"THÂN" (身) TRONG THƠ THIỀN LÝ - TRẦN


"THÂN" (身) TRONG THƠ THIỀN LÝ - TRẦN

What is an Enso? - Lion's Roar

Nguyễn Minh Nhật Nam


“Thân” 身 trong thơ thiền Lý - Trần mang hai ý nghĩa khái quát, một là “thân” trong quan hệ với “tâm” 心 – mang nghĩa thân xác hay thể xác, hai là “thân” trong quan hệ với “thế”  (cuộc đời), “mệnh” 命 (số mệnh) hay “vận” 運 (khí vận) – mang nghĩa tấm thân, tức là kí hiệu của con người toàn vẹn. Dù trong trường hợp nào, “thân” trong thơ thiền cũng được trình hiện trong mối quan hệ với thiên nhiên“Thân” của con người mang ý nghĩa tương đồng hoặc tương phản (xung khắc) với thiên nhiên.


1. “Thân” được đối chiếu với thiên nhiên về tính chất.

Những bài kệ trong Khoá hư lục của Trần Thái Tông thể hiện đậm nét cảm thức về thân trong cái nhìn tương chiếu với thiên nhiên. Trong Phổ thuyết tứ sơn, bài kệ về núi thứ hai (nhị sơn) trong bốn núi, “thân” lênh đênh trong “thế” như “phù âu”, mong manh như “bồ liễu”, ở trong thế giới như ở trong cõi “tạm”:


人生在世若浮漚

壽夭因天莫妄求

景逼桑榆將向晚

身如蒲柳暫經秋

Nhân sinh tại thế nhược phù âu,

Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu.

Cảnh bức tương du tương hướng vãn,

Thân như bồ liễu tạm kinh thu.


(Người ta sinh ra ở đời cũng như bọt bể lênh đênh,

Sống lâu hay chết yểu là do trời, chớ cầu cạnh cầu thả.

Bóng ngả trên cây dâu, cây du, chiều đã sắp muộn,

Thân người như cây cỏ bồ, cây liễu, tạm qua mùa thu.)


Bài thơ thiết lập quan hệ tương đồng giữa hệ đối vị “nhân - thân - thế” và “phù âu - bồ liễu - thu”:

thế

nhân

-

phù âu

thu

||

-

||

thân

-

bồ liễu

Quan hệ giữa “thân” với “thế” cũng là quan hệ giữa “âu” và “thu” (có thể quan sát sự tương đồng về ngữ âm); “thân - thế” được nhìn qua “âu - thu”. Thân ở trong đời được hình dung như là bọt biển trôi nổi và nhỏ bé trong thế giới của mùa thu. Ta còn có thể thấy tác giả đặt “thế” với “thu” trong quan hệ tương đồng về ngữ âm; trong mô hình thế giới của Thái Tông, cuộc đời con người cũng chỉ như một mùa trong dòng thời gian vô tận của tạo hoá. Xét tiếp mối quan hệ giữa các vị từ mới thấy hết được phép đối chiếu tương đồng trong bài thơ. Trong câu đầu và câu cuối “sinh” tương đồng với “kinh”, “tại” tương đồng với “tạm” (có thể nhận ra quan hệ tương đồng của các cặp vị từ ở phương diện âm vị). Tác giả quan niệm rằng hành động sống (sinh) chỉ là hành động đi qua, trải qua (kinh) một cuộc hành trình ngắn ngủi như bọt bể nổi rồi tan; con người ở trên đời (tại) thực ra chỉ là ở trong trạng thái tạm bợ (tạm). 

Như vậy, nếu sắp xếp lại các ngữ đoạn trong câu 1 và đặt song song với câu 4, ta có hai câu thơ đăng đối rất chỉnh:

“Nhân nhược phù âu sinh tại thế,

Thân như bồ liễu tạm kinh thu.”

