MẤY LỜI TẢN MẠN VỀ TIỂU THUYẾT DANS LE CAFÉ DE LA JEUNESSE PERDUE (Ở QUÁN CÀ PHÊ CỦA TUỔI TRẺ LẠC LỐI)
Tôi đương viết cho những người có ý định thưởng thức một trong những tiểu thuyết hay nhất của Patrick Modiano - nó dẫn dắt ta bước xuống những khoang hầm sâu hoắm của tư tưởng nghệ thuật Modiano; nó mang mùi hương xa lạ lẫn thân quen, khi thì đậm đặc như rượu nơi đáy li, lúc thì loang loãng như nước trên bề mặt.
Kết cấu của tiểu thuyết này là bốn lời kể riêng biệt của bốn con người về một người duy nhất tên là Jacqueline Delanque với cái phụ danh Louki; chính vì vậy mà câu chuyện là bốn mảng khác nhau tạo thành một bức hoạ buồn, bốn giọng điệu khác nhau cùng vang lên trong một tiếng thở sườn sượt.
Patrick Modiano xây dựng một cốt truyện có vẻ đơn điệu nhưng nó lại gợi ra nhiều vấn đề mà thoạt nghe giống như mấy ý niệm huyền hồ không chút ám ảnh. Patrick Modiano lưu tâm đến những góc khuất ẩn nấp trong chuỗi năm tháng trẻ tuổi mà ai cũng từng trải: sự mơ hồ về phương hướng sống, niềm u hoài vì bị ám ảnh bởi ẩn ức, nỗi bất lực để giải thoát bản thân khỏi tình trạng “lạc lối” mà tác giả đã gọi tên và diễn tả được.
Hoạ hoằn mới có ai nghĩ ra một bối cảnh Paris những năm hậu thế chiến II với một quán cà phê Le Condé của những “tuổi trẻ lạc lối”. Không gian trong truyện trải rộng khắp Paris: từ đại lộ Saint-Germain đến khu Moulin Rouge, Neuilly-sur-Seine… Người ta mê văn chương Modiano bởi cái chất Paris không hoa lệ mà trái lại rất âm bản, nhiều buồn bã và ảm đạm. Đọc tiểu thuyết, có trăm địa danh và địa chỉ được đề cập nhưng hết thảy dùng để tạo nên không khí xa cách, rối rắm, tứ tung trong đó con người thì không cố định.
Quán Le Condé có mùi khói thuốc cay hăng, có mùi rượu nồng chếnh choáng, có những cái tên lạnh lùng của những người phải dừng lại “ở lưng chừng cuộc đời thực sống”. Patrick vẽ lại chân dung của tuổi trẻ mang những vết thương rỉ máu mà quá khứ để lại, cô đơn vì bị người thân yêu bỏ rơi, lạc lõng khi băng qua những bức tường rêu phủ, những con phố dài ngoằng. Có kẻ tự làm khuây mình bằng những chất đê mê; có kẻ tự giải thoát mình bằng một cú rơi tự do. Jacqueline sống trong “tấm màn u sầu” che mờ danh tính và tự gặm nhấm nỗi bi đát khi bị ruồng bỏ. Nàng hoá thành một Louki, cố vùng vẫy để quên lãng quá khứ, sống như một kẻ đã mất đi những chân trời.
Modiano gắn câu chuyện của nàng Jacqueline với triết lý “trôi dạt” của Guy Debord và triết lý “quy hồi vĩnh cửu” của Nietzsche. Mọi bóng ma đều bị hút về điểm mốc Le Condé và họ cũng hút lẫn nhau. Tất cả gặp nhau rồi lại rời đi, lãng du từ những căn phòng u tối đến bờ sông Seine, từ những giao lộ đến những quảng trường vắng, rồi lại trở về mốc… Đó là một đám đông cô đơn tồn tại bằng cách cùng tồn tại. Không gì tạo được cho họ động lực để thay đổi cuộc đời, ngay cả tình yêu mãnh liệt của trai gái.
Tôi vốn không có tham vọng giảng giải toàn bộ tiểu thuyết. Bởi lẽ tiểu thuyết của Modiano mênh mông hơn những lời tản mạn vụn vặt này; tinh thần và tư tưởng của Modiano sâu xa hơn những dòng cảm thụ ngẫu hứng này biết bao.
Lần đầu đọc tiểu thuyết, ấn tượng không thể tả hết. Cái cảm giác tù túng không thoát khỏi trang sách cứ bám lấy tâm trí; cảm giác cô đơn lẩn quẩn cứ đi lại trong đầu. Tôi chưa bao giờ thấy Paris cuốn hút như thế. Paris trống rỗng không ồn ã. Bước ra khỏi phòng đọc và xuống đường, khi trời chập tối, tôi có cảm giác mình đứng giữa giao lộ u tối nơi có quán Le Condé và đâu đó bên kia đường có bóng dáng lang thang của cô gái với linh hồn chết mang tên Jacqueline Delanque.
* Jeunesse trong tiếng Pháp mang nghĩa “tuổi trẻ” và là giống cái. Trùng hợp thay (hay là hữu ý?), tiểu thuyết kể về một cô gái tuổi hai mươi. Chẳng phải tiêu đề bản ngữ đã nói được phần nào nội dung sao?
SG 27/10/18
Nhận xét
Đăng nhận xét