KIẾN THẾ (WORLDING) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)
KIẾN THẾ (WORLDING)
Một thuật ngữ do Gayatri Spivak đặt ra để mô tả cách thức mà không gian thuộc địa được đưa vào “thế giới”, nghĩa là, bị buộc tồn tại như một phần của thế giới về cơ bản được kiến tạo bởi Âu châu trung tâm luận:[1]
Nếu … chúng ta tập trung vào việc ghi chép và lý thuyết hóa lộ trình của sự củng cố châu Âu như là chủ thể có chủ quyền tối cao, thực sự là kẻ cầm quyền và chủ thể, thì chúng ta sẽ tạo ra một tự sự lịch sử khác về sự “kiến thế” của cái ngày nay được gọi là “Thế giới Thứ Ba[2]”.
(Spivak 1985a: 128)
Ám chỉ đến tiểu luận “Nguồn gốc của Tác phẩm Nghệ thuật” của Heidegger, Spivak mô tả quá trình này là “sự kiến thiết thế giới trên mặt đất chưa được khắc tên”, mà có thể được mô tả bằng các thuật ngữ khác như là “sự in khắc” diễn ngôn đế quốc lên “không gian” thuộc địa. Kiểu in khắc này được thực hiện này rõ ràng nhất qua các hoạt động như lập bản đồ, bằng cách đưa thuộc địa lên bản đồ thế giới cũng như lập bản đồ bên trong nó để đặt tên cho nó, và đặt tên cho nó là để biết nó, và do đó, kiểm soát nó. Nhưng quá trình “kiến thế” cũng diễn ra theo những cách tinh tế hơn nhiều: Spivak đưa ra những ví dụ về cách thức mà chủ nghĩa đế quốc vận hành để ghi đè lên[3] không gian thuộc địa bằng cách đơn thuần là tồn tại ở đó, chỉ ra ví dụ về người lính Anh đơn độc tản bộ qua vùng nông thôn Ấn Độ vào đầu thế kỷ 19:
Anh ta thực sự đang dự phần vào việc củng cố cái tôi của châu Âu bằng cách bắt buộc người bản địa đặt hết tâm trí vào không gian của Kẻ Khác[4] trên đất đai quê hương của anh ta [nghĩa là, anh ta bắt buộc người bản địa cảm nhận đất đai quê hương của anh ta như là không gian đế quốc]. Anh ta đang kiến thế cái thế giới của họ, vốn không hề chỉ là mặt đất chưa được khắc tên. … [Anh ta đang đẩy trượt một diễn ngôn dưới một diễn ngôn khác[5] một cách hữu hiệu và thô bạo.][6]
(Spivak 1985a: 133)
Đây là một trong nhiều quá trình khác nhau của sự khác hoá,[7] vốn là đặc trưng của sự tiếp xúc thuộc địa.[8] Điểm mà Spivak đang đưa ra ở đây là bản thân dự án đế quốc[9] không phải là nguyên khối, rằng “thành phần giai cấp và tính định vị xã hội nhất thiết phải không đồng nhất” (133). “Sự biến đổi bản đồ” này không chỉ đạt được bởi các nhà hoạch định chính sách, mà còn, và quan trọng hơn, bởi những con người nhỏ bé như người lính đơn độc – và hàng ngàn cư dân đã nối gót những người như anh ta đến những nơi bị đô hộ bởi một xã hội đế quốc.
Nguyễn Minh Nhật Nam dịch
Nguồn:
Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). Worlding. Postcolonial Studies: The Key Concepts (p.283-284). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.
"Imperial Federation: British Empire in 1886", Walter Crane |
[1] Eurocentrism
[2] the Third World (chú thích của ND)
[3] overwrite
[4] cathect the space of the Other
[5] Tức là áp đặt (“đẩy trượt”) chủ nghĩa đế quốc Anh (“một diễn ngôn”) lên văn hoá và lối sống bản địa của người Ấn Độ (“một diễn ngôn khác”). (Chú thích của ND)
[6] Phần trong ngoặc vuông là diễn giải của Ashcroft, Griffiths và Tiffin. (Chú thích của ND)
[7] othering
[8] colonial contact
[9] imperial project
Nhận xét
Đăng nhận xét