“Nhân” với “thân” là một, được so sánh như là “phù âu”, “bồ liễu” trong kiếp sống, phải lăn trải trong số mệnh của mình. Thái Tông viết: “Thọ yểu nhân thiên”, ý nói duyên trời đã sắp đặt, đã an bài nên không nên chấp vào cái “sinh”, cái “thọ” làm gì. Con người đến với đời là đến với cõi ở tạm rồi ra đi, nên đừng “vọng cầu” (mong cầu sai lạc) những cái vốn ở trong cõi tạm ấy. Chính vì quan niệm ấy mà đứng trước hiện thực “cảnh bức tương du tương hướng vãn”, tức là tuổi già đến, thân như chiều tà, con người không hề sợ hãi mà trái lại còn khẳng định một lần nữa quan niệm của mình.

Trong 6 bài vô thường kệ của Khoá hư lục, có đến 4 bài Thái Tông đối chiếu thân với thiên nhiên. Ông thường nói về thân trong quan hệ với mệnh, hoặc nói về mệnh như là số mệnh con người, trong cái nhìn tương chiếu với thiên nhiên. Chẳng hạn: Thân như băng kiến hiện/ Mệnh tự chúc đương phong” (Thân như băng gặp nắng trời/ Mệnh tựa ngọn đèn trước gió – Sơ nhật vô thường kệ). Trong trường hợp này hình ảnh thiên nhiên lại xác lập quan hệ tương phản, xung khắc với “thân - mệnh” một cách gián tiếp. Tác giả so sánh “thân như băng”, “mệnh tự chúc”; “băng” đối lập với “hiện”, “chúc” đối lập với “phong”. Hình ảnh nắng và gió trong quan hệ với thân và mệnh cho thấy sự hình dung của tác giả về quy luật của cõi hữu sinh hữu diệt. Thân và mệnh trong thế giới mang tính vô thường, cũng như băng cứng rồi sẽ tan, đèn sáng rồi sẽ tàn. Thiên nhiên có thể trường tồn cùng tuế nguyệt, gió vẫn thổi, nắng vẫn rọi, nhưng tấm thân thì không.

Quan hệ giữa thiên nhiên và con người cho phép ta rút ra một mệnh đề về quan niệm “thân” trong thơ thiền Lý - Trần, đó là “thân” cũng tuân theo những quy luật như thiên nhiên –Nhật xuất hoàn tương một/ Thân phù hựu phục trầm” (Mặt trời mọc rồi sẽ lặn/ Tấm thân nổi rồi lại chìm – Thử thời vô thường kệ - nhật một thì) – nhưng lại không tồn tại mãi như thiên nhiên. Người đời vì không thấu hiểu điều đó nên mải miết dành cả đời đi tìm những thứ phù du như chính “thân” mình:


Cam hỗn hoè trung nghị,

Phiên vi thuỷ thượng ngư.

Bất năng khan nguyệt khởi,

Duy ái luyến hoa cư.

Mê thất gia thiên lý,

Do tham thụy nhất dư.

Bất tri thân thị huyễn,

Mông muội quá cư chư.


(Đành chịu lẫn trong đám kiến cành hòe,

Hoặc trở thành con cá trên mặt nước.

Không biết xem trăng mọc, mà thức dậy,

Chỉ quyến luyến cùng hoa.

Lạc xa nhà nghìn dặm,

Còn tiếc giấc ngủ tàn.

Không biết tấm thân là hư ảo.

U mê qua ngày tháng ở chốn này.)


