5] the other

[6] anticipated mastery

[7] the Other

[8] the Symbolic Other

[9] pole of address (chú thích của ND)

[10] Otherness

[11] the Symbolic Order (còn có thể dịch là “Trật tự cõi Tượng”)

[12] the unconscious

[13] metonym (chú thích của ND)

[14] interpellated (xuất phát từ thuật ngữ “interpellation” của L. Althusser, chỉ hình thức / quá trình mà các khuôn định ý hệ khác nhau cùng tra vấn chủ thể để kiến tạo nên căn tính của chủ thể)

[15] othering

Nhận xét

Bài đăng phổ biến