Chữa lành như là kết liễu (Healing as Killing) | Byung-chul Han
Nguyễn Minh Nhật Nam dịch và chú giải.
Tâm chính trị tân tự do luôn xuất hiện với các hình thức bóc lột tinh vi
hơn. Hằng hà sa số những buổi thảo luận quản trị bản thân, khóa tu tạo động lực
và hội thảo về rèn luyện nhân cách hoặc tinh thần hứa hẹn về khả năng tự tối ưu
hóa vô hạn và hiệu suất được tăng cường. Chúng được lèo lái bởi các kỹ nghệ thống
trị tân tự do, nhằm mục đích lợi dụng không chỉ thời gian làm việc mà cả bản
thân con người anh ta hoặc cô ta: tất cả sự chú ý mà cá nhân ấy điều động và thực
ra là chính đời sống của anh ta hoặc cô ta. Chủ nghĩa tân tự do đã phát hiện ra
tồn tại người toàn vẹn là đối tượng bóc lột.
Mệnh lệnh tân tự do về sự tự tối ưu hóa chỉ phục vụ cho việc thúc đẩy sự vận
hành hoàn hảo bên trong hệ thống. Những ức chế, điểm yếu và sai lầm phải được
loại bỏ bằng liệu pháp để nâng cao hiệu suất và kết quả. Kết quả là, mọi thứ được
làm cho có thể so sánh được, đo lường được và tuân theo logic của thị trường.
Không phải mối bận tâm về đời sống tốt đẹp thúc đẩy sự tự tối ưu hóa. Thay vào
đó, sự tự tối ưu hóa phát sinh từ những ràng buộc mang tính hệ thống – từ cái logic
định lượng thành công trên thị trường.
Thời đại của chủ quyền (sovereignty) là thời đại của áp
thuế và cưỡng bách: sung công và chiếm đoạt hàng hóa lẫn dịch vụ.[1]
Quyền lực của chủ quyền được thể hiện như là quyền nắm giữ và định đoạt tuỳ ý.
Ngược lại, xã hội kỷ luật (disciplinary society) trông cậy vào sản xuất. Đó là
thời đại của giá trị gia tăng chủ động và công nghiệp.[2]
Tuy nhiên, thời đại để tạo ra giá trị mới, một thứ giá trị có thực, đã đi qua
và kết thúc. Quả thực, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản tài chính của thời
buổi chúng ta, giá trị đang bị hủy hoại tận gốc – bị tận diệt. Chế độ tân tự do
đang trong quá trình khai mạc thời đại suy kiệt. Ngày nay, bản thân tâm lý đang
bị khai thác. Theo đó, những chứng bệnh tâm lý như trầm cảm và kiệt quệ định
nghĩa thời đại của chúng ta.
Trong văn học tự cứu (self-help) đương đại Mỹ, cái từ kỳ diệu chính là chữa
lành (healing). Từ này nói đến sự tự tối ưu hóa được cho là nhằm loại bỏ
bằng liệu pháp bất kỳ và toàn bộ điểm yếu về chức năng hoặc trở ngại tinh
thần nhân danh hiệu suất và kết quả. Nhưng sự tự tối ưu hóa liên tục, trùng khít
với sự tối ưu hóa của hệ thống, đang tỏ ra có tính huỷ hoại. Nó đang dẫn đến suy
sụp tinh thần. Sự tự tối ưu hóa, thì ra, chính là tự bóc lột toàn diện.
Ý hệ tân tự do về sự tự tối ưu hóa thể hiện những đặc
điểm tín ngưỡng – thực ra là cuồng tín. Nó đòi hỏi một hình thức chủ thể hóa mới.
Làm việc không ngừng nghỉ để tự cải thiện giống với việc tự vấn kiểm và tự giám
sát của đạo Tin Lành, vốn đại diện cho một công nghệ chủ thể hóa và thống trị
theo đúng tính chất của nó. Giờ đây, thay vì tìm kiếm tội lỗi, người ta săn
lùng những suy nghĩ tiêu cực. Cái ego vật lộn với chính nó như một kẻ thù. Ngày
nay, ngay cả những người thuyết giáo theo chủ nghĩa bảo căn (fundamentalist)[3]
cũng hành động như những nhà quản trị và huấn luyện viên truyền động lực, tuyên
bố một Phúc Âm mới về thành tựu và sự tối ưu hóa vô hạn.
