SUBALTERN | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

 SUBALTERN

 

Subaltern, có nghĩa là “thuộc cấp thấp”, là một thuật ngữ được Antonio Gramsci sử dụng để chỉ các nhóm trong xã hội phải chịu bá quyền[1] của các giai cấp thống trị. Các giai cấp subaltern có thể bao gồm nông dân, công nhân và các nhóm khác bị khước từ cơ hội tiếp cận quyền lực “thống soát”. Vì lịch sử của các giai cấp thống trị được hiện thực hoá trong nhà nước, lịch sử là lịch sử của các nhà nước và các nhóm thống trị, nên Gramsci đã quan tâm đến thuật chép sử[2] về các giai cấp subaltern. Trong “Ghi chép về Lịch sử Ý” (1934–35), ông vạch ra một kế hoạch sáu điểm để nghiên cứu lịch sử của các giai cấp subaltern, bao gồm: (1) khuôn định[3] khách quan về họ; (2) sự liên kết chủ động hoặc thụ động của họ với các khuôn định chính trị thống trị; (3) sự ra đời của các đảng phái và nhóm thống trị mới; (4) những khuôn định mà các nhóm subaltern tạo ra để thúc đẩy các yêu sách của họ; (5) những khuôn định mới bên trong khung quy chiếu cũ khẳng định sự tự trị của các giai cấp subaltern; và (6) những mối quan hệ [của] subaltern với các nghiệp đoàn[4] và đảng phái chính trị (Gramsci 1971: 52).

Gramsci tuyên bố rằng lịch sử của các giai cấp subaltern cũng phức tạp như lịch sử của các giai cấp thống trị (52), mặc dù lịch sử của nhóm sau thường là lịch sử được chấp nhận là “chính” sử. Đối với ông, lịch sử của các nhóm xã hội subaltern tất yếu bị phân mảnh và có tính nhất thời (54), vì họ luôn bị lệ thuộc vào hoạt động của các nhóm cai trị, ngay cả khi họ nổi dậy. Rõ ràng là họ có ít được tiếp cận hơn với các phương tiện để họ có thể kiểm soát sự trình hiện về chính mình, và ít được tiếp cận hơn với các định chế văn hóa và xã hội. Chỉ có chiến thắng “vĩnh viễn” (tức là một sự điều chỉnh giai cấp mang tính cách mạng) mới có thể phá vỡ mô thức lệ thuộc[5] kia, và ngay cả điều đó cũng không xảy ra ngay tức khắc.

Thuật ngữ này đã được cải dụng cho nghiên cứu hậu thuộc địa từ công trình của nhóm các sử gia Nghiên cứu Subaltern, những người có mục đích thúc đẩy một cuộc bàn thảo có hệ thống về các chủ đề subaltern trong nghiên cứu Nam Á. Nó được sử dụng trong Nghiên cứu Subaltern “như một tên gọi cho thuộc tính chung của sự lệ thuộc trong xã hội Nam Á cho dù điều này được thể hiện dưới dạng giai cấp, đẳng cấp,[6] tuổi tác, giới và chức vụ hay dưới bất kỳ dạng nào khác” (Guha 1982: vii). Nhóm [này] – được thành lập bởi Ranajit Guha, và thoạt đầu bao gồm Shahid Amin, David Arnold, Partha Chatterjee, David Hardiman và Gyan Pandey – đã xuất bản năm tập Nghiên cứu Subaltern: các tiểu luận liên quan đến lịch sử, chính trị, kinh tế và xã hội học của hoàn cảnh subaltern[7] “cũng như như thái độ, ý hệ và hệ thống niềm tin – tóm lại là văn hóa báo hiệu hoàn cảnh ấy” (vii).