(Thử thời vô thường kệ - bán dạ thì)


Trong bài thơ trên, “thân” tương đồng với “hoa” và tương phản với “nguyệt”. “Khan nguyệt khởi” (nhìn trăng mà thức dậy) đối lập với “luyến hoa cư” (quyến luyến hoa mà ở lại): “khan” đối lập với “luyến” như là tâm tịnh - rỗng đối lập với tâm đầy chấp niệm (níu kéo những cái hư ảo, vô thường); “khởi” đối lập với “cư”, “thuỵ”, “tham” như là trạng thái vượt ra khỏi ràng buộc của mê hoặc, vọng niệm về “hoa”, thoát khỏi “ái luyến”, ham muốn. Xét về mặt chất liệu, điển tích “hoè trung nghị” (kiến cành hoè) gợi nhắc về giấc mộng Nam Kha – người sống trên đời như trải qua một giấc mộng, vinh hoa đều là hư ảo; về mặt hình thức, “hoè trung nghị” đặt trong quan hệ với “thuỷ thượng ngư” thể hiện cái nhìn của Thái Tông về kiếp người nhỏ bé, phù du giữa thế giới. “Nguyệt” trong quan hệ với “hoa” và “thân” là kí hiệu của sự đánh thức, công năng vực dậy nhận thức của con người. Con người đối chiếu “thân” với thiên nhiên giống như nhìn “thân” qua tấm gương phản chiếu sắc tướng của chính mình. Trong thơ thiền Lý - Trần, thiên nhiên là nơi con người phản tư, thấy hết mọi sai lạc mê lầm của mình: Mê thất gia thiên lý/ Do tham thụy nhất dưBất tri thân thị huyễn/ Mông muội quá cư chư”. Con người nhận thức được sự huyễn ảo của tấm thân qua quan sát, đối chiếu với thiên nhiên: “Huyễn khu tuy kiên bất túc ưu/ Khách vân tụ tánthuỷ phù bào (Tấm thân hư ảo dẫu vững chắc cũng chẳng đáng lo/ Như mây trôi khi hợp khi tan, như bọt nước nổi – Kí Phổ Tuệ tôn giả - II, Trần Anh Tông); biết “thân hư ảo” cũng “vững chắc” như quy luật thiên nhiên đổi thay không ngừng nên con người “bất túc ưu”.

Trần Thái Tông đã khái quát toàn bộ những điều ấy trong bài Thử thời vô thường kệ - trung nhật thì. Thiên nhiên đối với Thái Tông là ánh “hồi quang” để con người soi chiếu thân và tâm mình sao cho thân đạt được cuộc sống “như nhiên”, tâm tìm thấy tự tính:


Tận tham hủ mộc tẩm vưu thục,

Na tỉnh cao hòe ảnh dị di.

Thúc hốt hoa âm trùng phục đảo,

Tuấn tuần khuẩn mệnh thịnh hoàn suy.

Chư nhân hạp tảo hồi quang chiếu,

Tự khổ khu trì lược lộ kỳ.


(Hết thảy đều như cây gỗ mục quá ham giấc ngủ say sưa,

Nào biết bóng cây hòe đã chuyển dời.

Phút chốc bóng hoa lại nghiêng ngả,

Mệnh cây nấm tuần tự thịnh rồi suy.

Mọi người sao chẳng sớm đem ánh hồi quang, soi lại mình,

Mà tự khổ rong ruổi khắp mọi ngả đường.)


“Mệnh” trong “khuấn mệnh” không chỉ được hiểu như “mệnh” của nấm trong quan hệ song song với “hoa âm” (bóng của hoa) mà còn là “mệnh” của con người. Con người được so sánh với “hủ mộc” (gỗ mục) trong giấc ngủ say. Giấc ngủ của gỗ mục đối lập với sự nghiêng ngả của bóng hoa. Con người luôn rơi vào trạng thái ngủ mê trong thế giới vô thường không ngừng biến đổi trong chớp mắt (trùng phục đảothịnh hoàn suy).

 “Thân phù hựu phục trầm” - “khuẩn mệnh thịnh hoàn suy” trong thơ Trần Thái Tông thực ra là một mô hình thường gặp trong thơ thiền Lý - Trần khi tác giả đối chiếu con người với thiên nhiên về tính chất. Tính chất của các hình ảnh thiên nhiên hoặc con người đều được mô tả theo công thức:

A + từ mang nét nghĩa [+lặp lại] + Ā[1]

(A là tính chất; Ā là tính chất tương phản với A; A và Ā được liên kết bởi các từ phụchoànhựu, v.v…; A và Ā là hai mặt thống nhất).

