INCEPTION

Chúng ta chẳng hề nhớ một ít gì về sự khởi đầu của mình mình, thậm chí chúng ta không biết về nó nếu không có ai gợi nhắc. Điều này không hiện diện chỉ để ta thỏ thẻ vào tai của những kẻ mất trí nhớ. Cho dù chúng ta có tự tin cùng nhau về những gì mình đang trải qua, thì việc quên bẵng đi sự khởi đầu là một hiện thực nghiệt ngã với toàn thể những kẻ đang tồn tại. Cuối cùng, đọng lại thì vẫn là câu hỏi ấy : "Tôi biết gì ?"

Que sais-je?



Chúng ta xông trực diện vào không - thời gian một cách khó đoán biết, như cách một người xa lạ chen vào giữa một hàng người đứng dọc trên con đường vậy. Cái hàng lối dài miên man ấy là một chuỗi hằng hà sa số những sinh thể đã chiếm lấy một vị trí cho riêng mình trong vũ trụ và một khoảng thời gian mà ta luôn gọi là đời người. Chúng ta thường nói "đây là cuộc sống của tôi", như thể đó là thể sở hữu, là cái mặc nhiên trở thành dấu hiệu định vị mỗi cá thể. Dòng người chen nhau để tuần tự dẫm chân mình xuống con đường đầy cỏ dại, để cho dấu chân của họ lún sâu xuống đất tơi. Người ta cảm thấy đau đớn và nghịch cảnh bất tận sinh ra từ nỗ lực in vết chính vì mình luôn được mách bảo rằng đất tơi, cỏ dại và nỗ lực từ kẻ khác sẽ xoá sạch đi dấu vết đó. Có lẽ mọi con đường luôn thật hẹp để in đủ mọi vết chân mà vết nào cũng toàn vẹn. Người ta tham lam quá chừng khi chỉ đến với cõi đời một cách tạm bợ.

Chúng ta đi vào cõi đời rồi biến mất, chúng ta biết nhiều thật, và chúng ta có tiềm thức về nó. Nhưng sự bắt đầu không bị cai quản bởi kí ức. Ta vẫn ý thức rằng mình đã được sinh ra tại một thời điểm, và hẳn là nằm trong giấy căn cước.

Con người đã có sự khởi sinh
Tôi là con người 
Vậy tôi có khởi sinh

Nhưng chính mình lại không tìm ra được sự bắt đầu, nó vùi mình sâu thẳm dưới những vỉa tầng của tiềm thức, nó tỏ ra quá sức để với tới và thật bất lực để ta có thể lôi kéo trở lên. Ít ai dừng lại tìm hiểu về sự khởi đầu; nó trở nên dư thừa và xa lạ. Người ta chỉ có thể tái hiện nó bằng hình chiếu từ hiện tại. Đôi khi trong đầu ta bật ra hình ảnh giây phút mình chào đời, có hình ảnh của cha mẹ, người thân và bác sĩ nhưng không hẳn đó thực sự là họ. Họ là hình chiếu từ những người ta quan sát từ thực tại của mình, hằng ngày. Khuôn mặt của đứa trẻ trên tay bắc sĩ kia, ta cố gắng thuyết phục mình đó là chính mình. Ta cố gắng cấy cái ý tưởng đó vào tiềm thức, và sau đó ta tin nó là sự thật về khởi sinh của mình. Chúng ta đã chen vào cõi người như đi vào giấc mộng dài. Khi mơ, không ai nhớ mình từ đâu đến thế giới này cả. Cảm giác trong mơ cho chúng ta thoả mãn rằng đó là thực tại, và càng mơ sâu thì người ta càng thuyết phục mình về điều đó. Đến khi có một cú hích, cái cảm giác ngã phịch xuống giường, từ nhẹ tênh trở thành nặng nề, người ta thoát khỏi giấc mơ, đến lúc đó mới biết rắp rắp những điều vừa rồi là mơ cả, chỉ tạm đến đó sống. Cả giấc mộng thâu lại chỉ bằng chốc lát người ta thiếp đi trên giường. Cuộc sống của mình ngỡ là rất dài, rất dài.

Người ta không chăm chú vào thời điểm một con vụ rời khỏi hai ngón tay và bắt đầu quay, người ta chỉ dán ánh nhìn vào nó đang quay mòng mòng và lại buồn bã khi nó lảo đảo rồi dừng lại hoàn toàn. Nhưng đến một lúc nào đó, người ta phải vui mừng khi nó ngừng lại. Nếu một con vụ xoay tít mãi mà không đổ, nó đang ở trong cõi mộng.

(Xem Inception, 2010, Christopher Nolan viết kịch bản)

SG 3/2/17

Nhận xét

Bài đăng phổ biến