Mục đích của dự án Nghiên cứu Subaltern là khắc phục sự mất cân bằng được tạo ra trong công việc học thuật do xu hướng tập trung vào giới tinh hoa và văn hóa tinh hoa trong thuật chép sử của Nam Á. Nhận ra rằng sự lệ thuộc không thể được hiểu trừ khi nằm trong mối quan hệ nhị nguyên với sự thống trị, nhóm này nhắm đến việc xem xét subaltern “như một đánh giá khách quan về vai trò của giới tinh hoa và như một phê phán những cách diễn giải của giới tinh hoa về vai trò ấy” (vii). Các mục tiêu của nhóm bắt nguồn từ niềm tin rằng thuật chép sử về chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ,[8] chẳng hạn, từ lâu đã bị chi phối bởi chủ nghĩa tinh hoa[9] – chủ nghĩa tinh hoa thực dân[10] và chủ nghĩa tinh hoa dân tộc tư sản[11] – cả hai đều là những kết quả của chủ nghĩa thực dân Anh. Thuật chép sử như vậy đã gợi ý rằng sự phát triển của một ý thức dân tộc chủ nghĩa[12] là một thành tựu dành riêng cho giới tinh hoa, hoặc của các nhà quản lý, chính sách hoặc văn hóa thuộc địa, hoặc của các cá nhân, định chế hoặc tư tưởng tinh hoa của Ấn Độ. Do đó, Guha khẳng định, cách viết như vậy không thể thừa nhận hoặc diễn giải sự đóng góp của người dân dựa vào chính họ, tức là độc lập với giới tinh hoa. Cái rõ ràng đã bị loại trừ bởi quan điểm giai cấp của thuật viết sử như vậy là một “nền chính trị của nhân dân” (4), mà theo ông, là một địa hạt tự trị đã vẫn tiếp tục vận hành khi nền chính trị của giới tinh hoa trở nên lỗi thời.

Một bằng chứng rõ ràng về sự khác biệt giữa giới tinh hoa và subaltern nằm ở bản tính của sự huy động chính trị:[13] sự huy động của giới tinh hoa đã được hoàn tất theo chiều dọc thông qua sự cải dụng các định chế nghị viện Anh, trong khi subaltern đã dựa vào tổ chức truyền thống của thân tộc và sự kiểm soát lãnh thổ[14] hoặc các hội liên hiệp giai cấp.[15] Vận động quần chúng[16] trong thời kỳ thuộc địa đã diễn ra dưới hình thức các cuộc nổi dậy của nông dân, và có lý lẽ ​​cho rằng đây vẫn là một chính vị[17] của hành động chính trị, bất chấp sự thay đổi trong cấu trúc chính trị (6). Điều này rất khác với những tuyên bố của giới chép sử tinh hoa rằng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ chủ yếu là một cuộc mạo hiểm duy tâm chủ nghĩa, trong đó giới tinh hoa bản địa đã lãnh đạo nhân dân đi từ cảnh lệ thuộc đến tự do.

Mặc dù các nhóm subaltern hết sức đa dạng, một đặc điểm bất biến chính là một ý niệm kháng cự sự thống trị của giới tinh hoa. Sự thất bại của giai cấp tư sản trong việc lên tiếng cho quốc gia dân tộc[18] có nghĩa là quốc gia Ấn Độ đã thất bại trong việc “trưởng thành”,[19] và đối với Guha, “chính việc nghiên cứu sự thất bại này đã cấu thành vấn đề trung tâm của thuật chép sử Ấn Độ” (7). Rõ ràng khái niệm subaltern có ý định xuyên qua nhiều cặp nhị nguyên chính trị và văn hóa, chẳng hạn chủ nghĩa thực dân so với chủ nghĩa dân tộc, hoặc chủ nghĩa đế quốc so với biểu hiện văn hóa bản xứ, nhằm ủng hộ một sự khu biệt khái quát hơn giữa subaltern và giới tinh hoa, bởi vì, Guha gợi ý, nhóm subaltern này luôn bị bỏ qua trong nghiên cứu về biến đổi chính trị và văn hóa.

Khái niệm subaltern đã trở thành một vấn đề [quan trọng] trong lý thuyết hậu thuộc địa khi Gayatri Spivak phê bình các giả định của nhóm Nghiên cứu Subaltern trong tiểu luận “Subaltern có nói được không?” Bà tuyên bố rằng câu hỏi này là một câu hỏi mà nhóm này phải hỏi. Phê phán đầu tiên của bà nhắm vào khẳng định của phái Gramsci về sự tự trị của nhóm subaltern, mà theo bà, dẫu có bao nhiêu hạn định[20] của Guha – người thừa nhận tính đa dạng, phi đồng nhất và bản tính chồng chéo của các nhóm subaltern – cũng không thể cứu vãn [sự tự trị này] khỏi tiền đề về cơ bản là theo hướng quy chất[21] của nó. Thứ hai, không có hệ phương pháp nào để quyết định ai hoặc cái gì có thể cấu thành nhóm này có khả năng tránh khỏi kiểu quy chất luận này không. “Nhân dân” hay “subaltern” là một nhóm được xác định bởi sự khác biệt của nó với giới tinh hoa.