Có thể tìm thấy ở thơ thiền Tuệ Trung Thượng Sĩ một số bài thơ sử dụng mô hình nói trên. Trong Khuyến thế tiến đạo, thời gian đời người được đối chiếu với thời gian tuần hoàn “xuân - thu”:


四序循環春復秋,

駸駸已老少年頭。

榮華肯顧一場夢,

歲月空懷萬斛愁。

Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu,

Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.

Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,

Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.


(Bốn mùa tuần hoàn, hết xuân lại thu.

Nhanh sầm sập, chả mấy chốc đã già mái đầu con trẻ.

Chẳng chịu ngoái nhìn vinh hoa như một giấc mộng.

Năm tháng luống mang vào lòng muôn hộc sầu.)


Nếu “xuân - thu” được đặt trong công thức tuần hoàn “xuân phục thu” thì “lão” và “thiếu niên” lại đi liền trực tiếp, tức là thời gian của hiện kiếp đã qua thì không quay trở lại. Trên phương diện thời gian, “tuần hoàn” là tính chất của thiên nhiên, “xâm xâm” (nhanh sầm sập) là tính chất của đời người. Trong quan hệ với mệnh của thiên nhiên, đời người ngắn ngủi vô cùng; vì vậy thấy xuân thu thay cho nhau nhưng đời người chỉ có một chiều sinh - lão - bệnh - tử. “Lão” không chỉ mà một trạng thái tĩnh, nó cho thấy sự thay thế một chiều duy nhất: “lão” thay cho “thiếu niên”, không bao giờ hoàn lại. Mãn Giác viết: “Lão tòng đầu thượng lai” (Cáo tật thị chúng). Ở cả hai bài thơ, “đầu” trong quan hệ với “lão” là kí hiệu của thân xác; thân xác đặt trong dòng thời gian là kí hiệu của nhân mệnh[2]. Trong dòng chảy hiện tồn của “tuế nguyệt”, vinh hoa và cả con người cũng như mộng ảo, một thoáng là biến mất đi. Con người ngoái nhìn vinh hoa tức là ngoái nhìn chính cái “vọng niệm” của mình về cuộc đời.

Thiên nhiên được đối chiếu với cả thân (thân xác) và tâm của con người: Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh/ Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng” (Thân như gương ảo, nghiệp như bóng/ Tâm như gió mát, tính như cỏ bồng – Vạn sự quy như, Tuệ Trung). Từ cấu trúc song song theo chiều dọc, có thể thấy thân xác và tâm hồn không rời khỏi nhau. “Thân” và “nghiệp” (tức là hành động của con người trên cõi đời) không tách rời nhau như gương và bóng hình trong gương; “nghiệp” của con người là ảnh phản chiếu của “thân” và chúng đều là hư huyễn. “Tâm” và “tính” thì được hình dung qua hai hình ảnh “phong” và “bồng”; “tâm” con người với bản thể, tự tính là một (chú ý sự gần gũi về ngữ âm giữa “phong” và “bồng”), không ở ngoài nhau, tâm chứa bản tính, tính ở trong tâm, cũng như nhờ có cỏ bồng lay mới thấy được gió. Người ta cứ tìm tự tính ở một cõi xa xôi nhưng không biết rằng tâm con người rất gần với tự tính: “Tự nhân tầm ảnh nhi vong kính/ Khởi tri ảnh hiện kính trung lai”(Giống như người tìm bóng quên gương/ Nào có biết bóng từ trong gương mà ra – Phật tâm ca, Tuệ Trung). Thiên nhiên lại chính là tấm gương để con người soi vào đó, thấy được thân - tâm của mình.