Không thể hoàn toàn làm cho tư cách người của con người lệ thuộc hoàn toàn
vào những tiếng gọi của sự tích cực. Không có tiêu cực, đời sống suy sút thành “cái
gì đó chết”.[4]
Thật vậy, tiêu cực là thứ giữ cho đời sống tồn tại. Nỗi đau là cái cấu thành trải
nghiệm (Erfahrung). Đời sống mà chỉ có toàn những cảm xúc tích cực
và cảm giác “dòng chảy”[5] thì không có
tính người chút nào. Tâm hồn con người có được độ căng và chiều sâu quyết yếu của
nó chính xác là nhờ sự tiêu cực:
Sự căng thẳng của tâm hồn trong bất hạnh nuôi dưỡng sức mạnh
của nó … óc sáng tạo và lòng can đảm của nó trong việc chịu đựng, kiên trì, diễn
giải và khai thác nỗi đau khổ, và bất cứ điều gì đã được ban cho nó như sự sâu
sắc, bí mật, mặt nạ, tinh thần, xảo quyệt, vĩ đại – lẽ nào nó lại không được
ban cho qua nỗi đau khổ, qua kỷ luật của nỗi đau khổ lớn lao?[6]
Mệnh lệnh về sự tối ưu hóa vô hạn thậm chí còn có thể khai thác nỗi đau.
Do đó, diễn giả truyền động lực nổi tiếng Tony Robbins đã viết:
Khi bạn đặt mục tiêu, bạn đã cam kết cải thiện liên tục không
ngừng (CANI – Constant, Never-Ending Improvement)! Bạn đã thừa nhận nhu cầu của
cả nhân loại đối với sự cải thiện liên tục, không ngừng. Có một sức mạnh trong
áp lực của sự không hài lòng, trong tình trạng căng thẳng của sự khó chịu tạm
thời. Đây là loại đau đớn mà bạn muốn có trong đời.[7]
Giờ đây, nỗi đau duy nhất có thể chịu được là nỗi đau có thể được khai
thác cho mục đích tối ưu hóa.
Nhưng bạo lực của tính tích cực cũng có tính hủy diệt như bạo lực của sự tiêu cực.[8] Tâm chính trị tân tự do, với ngành công nghiệp ý thức mà nó thúc đẩy, đang hủy hoại tâm hồn con người, thứ chẳng là gì ngoài một cỗ máy tích cực (Positivmaschine). Chủ thể tân tự do đang mắc cạn trước mệnh lệnh phải tự tối ưu hóa, tức là, trước sự bắt buộc phải luôn đạt được ngày càng nhiều hơn nữa. Chữa lành, hóa ra, nghĩa là kết liễu.
Nguồn: Han,
Byung-Chul. “Healing as Killing.” Psychopolitics:
Neoliberalism and New Technologies of Power, translated by Erik
Butler, London: Verson, 2017, pp. 29–32.
[1] Ý cả câu này: Thời đại có chủ quyền, trong đó các quốc gia dân tộc
(nation-state) khẳng định nền độc lập và thành lập hệ thống kinh tế – chính trị riêng, đặc trưng bởi việc nhà
nước áp thuế và bắt buộc các cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ (quân sự), dẫn đến
việc lấy hàng hóa và dịch vụ từ các cá nhân thông qua sung công (nhập của tư
vào của công) và chiếm đoạt (tịch thu bằng quyền lực). (ND)
[2] Ý cả câu này: Xã hội kỷ luật là một
thời đại lịch sử đánh giá cao việc tham gia chủ động vào sản xuất công nghiệp (thay
vì bị động hoặc dựa vào các cách sống truyền thống) và tạo ra giá trị gia tăng
thông qua việc tận dụng công nghệ và sự cơ khí hóa. (ND)
[3] Một phong trào trong Ki-tô giáo nhấn mạnh niềm tin vào
cách diễn giải Kinh Thánh theo nghĩa đen và các học thuyết cốt lõi như tính
không sai lầm của Kinh Thánh, thần tính của Giê-su Ki-tô và sự chuộc tội thay
thế của Ngài, giữ quan điểm chính trị và xã hội bảo thủ về các vấn đề như phá
thai, hôn nhân đồng giới, v.v. (ND)
[4] Georg Wilhelm Friedrich Hegel, The Encyclopedia Logic
(with the Zusätze) [Bách khoa thư về khoa học logic], T. F. Geraets, W.
A. Suchting và H. S. Harris dịch (Indianapolis: Hackett, 1991), 236.
[5] Cũng xem: Mihaly
Csikszentmihalyi, Flow: The Psychology of Optimal Experience [Dòng chảy:
Tâm lý học của trải nghiệm tối ưu] (New York: Harper Perennial, 2008).
[6] Friedrich Nietzsche, Basic Writings [Những trước
tác căn bản], trans. Walter Kaufmann (New York: Modern Library, 2000), 344.
[7] Trích trong Barbara Ehrenreich, Bright-sided:
How Positive Thinking Is Undermining America [Phía tươi sáng: Suy nghĩ tích
cực đang làm suy yếu nước Mỹ như thế nào] (New York: Picador, 2010), 94.
[8] Cũng xem: Byung-Chul Han, Topologie
der Gewalt [Tô-pô học của bạo lực] (Berlin: Matthes & Seitz, 2011), nhất
là các trang 118–27.
Nhận xét
Đăng nhận xét