Để phòng chống các quan điểm quy chất luận về hoàn cảnh subaltern, Guha gợi ý rằng có một sự khu biệt nữa cần được vạch ra giữa subaltern và các nhóm bản địa chiếm ưu thế ở các cấp độ khu vực và địa phương. Tuy nhiên, nỗ lực của Guha nhằm phòng chống quy chất luận, bằng cách định rõ phạm vi của các nhóm subaltern, chỉ phục vụ, theo Spivak, cho việc vấn đề hoá bản thân ý niệm subaltern thêm nữa. “Nhiệm vụ nghiên cứu là điều tra, nhận diện và đo lường bản tính cụ thể của độ lệch của [các nhóm bản địa chiếm ưu thế ở cấp khu vực và địa phương] khỏi [nhóm subaltern] lý tưởng và định vị nó một cách sử tính”[22] (Spivak 1985b: 27). Nhưng, Spivak hỏi, “hệ thống phân loại nào có thể ấn định một không gian như thế?” Đối với nhóm subaltern “thực sự”, bà nói, mà căn tính của nó nằm ở sự khác biệt của nó, không có chủ thể subaltern bất khả trình hiện[23] nào có thể biết và nói lên chính mình.[24] Người ta không thể kiến tạo một phạm trù subaltern có một tiếng nói hữu hiệu có thể nhận diện được một cách rõ ràng và không trở ngại thế kia,[25] một tiếng nói không đồng thời chiếm nhiều vị trí phát ngôn khả hữu khác.

Spivak tiếp tục giải thích tỉ mỉ các vấn đề của phạm trù subaltern bằng cách xem xét tình cảnh của những chủ thể bị định giới[26] và đặc biệt là phụ nữ Ấn Độ, vì “vừa là một đối tượng của thuật chép sử thực dân chủ nghĩa, vừa là một chủ thể của sự nổi dậy, sự kiến tạo ý hệ về giới[27] vẫn giữ cho nam giới thống trị” (28). Vì nếu “trong bối cảnh sản xuất thuộc địa, subaltern không có lịch sử và không thể nói được, thì subaltern với tư cách là phụ nữ lại càng chìm sâu hơn trong bóng tối” (28). Spivak xem xét vị trí của phụ nữ Ấn Độ thông qua phân tích một trường hợp cụ thể, và kết luận bằng tuyên bố rằng “subaltern không thể nói được”. Kết luận này đôi khi được diễn giải rằng không có cách nào để các nhóm bị áp bức hoặc bị lề hoá về mặt chính trị có thể nói lên sự kháng cự của họ, hoặc rằng subaltern chỉ có một ngôn ngữ thống trị hoặc một tiếng nói thống trị mà ở trong [ngôn ngữ hoặc tiếng nói] đó [subaltern] được nghe thấy. Nhưng mục tiêu mà Spivak nhắm đến [để phê phán] là khái niệm về một căn tính subaltern được cấu thành một cách không trở ngại, hơn là khả năng của chủ thể subaltern trong việc lên tiếng về những mối bận tâm chính trị. Quan điểm của bà là không có hành động bất đồng hoặc kháng cự nào xảy ra vì lợi ích của một chủ thể subaltern về bản chất hoàn toàn biệt lập với diễn ngôn thống trị vốn cung cấp ngôn ngữ và các phạm trù khái niệm mà nhờ chúng tiếng nói subaltern mới cất lên được. Rõ ràng, bản thân sự hiện hữu của diễn ngôn hậu thuộc địa là một ví dụ về cách nói như vậy,[28] và trong hầu hết các trường hợp, ngôn ngữ hoặc phương thức trình hiện thống trị được chiếm dụng[29] để cho tiếng nói bên lề[30] có thể được lắng nghe.


Nguyễn Minh Nhật Nam dịch và chú giải


Nguồn:

Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). SubalternPostcolonial Studies: The Key Concepts (p.244-247). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.


Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao như là một nhân vật subaltern.
(Ảnh lấy từ phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) của Phạm Văn Khoa)



[1] hegemony (còn có thể dịch là “sự thống soát”; hegemonic: thống soát)

[2] historiography (phương thức ghi chép và diễn giải lịch sử, còn có thể dịch là “sử chí”); từ này còn có nghĩa là ngành nghiên cứu về thuật chép sử, hay “sử chí học”.

[3] formation (phức hợp các nhân tố văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị định hình một nhóm xã hội)

[4] trade union

[5] pattern of subordiation

[6] caste

[7] subalterneity (hoàn cảnh lệ thuộc về mặt xã hội và chính trị của các nhóm bên lề)

[8] Tức là những cách thức mà các tự sự và diễn giải về lịch sử đã được dùng để kiến tạo và định hình ý niệm về chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ; có liên quan đến vai trò của các nhóm xã hội và chính trị khác nhau, nhất là giới tinh hoa, trong việc sản xuất, phát tán và chiếm dụng tri thức lịch sử; cũng liên quan đến các diễn ngôn và ý hệ khác nhau đã định hình nên các trào lưu dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ.

[9] élitism

[10] colonialist élitism

[11] bourgeoise-nationalist élitism

[12] nationalist consciousness

[13] political mobilization

[14] territoriality (sự kiểm soát con người và tài nguyên thông qua sự kiểm soát lãnh thổ)

[15] class association

[16] popular mobilization

[17] primary locus

[18] nation

[19] come into its own (phát triển đến mức độc lập, tự cường, có thành tựu, được công nhận)

[20] qualification

[21] essentialist

[22] Các dấu ngoặc vuông đều là các dấu phân định của Spivak. (Chú thích của ND)

[23] unrepresentable

[24] Spivak lập luận rằng các nhóm subaltern là những nhóm bị lề hoá về mặt xã hội và chính trị, thường trở nên vô hình trong những diễn ngôn và sự trình hiện văn hóa chủ lưu. Theo Spivak, sự  hình này không chỉ đơn giản là vấn đề phớt lờ hay bỏ sót, mà đúng hơn là một khía cạnh cơ bản trong cách vận hành của các diễn ngôn và thực hành văn hóa thống trị. Nhóm subaltern, có được căn tính dựa trên sự khác biệt của nó với nền văn hóa thống trị, không có khả năng trình hiện chính mình bên trong nền văn hóa thống trị, do nền văn hóa thống trị và những sự trình hiện của nó được định hình bởi các giả định và giá trị nào đó nhằm loại trừ và lề hoá các nhóm subaltern. Hơn nữa, nhóm subaltern không thể trình hiện chính nó theo cách riêng của nó, vì căn tính của nó dựa trên sự khác biệt (những cái vắng mặt ở nó) hơn là các thuộc tính hay phẩm chất tích cực (những cái hiện diện ở nó). Nói cách khác, nhóm subaltern được xác định bởi những gì nó không phải là, chứ không bởi những gì nó là. Điều này làm cho nhóm subaltern khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, phân đoạn bản sắc riêng của mình hoặc tự nói theo cách dễ hiểu trong các diễn ngôn thống trị. Do đó, Spivak khẳng định không có chủ thể subaltern bất khả trình hiện nào có thể biết và nói lên chính nó.

[25] “Một tiếng nói hữu hiệu có thể nhận diện được một cách rõ ràng và không trở ngại” chính là tiếng nói mang tính tự trị mà phái Gramsci hướng đến khi nói về khả năng nhóm subaltern có thể trình hiện chính mình bên nền trong văn hoá thống trị. Đây là tâm điểm mà Spivak phản biện phái Gramsci.

[26] gendered subjects

[27] the ideological construction of gender

[28] Tức là cách nói sử dụng ngôn ngữ của văn hoá thống trị, vì đó là thứ ngôn ngữ duy nhất mà subaltern có thể dùng để nói và được nghe. Đây là một đặc điểm của thân phận subaltern, khi chỉ có thể nói bằng thứ ngôn ngữ thống soát trong xã hội. Điều này không có nghĩa là subaltern phải cam chịu bất lực miên viễn trong bóng tối. Dùng ngôn ngữ thống trị để gây rắc rối cho bản thân thứ ngôn ngữ và luật lệ tượng trưng của nền văn hoá thống trị, đó là tác năng của subaltern.

[29] appropriate

[30] marginal

Nhận xét

Bài đăng phổ biến