Con người qua cái nhìn tương chiếu với thiên nhiên không chỉ thể hiện quan niệm về sự hư huyễn của tấm thân, vô thường của nhân sinh trong so sánh với cái đổi thay mà vẫn trường tồn – thiên nhiên. Trong thơ thiền, nhà thơ còn đối chiếu “thân” với thiên nhiên theo hai trạng thái: “thân nhàn” (tấm thân nhàn nhã” và “thân vong” (tấm thân đã mất, đã bị quên đi). “Nhàn thân” hay “vong thân” đều là hai trạng thái của con người đã giác ngộ, đã dung hoà với thiên nhiên, đã tồn tại một cách “như nhiên”. Thiên nhiên trong những trường hợp này không mang tính chất xung khắc với thân như là tín hiệu của sự phản tư ở con người; trái lại, thiên nhiên dung hoà với thân - tâm của con người ở trong thơ, biểu hiện trạng thái ngộ đạo:


萬緣截斷一身閒,

四十餘年夢幻間。

珍重諸人休借問,

那邊風月更還寬。

Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.


(Cắt đứt vạn duyên, một thân nhàn hạ,

Hơn bốn chục năm qua chỉ là trong ảo mộng.

Trân trọng nhắn mọi người đừng gạn hỏi,

Trăng gió ở thế giới bên kia lại càng mênh mông.)


(Thị tịch, Pháp Loa)


“Nhất thân nhàn” là trạng thái tương phản với “vạn duyên tiệt đoạn”; “nhàn” trong quan niệm của thiền sư chỉ có được khi cắt đứt hết mọi duyên – một phạm trù Thiền học về quy luật của thế giới: mọi thứ đều do duyên chi phối, sinh ra khi duyên sinh, mất đi khi duyên diệt, duyên là thứ vô thường nên vạt vật từ đó vô thường. Trong bài thơ, “duyên” nằm trong quan hệ với “niên”, xác lập sự tương đồng: năm tháng đời người cũng chính là dòng chảy của duyên, cho nên “tứ thập dư niên” tưởng là lâu dài nhưng thật ra chỉ như giấc mộng. “Thân nhàn” ở câu đầu được đối chiếu với “phong nguyệt” (gió trăng) trong quan hệ hoà hợp về ý nghĩa. Cõi chết (na biên) trong cái nhìn của thiền sư cũng có trăng và gió, không khác gì cõi sống; cho nên “thân nhàn” nên làm bạn được với “phong nguyệt” ở cõi bên kia, hoà vào với cái mênh mông của cõi ấy (“nhàn” và “khoan” ở vị trí gieo vần). “Phong nguyệt” đối với người đạt đạo chính là bản thể của thế giới, nên dù ở cõi này hay cõi khác, chúng vẫn cứ “như nhiên”.

Nhà nho Chu Văn An cũng viết về “nhàn thân” trong cảm quan thiền. “Thân” được đặt vào quan hệ với mây và gió: Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh/ Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình”(Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp nam bắc/ Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời – Thôn Nam sơn tiểu khệ). Dòng thơ đầu tiên có sự đối xứng giữa “nhàn” với “khinh”, giữa “thân” với “vân”. Trạng thái “nhàn” của thể xác được so sánh với cái nhẹ (khinh) của đám mây trời phiêu bồng trên bầu không từ nam chí bắc, không có gì ràng buộc. “Nhàn” trong quan niệm của người hiểu thiền không đơn thuần là rỗi rãi mà chính là không chấp trước điều gì; nói cách khác, “nhàn thân” chính là “nhàn tâm”, tâm con người đã ở ngoài thế sự (thế ngoại tình). Sự tương đồng về vần giữa “thân” và “vân” cho thấy “vân” trong bài thơ biểu trưng cho thân xác và tâm hồn của người đạt đạo. “Vân” được liên tưởng đến “thanh phong”, đều là những hình ảnh mang nét nghĩa tự do, tiêu diêu, đều là những trạng thái mà con người muốn đạt đến. Tự thân thiên nhiên qua sự đối chiếu với phạm trù thân xác chính là biểu hiện của “Phật giới thanh u” mà lòng người muốn tìm đến.

