TÁC NĂNG (AGENCY) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

 TÁC NĂNG (AGENCY)

 

Tác năng quy chiếu đến khả năng hành động hoặc thực hiện một hành động. Trong lý thuyết đương đại, nó xoay quanh câu hỏi liệu các cá nhân có thể khởi xướng hành động một cách tự do và tự trị không, hoặc liệu những điều họ làm theo một nghĩa nào đó có được quyết định bởi những cách thức mà căn tính của họ đã được kiến tạo không. Tác năng đặc biệt quan trọng trong lý thuyết hậu thuộc địa vì nó quy chiếu đến khả năng các chủ thể hậu thuộc địa khởi xướng hành động trong việc tham dự hoặc chống lại quyền lực đế quốc. Thuật ngữ này đã trở thành một vấn đề trong thời gian gần đây như là một kết quả của các lý thuyết hậu cấu trúc về chủ thể tính. Vì chủ thể tính của con người được kiến ​​tạo bởi ý hệ (Althusser), ngôn ngữ (Lacan) hoặc diễn ngôn (Foucault), nên hệ quả tất yếu là bất kỳ hành động nào do chủ thể đó thực hiện cũng phải ở một mức độ nào đó là kết quả của những thứ ấy.[1] Đối với lý thuyết diễn ngôn thuộc địa của Bhabha và Spivak, vốn đồng tình phần nhiều với quan điểm hậu cấu trúc luận về chủ thể tính, câu hỏi về tác năng đã trở thành là một câu hỏi rắc rối. Tuy nhiên, nhiều lý thuyết trong đó hành động chính trị được coi là hết sức quan trọng lại coi tác năng là hiển nhiên. Họ cho rằng dẫu khó mà các chủ thể thoát được khỏi những ảnh hưởng của các lực[2] “kiến tạo” họ, nhưng không phải là [họ] không thể [thoát khỏi]. Chính cái thực tế là các lực ấy có thể được nhận ra đã ngụ ý rằng chúng cũng có thể bị huỷ bỏ.

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch

Nguồn:

Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). AgencyPostcolonial Studies: The Key Concepts (p.9-10). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.


The August Revolution in Vietnam
August Revolution, Vietnam, 1945



[1] “Những thứ ấy” tức là những thứ đã kiến tạo nên chủ thể tính. (Chú thích của ND)

[2] force

Nhận xét

Bài đăng phổ biến