Bên cạnh trạng thái “nhàn thân” (con người nhàn) còn có trạng thái “vong thân” (con người quên). Huyền Quang trong bài thơ tả hoa cúc đã “vong” hết tất cả để đến ở cùng thiên nhiên:


忘身忘世已都忘,

坐久蕭然一榻涼。

歲晚山中無歷日,

菊花開處即重陽。

Vong thân, vong thế, dĩ đô vong,

Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.


(Quên mình, quên đời, đã quên tất cả,

Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.

Cuối năm ở trong núi không có lịch,

Thấy cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương.)


(Cúc hoa - III)


Ba trạng thái “vong” nối tiếp nhau trong câu 1 cho thấy tinh thần “tiệt đoạn” mà sư Pháp Loa trước khi tịch đã chân truyền cho các đồ đệ, đó là tinh thần cắt đứt tất cả mọi ý niệm về thân thế, về vạn sự trong đời, cũng có nghĩa là quên đi hết. “Thân” trong quan hệ với “thế” chính là kí hiệu của con người, của cái tự ngã mà người phàm ai cũng đều có. Từ thân đến đời đến tất cả mọi thứ trong phút chốc đã biến mất sạch trong nhận thức của người tu thiền. Con đường tu đạo đúng đắn được hình dung qua hình ảnh con người không nhận biết thế giới bằng thời gian nhân thế (vô lịch nhật) mà bằng thời gian tự nhiên (cúc hoa khai xứ); về logic tự nhiên chỉ có một dòng thời gian duy nhất nhưng hành động “dĩ đô vong” cho thấy con người đã không màng đến thế giới sắc tướng, từ bỏ con đường của “thức” (xem ngày tháng qua lịch, qua một công cụ, thay vì nhận thức trực tiếp thời gian) để hoà mình vào núi non (sơn trung), nhìn thẳng vào thế giới để nhận thức thế giới (vì vận động của thiên nhiên – “cúc hoa khai” – chính là vận động của thời gian). Trạng thái “vong” của con người cũng chính là tính chất “như nhiên” của tạo vật. “Vong” để trở về với bản nguyên.


2. “Thân” được đối chiếu với thiên nhiên về vị thế. Tư duy “thiên nhân tương dữ” được thể hiện rõ qua kiểu mô hình này.

Bài thơ Vân tiêu am của Trần Anh Tông là bài thơ độc đáo, thể hiện cảnh con người và thiên nhiên làm bạn với nhau. “Học Phật giả” đối chiếu thiên nhiên với chính mình, nhận thức được vị thế của mình trong thế giới:


絕峰更有學佛者,

清風明月相蒍鄰。

清風匝地無休歇,

明月當空皦冰雪。

此風此月與此人,

合成天下三奇絕。

Tuyệt phong cánh hữu học Phật giả,

Thanh phong minh nguyệt tương vi lân.

Thanh phong táp địa vô hưu yết,

Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết.

Thử phong, thử nguyệt dữ thử nhân,

Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.


(Trên đỉnh tột vời lại có người học đạo Phật,

Cùng kết bạn xóm giềng với gió mát trăng trong.

Gió mát thổi quanh mặt đất không lúc nào ngừng,

Trăng trong lơ lửng trên không sáng như băng tuyết.

Gió ấy, trăng ấy, với người ấy.

Hợp thành ba tứ kỳ tuyệt trong thiên hạ.)


“Tương”, “dữ” và “hợp” là các nhãn tự thể hiện ý nghĩa cốt lõi của bài thơ, chúng nối kết và giao hoà nhiên giới với con người: “thanh phong”, “minh nguyệt” và “học Phật giả” được đặt vào quan hệ “tương vi lân” (làm bạn với nhau); “phong”, “nguyệt” và “nhân” nằm trong quan hệ đồng hiện, hô ứng (“thử… thử… dữ thử…”). Có thể thấy sự gắn kết giữa “phong”, “nguyệt”, “nhân” là sự tương thông, hoà hợp của “tam tài” (thiên - địa - nhân): “phong” liên kết với “địa” (đất), “nguyệt” liên kết với “không” (trời). Con người hoà nhập một thể với trời đất, trở thành “thiên hạ tam kì tuyệt”. Vị thế của con người đại giác, con người tìm được Phật tính ngang hàng với thiên nhiên, hoà nhập cùng vũ trụ. Tư thế “tuyệt phong cánh hữu học Phật giả” có thể liên tưởng đến hành động “hữu thì trực thướng cô phong đỉnh” (Ngôn hoài, Dương Không Lộ). Đỉnh núi đơn độc, vươn lên cao là nơi con người chỉ đối diện với ánh trăng vằng vặc và ngọn gió thổi lên từ mặt đất, thể hiện sự tự do tuyệt cùng.

Các hình ảnh thiên nhiên “vân - sơn - trúc lâm - điểu” được đặt vào quan hệ “thân” - “bạn” với thiền tăng tu hành gợi ra quan niệm “hoà quang đồng trần” của Thiền đạo: “Vân tự thanh sơn sơn tự vân/ Vân sơn trường dữ lão tăng thân” (Mây giống núi xanh, núi xanh giống mây/ Mây và núi mãi mãi gần gũi với sư già – Đề Đông Sơn tự, Trần Minh Tông), Trúc lâm đa túc điểu/ Quá bán bạn nhàn tăng (Rừng trúc nhiều chim đậu/ Quá nửa làm bạn với nhà sư thanh nhàn – Yên Sơn am tử cư, Huyền Quang). Ở bài Đề Đông Sơn tự, chữ “dữ” làm tâm đối xứng của câu thơ: “vân - thân”, “sơn - tăng”, “trường - lão” đối xứng nhau, tương đồng về ngữ âm hoặc từ loại. “Lão” trong các bài thơ thiền khác thường mang màu sắc của sự chảy trôi mà dòng đời ám lên thân xác con người (Cáo tật thị chúngThử thời vô thường kệ - nhật một thìKhuyến thế tiến đạoTrữ từ tự cảnh vănSơn phòng mạn hứng - I), nhưng trong bài thơ này cái “lão” của con người tương đồng với cái “trường” của mây núi. Dưới cái nhìn đối chiếu với thiên nhiên, con người tu thiền đến cảnh giới “nhàn”, ở giữa thiên nhiên đã không còn khác biệt với vạn vật trong thiên nhiên.


Thông qua sự đối chiếu giữa “thân” và thiên nhiên trong thơ thiền, con người trong thơ thiền được hình dung trong tương quan với thiên nhiên. Sự biểu đạt những tính chất của thiên nhiên cũng chính là sự biểu đạt về con người. Nói cách khác, con người dường như nhập vào thiên nhiên, thiên nhiên trở thành con người, cả hai đối tượng đồng hiện và cùng vận động trong thế giới nghệ thuật của bài thơ. 


------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Văn học. (1977). Thơ văn Lý - Trần, tập I. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

2. Viện Văn học. (1978). Thơ văn Lý - Trần, tập III. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

3. Viện Văn học. (1988). Thơ văn Lý - Trần, tập II (quyển thượng). Hà Nội: Khoa học Xã hội.


1      Trong một số trường hợp chỉ có A đi liền với Ā: “Khách vân tụ (A) tán (Ā), thuỷ phù (A) bào (Ā)” (Trần Anh Tông) hoặc trật tự của công thức thay đổi: “Như vân hoàn [+lặp lạitụ (A) tán (Ā)” (Âu Đạo Huệ).

2      Qua nhiều ví dụ đã được chúng tôi phân tích, có thể thấy các nhà thơ thiền Lý - Trần tư duy chung một lối về toàn bộ thế giới. Với họ, vạn vật đều có thể được hình dung trong hệ quy chiếu thời gian, mọi vận động trong thế giới thiên nhiên và cả con người chẳng qua là sự hiện thực hoá vận động của thời gian.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến