TẠI SAO NÊN HỌC KÍ HIỆU HỌC? (DANIEL CHANDLER)
TẠI SAO NÊN HỌC
KÍ HIỆU HỌC?
*Trích dịch Mở đầu (Introduction) trong « Daniel Chandler. (2002) [2007]. Semiotics:
the Basics. 2nd edition. London: Routledge ». Đầu đề do người dịch chọn.
Nếu bạn đi vào một hiệu sách và hỏi nhân viên bán hàng chỗ tìm một quyển
sách về kí hiệu học, rất có thể bạn sẽ bắt gặp một cái nhìn ngây dại. Thậm chí
tệ hơn, bạn có thể bị yêu cầu phải giải thích kí hiệu học là gì – việc này có thể hơi khó nếu bạn đang muốn tìm một
quyển sách chỉ dẫn người mới tìm hiểu. Tình hình còn tệ hơn nữa nếu bạn có biết
chút ít về kí hiệu học, bởi khó để đưa ra một định nghĩa giản đơn mà hữu dụng khi
ở trong hiệu sách. Nếu bạn đã từng ở vào một tình huống như thế, bạn sẽ đồng ý
rằng thật khôn ngoan khi không hỏi gì. Kí
hiệu học có thể ở bất cứ đâu. Định nghĩa ngắn nhất về nó chính là ngành nghiên cứu về các kí hiệu. Nhưng định
nghĩa này không giúp người hỏi hiểu sâu hơn. “Kí hiệu là gì?”, người ta thường
hỏi tiếp như vậy. Những dạng thức của kí hiệu có thể lập tức ập vào trí óc ta
chính là những gì hằng ngày ta nhắc đến như là “những kí hiệu” trong đời thường,
chẳng hạn những kí hiệu đường xá, kí hiệu tiệm quán, kí hiệu ngôi sao. Nếu như
bạn đồng ý với mọi người xung quanh rằng kí hiệu học có thể bao gồm việc nghiên
cứu những thứ ở trên và nhiều hơn, họ có lẽ sẽ cho là kí hiệu học nói về “các
kí hiệu thị giác”. Bạn có thể củng cố phán đoán của họ nếu bạn nói rằng các kí
hiệu có thể là những bản vẽ, những bức tranh và những bức ảnh, và bấy giờ thì họ
đã kiên định đưa bạn đến những địa hạt của mĩ thuật và nhiếp ảnh. Nhưng nếu bạn
phớt lờ và nói với họ rằng các kí hiệu bao gồm cả những từ, những âm và cả
“ngôn ngữ cơ thể”, họ có khi tự hỏi một cách có lí rằng tất cả những thứ ấy thì
có điểm gì chung và làm thế nào một người có thể nghiên cứu những hiện tượng
khác hẳn nhau như vậy. Nếu bạn đi xa hơn trong vấn đề này, chắc hẳn họ đã “đọc
các kí hiệu” rồi và việc này có nghĩa là hoặc bạn lập dị hoặc bạn điên rồ và cuộc
giao tiếp có thể đã chấm dứt.
CÁC
ĐỊNH NGHĨA VỀ KÍ HIỆU VÀ KÍ HIỆU HỌC
Ngoài định nghĩa cơ bản nhất về kí hiệu học như là “ngành nghiên cứu các
kí hiệu”, có một sự khác biệt đáng kể giữa những nhà kí hiệu học chủ chốt về những
vấn đề mà kí hiệu học bao hàm. Một trong những định nghĩa rộng nhất được đưa ra
bởi Umberto Eco, người cho rằng “kí hiệu học liên quan đến tất cả những gì có
thể được xem là kí hiệu” (Eco 1976, 7). Kí hiệu học bao trùm lĩnh vực nghiên cứu
không những về những cái chúng ta xem như “các kí hiệu” trong nói năng thường
ngày, mà còn về bất cứ cái gì “đại diện”
cho một cái gì khác nó. Từ giác độ kí hiệu học, các kí hiệu tồn tại ở dạng
từ [word], âm [sound], cử chỉ [gesture] và sự vật [object]. Những nhà kí hiệu học
đương đại không nghiên cứu các kí hiệu một cách riêng lẻ mà xem xét chúng như bộ
phận của “các hệ thống kí hiệu” kí hiệu học (chẳng hạn một phương tiện hoặc một
thể loại). Họ nghiên cứu vấn đề ý nghĩa [meaning] được tạo ra như thế nào và thực
tại được trình hiện [represent] như thế nào.
Các lí thuyết về kí hiệu (hay “biểu hiệu” [symbol]) xuất
hiện xuyên suốt lịch sử của triết học từ thời cổ đại trở về sau (xem Todorov
1982), mà lần đầu tiên kí hiệu học được nhắc đến rõ ràng như một nhánh của triết
học trong Luận về sự hiểu biết của con
người của John Locke (1690). Tuy nhiên, hai truyền thống cơ sở của kí hiệu
học đương đại bắt nguồn riêng biệt từ nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sĩ Ferdinand de
Saussure (1857 - 1913) và triết gia Mỹ Charles Sander Peirce (phát âm như “purse”)
(1839 - 1914). Thuật ngữ sémiologie của
Saussure xuất hiện trong một bản thảo vào năm 1984. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của ông, xuất bản lần đầu vào năm
1916 sau khi ông mất, có một đoạn tuyên bố rằng:
… Có khả năng hình thành một ngành khoa học
nghiên cứu vai trò của các kí hiệu như một phần của đời sống xã hội. Nó sẽ là một
bộ phận của tâm lí học xã hội, và do đó, của tâm lí học đại cương. Chúng tôi sẽ
gọi nó là kí hiệu học [sémiologie]
(do từ Hi Lạp sēmeîon, “kí hiệu”). Nó
sẽ tìm hiểu bản chất của các kí hiệu và những quy luật mà chúng tuân thủ. Bởi
vì hiện nay nó chưa tồn tại, nên không ai có thể nói chắc chắn rằng nó ra sao.
Nhưng ngành nghiên cứu này có quyền tồn tại, vị trí của nó đã sẵn sàng từ trước.
Ngôn ngữ học chỉ là một nhánh của ngành khoa học tổng quát này. Những quy luật
mà kí hiệu học khám phá sẽ có thể ứng dụng được vào ngôn ngữ học, và ngôn ngữ học
vì thế sẽ được ấn định với một lĩnh vực được xác định rõ trong phạm vi tri thức
nhân loại.
(Saussure 1983, 15-16)
Trong khi đối với nhà ngôn ngữ học Saussure “kí hiệu học”
là “một ngành khoa học nghiên cứu vai trò của các kí hiệu như một phần của đời
sống xã hội”, thì đối với triết gia Charles Peirce lĩnh vực nghiên cứu của cái
mà ông gọi là semeiotic (hay
“semiotic”) chính là cái “học thuyết hình thức về các kí hiệu”, có liên hệ gần
gũi với logic (Peirce 1931-58, 2.227). Nghiên cứu một cách khá độc lập với
Saussure ở phía bên kia Đại Tây Dương, Peirce vay mượn thuật ngữ từ Locke, khẳng
định rằng:
Logic, trong ý nghĩa khái quát của nó,… chỉ là một
cái tên khác của kí hiệu học (sémeötiké), một học thuyết hầu như thiết yếu, có
tính hình thức, về các kí hiệu. Bằng việc mô tả học thuyết này như là cái “hầu
như thiết yếu”, có tính hình thức, tôi muốn nói rằng chúng ta nhìn nhận những đặc
tính của các kí hiệu này như chúng ta biết,… và bằng một quá trình mà tôi sẽ
không phản đối việc gọi nó là sự trừu tượng, chúng ta được dẫn đến những phát
ngôn, có thể sai lầm cao độ, và vì vậy theo một nghĩa nào đó chẳng thiết yếu
chút nào, đối với những gì phải là đặc tính của mọi kí hiệu được sử dụng bởi một
trí óc “khoa học”, tức là, bằng một trí óc có khả năng nghiên cứu qua chứng
nghiệm.
(Peirce 1931-58, 2.227)
Peirce và Saussure được công nhận rộng rãi là đồng
sáng lập ra cái mà mà ngày nay chúng ta đều biết là kí hiệu học. Họ đã xây nên
hai truyền thống lí thuyết chủ đạo. Thuật ngữ “semiology” của Saussure đôi khi
được dùng để chỉ truyền thống của Saussure trong khi thuật ngữ “semiotics” đôi
khi đề cập đến truyền thống của Peirce. Tuy nhiên, ngày nay thuật ngữ
“semiotics” được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tổng loại bao trùm toàn bộ
lĩnh vực (Nöth 1990, 14). Chúng tôi sẽ khái lược và thảo luận cả hai mô hình của
kí hiệu theo truyền thống Saussure và Peirce trong chương tiếp theo.
Một vài nhà phê bình đã vận dụng định nghĩa của
Charles W. Morris về kí hiệu học (một biến thể rút gọn từ định nghĩa của
Saussure) như là “khoa học về các kí hiệu” (Morris 1938, 1-2). Thuật ngữ “khoa
học” gây hiểu nhầm. Cho đến nay, kí hiệu học không bao hàm bất cứ giả định lí
thuyết, mô hình hay phương pháp luận thường nghiệm [empirical] nào được ủng hộ đông
đảo. Kí hiệu học nhắm đến tính chất lí thuyết rộng, với những lí thuyết gia tìm
tòi để đưa ra những nguyên lí phổ quát. Chẳng hạn, cả Peirce và Saussure đều
lưu tâm đến một định nghĩa cơ bản về kí hiệu. Nhiều nhà kí hiệu học đi sau đã cố
gắng nhận diện và phân loại các mã hay các quy ước mà theo đó các kí hiệu được
tổ chức. Rõ ràng cần phải xác lập một nền tảng lí thuyết vững chắc cho một
ngành mà hiện nay đặc thù bởi một loạt các giả định lí thuyết gây tranh cãi. Về
các phương pháp luận, các lí thuyết của Saussure chính là xuất phát điểm cho sự
phát triển của nhiều phương pháp luận cấu trúc chủ nghĩa áp dụng vào việc phân
tích văn bản và các thực hành xã hội [social practice]. Đối với Roman Jakobson,
kí hiệu học “giải quyết những vấn đề về những nguyên lí chung làm cơ sở cho cấu
trúc của mọi kí hiệu và về tính chất của việc sử dụng kí hiệu trong thông báo
[message], cũng như về những đặc trưng của các hệ thống kí hiệu khác nhau và của
các thông báo đa dạng có sử dụng nhiều loại kí hiệu khác nhau” (Jakovson 1968,
698). Những phương pháp của cấu trúc luận đã được áp dụng rất phổ biến trong việc
phân tích nhiều hiện tượng văn hoá. Tuy nhiên, chúng không được chấp nhận hoàn
toàn: những lí thuyết gia theo định hướng xã hội đã chỉ trích tính duy cấu trúc
của chúng, và cho đến nay chưa có bất kì phương pháp luận có thể thay thế nào
được áp dụng phổ biến.
Kí hiệu học không được thể chế hoá rộng rãi như một
ngành học (mặc dù nó có sở hữu những tổ chức, những hội nghị, những bài báo, và
nó tồn tại như một khoa ở nhiều trường đại học). Nó là một lĩnh vực nghiên cứu
bao hàm nhiều lập trường lí thuyết khác nhau và nhiều công cụ mang tính phương
pháp luận. Mặc dù có một vài “nhà kí hiệu học” tự xưng, liên đới với kí hiệu học
chính là những nhà ngôn ngữ học, những triết gia, những nhà xã hội học, nhân chủng
học, những lí thuyết gia văn học, mĩ học và truyền thông, những nhà phân tâm học
và giáo dục học.
KÍ
HIỆU HỌC TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI NGÔN NGỮ HỌC
Cuốn sách này tập trung vào kí hiệu học cấu trúc luận (và những phản biện
về nó của hậu cấu trúc luận). Sẽ khó để tách kí hiệu học châu Âu ra khỏi cấu
trúc luận trong nguồn gốc của nó. Ngôn ngữ học cấu trúc bắt nguồn chủ yếu từ
Saussure, Hjemslev và Jakobson. Jakobson chính là người đặt ra thuật ngữ “cấu
trúc luận” vào năm 199 (Jakobson 1990, 6). Cấu trúc luận là một phương pháp
phân tích bao hàm việc ứng dụng mô hình ngôn ngữ học vào một phạm vi của các hiện
tượng xã hội rộng hơn. Jakobson viết rằng “Ngôn ngữ là… một hệ thống mang tính
kí hiệu thuần tuý… Tuy nhiên, ngành nghiên cứu các kí hiệu… phải suy xét đến những
cấu trúc mang tính kí hiệu cũng được ứng dụng, ví dụ, kiến trúc, may mặc, ẩm thực…
bất cứ công trình xây dựng nào trong một chừng mực là chỗ trú ẩn và đồng thời
cũng là một loại thông báo nhất định. Tương tự, một bộ quần áo bất kì dứt khoát
đáp ứng những nhu cầu về tiện lợi và đồng thời cũng biểu lộ những tính chất kí
hiệu” (1986, 703). Ông đã nhận diện “các chức năng chủ yếu của ngôn ngữ” (xem
chương 6) và lập luận rằng điều này sẽ đưa đến “một ngành nghiên cứu về những hệ
thống mang tính kí hiệu khác” (sđd.). Các nhà cấu trúc luận tìm kiếm “những cấu
trúc tiềm ẩn” nằm bên dưới “những yếu tố bề mặt” của hệ thống kí hiệu:
Lévi-Strauss với huyền thoại [myth], những nguyên tắc của quan hệ họ hàng
[kinship rules] và totem giáo [totemism]; Lacan với vô thức [unconscious];
Barthes và Greimas với “ngữ pháp” truyện kể. Julia Kristeva khẳng định rằng “điều
mà kí hiệu học đã khám phá ra… chính là quy
luật chi phối hay, nếu ai đó muốn nói là, sự ràng buộc chủ yếu ảnh hưởng lên một thực hành xã hội bất kì nằm ở
sự kiện mà nó biểu đạt [signify]; tức là nó phân đoạn [articulate] như một ngôn
ngữ” (Kristeva 1973, 1249).
Saussure lập luận rằng “không có
gì thích đáng hơn ngành nghiên cứu các ngôn ngữ nhằm bộc lộ bản chất của vấn đề
kí hiệu học [semiological problem]” (Saussure 1983, 16). Kí hiệu học lệ thuộc
nhiều vào những khái niệm ngôn ngữ học, phần là vì ảnh hưởng của ông, và cũng
vì ngôn ngữ học là một ngành học có cơ sở vững chắc hơn ngành học về các hệ thống
kí hiệu khác. Saussure đề cập đến ngôn ngữ (phát ngôn tiêu biểu của ông) như là
hệ thống “quan trọng bậc nhất” trong mọi hệ thống kí hiệu (Saussure 1983, 15).
Nhiều lí thuyết gia khác đã cho ngôn ngữ là gốc. Roman Jakobson đã nhấn mạnh rằng
“ngôn ngữ có vị trí trung tâm và tối quan trọng trong tất cả các hệ thống kí hiệu”
(Jakobson 1970, 455). Émile Beveniste nhìn nhận rằng “ngôn ngữ là hệ thống
phiên dịch [interpreting system] của mọi hệ thống khác, thuộc về ngôn ngữ lẫn
phi ngôn ngữ” (Beveniste 1969, 239), trong khi Claude Lévi-Strauss ghi chú rằng
“ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu ưu tú
[par excellence]; nó không thể làm gì ngoài biểu đạt, và chỉ tồn tại qua sự biểu
nghĩa [signification]” (Lévi-Strauss 1972, 48). Ngôn ngữ luôn luôn được xem là
hệ thống giao tiếp công hiệu nhất.
Một trong “những thuộc tính” công hiệu nhất của ngôn
ngữ được gọi là tính phân đoạn đôi
[double articulation] (hay tính hai bậc của
mô hình [duality of patterning]). Tính phân đoạn đôi cho phép một mã kí hiệu
[semiotic code] hình thành một số lượng vô hạn các kết hợp có nghĩa từ một số
ít các đơn vị vô nghĩa ở cấp bậc thấp (ví dụ, các âm vị [phoneme] trong lời nói
[speech] hay tự vị [grapheme] trong chữ viết [writing]). Vô hạn các cách dùng của
hữu hạn các thành tố là một tính chất trong mối liên hệ với truyền thông nói
chung đã được nhắc đến như là “sự tiết kiệm kí hiệu học” [semiotic economy]. Những
định nghĩa truyền thống gán cho tính phân đoạn đôi chỉ xuất hiện ở ngôn ngữ
loài người, chính vì điều này mà nó được xem là một “thuộc tính” quan yếu
(Hockett 1958). Louis Hjemslev xem nó như một tính chất thiết yếu và mang tính
định hình của ngôn ngữ (Hjemslev 1961). Jakobson quả quyết rằng “ngôn ngữ là hệ
thống duy nhất bao gồm những thành tố đảm nhiệm vai trò những cái biểu đạt
[signifier] nhưng đồng thời không biểu đạt gì” (Jakobson 1976, 230). Tính phân
đoạn đôi được nhìn nhận một cách phổ biến như là lí do cho tính tiết kiệm sáng
tạo [creative economy] của ngôn ngữ. Chẳng hạn, tiếng Anh chỉ có khoảng bốn
mươi hoặc năm mươi thành tố phân đoạn bậc hai [second articulation] (các âm vị)
nhưng chúng có thể sản sinh hàng trăm nghìn từ [word]. Tương tự, từ một vốn từ
[vocabulary] hữu hạn chúng ta có thể sản sinh vô hạn các câu [sentence] (tuỳ
vào sự ràng buộc của cú pháp [syntax] chi phối về mặt cấu trúc những kết hợp có
giá trị [valid combination]). Chính bằng việc kết hợp các từ theo bội cách mà chúng ta có thể cố gắng biểu đạt được
sự cá lẻ [particularity] của chứng nghiệm. Nếu chúng ta dành những từ riêng biệt
tương ứng với mọi đơn vị cá lẻ, chúng ta sẽ có vô hạn các từ, điều đó vượt xa
khả năng học tập, gợi nhớ và vận dụng từ của chúng ta.
Tính phân đoạn đôi có vẻ không xảy ra ở những hệ thống
giao tiếp tự nhiên của các loài động vật khác con người. Một cuộc tranh biện
quan trọng trong kí hiệu học là về việc những hệ thống kí hiệu như nhiếp ảnh,
điện ảnh hay hội hoạ có sở hữu tính phân đoạn đôi hay không. Triết gia Susanne
Langer lập luận rằng trong khi nghệ thuật thị giác như nhiếp ảnh, điện ảnh hay
hội hoạ sở hữu đường nét, màu sắc, sắc thái, hình khối, tỉ lệ, v.v. là những thứ
“có khả năng trừu tượng và có tính tổ hợp”, và “chỉ có khả năng phân đoạn một bậc
[articulation], tức là khả năng phức hợp [complex combination], như các từ”,
chúng không có một vốn các đơn vị [vocabulary of units] mang nghĩa độc lập
(Langer 1951, 86-7). …
Một hệ biểu hiệu [symbolism] với rất nhiều thành
tố, với vô số các mối quan hệ, không thể bị đập vỡ thành những đơn vị cơ bản được.
Không thể tìm ra biểu hiệu độc lập nhỏ nhất, và nhận dạng nó khi ta gặp nó ở những
chu cảnh [context] khác… Dĩ nhiên, có tồn tại kĩ thuật ghi ảnh các sự vật,
nhưng những luật lệ chi phối kĩ thuật này không thể gọi là “cú pháp” theo cách
xác đáng được, vì không có đối tượng có thể gọi, một cách ẩn dụ, là “từ” của
nghệ thuật vẽ chân dung.
(Langer 1951, 88)
Thay vì phớt lờ những lĩnh vực nghệ thuật “phi diễn
ngôn” [non-discursive] bởi những giới hạn của chúng, Langer lại lập luận rằng
chúng phức tạp và tinh vi hơn ngôn ngữ dùng lời [verbal language] và “thích hợp
một cách đặc biệt với việc diễn đạt những ý tưởng bất chấp ‘sự dàn xếp’ ngôn ngữ
học”. Bà cho rằng chúng ta không nên cố gắng áp những mô hình ngôn ngữ học lên
những lĩnh vực nghệ thuật khác bởi những luật lệ chi phối sự phân đoạn của
chúng “hoàn toàn khác với những luật lệ của cú pháp chi phối ngôn ngữ”. Xem xét
chúng dưới những khái niệm ngôn ngữ học dẫn đến “nhận thức sai” về chúng: chúng
chống lại “phiên dịch” (sđd., 86-9).
Saussure xem ngôn ngữ học như một nhánh của
“semiology” - kí hiệu học:
Ngôn ngữ học chỉ là một nhánh của ngành khoa học
tổng quát này. Những quy luật mà kí hiệu học khám phá sẽ có thể ứng dụng được
vào ngôn ngữ học… Đối với chúng tôi… vấn đề ngôn ngữ học đầu tiên và trên hết
là vấn đề kí hiệu học… Nếu muốn phát hiện bản chất thực sự của các hệ thống
ngôn ngữ, thì trước tiên phải xem xét những mặt mà chúng có chung với tất cả
các hệ thống khác cùng loại… Bằng cách này, không những vấn đề ngôn ngữ học sẽ
được làm sáng tỏ. Khi xem xét những nghi lễ, phong tục, v.v. như những kí hiệu,
sẽ khả thi, chúng tôi tin như vậy, để nhìn nhận chúng ở một giác độ mới. Rồi
người ta sẽ thấy rằng cần phải xem xét chúng như những hiện tượng kí hiệu học
và giải thích chúng bằng những quy luật của kí hiệu học.
(Saussure 1983, 16-17)
Trong khi Roland Barthes (1976b, xi) tuyên bố rằng “có
lẽ chúng ta phải đảo ngược công thức của Saussure và khẳng định kí hiệu học chỉ
là một nhánh của ngôn ngữ học”, đa số những người gọi mình là nhà kí hiệu học
ít nhất cũng ngầm thừa nhận sự định vị ngành ngôn ngữ học nằm trong kí hiệu học
của Saussure. Nhà ngôn ngữ học và kí hiệu học Roman Jakobson chắc chắn về việc
“ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu, và ngôn ngữ học là một bộ phận không thể
tách rời của khoa học về kí hiệu hay kí hiệu học” (Jakobson 1949a, 50; cf.
1970, 454). Tuy nhiên, dẫu cho về mặt lí thuyết chúng ta định vị ngôn ngữ học nằm
trong kí hiệu học, khó tránh khỏi việc áp dụng mô hình ngôn ngữ học vào việc khảo
sát các hệ thống kí hiệu khác. Nhà ngôn ngữ học Mỹ Leonard Bloomfield khẳng định
rằng “ngôn ngữ học là ngành học đóng góp chủ yếu cho kí hiệu học” (Bloomfield
1939, 55). Jakobson định nghĩa kí hiệu học như “ngành khoa học tổng quát về các
kí hiệu, lấy ngôn ngữ học, ngành khoa học về các kí hiệu lời nói [verbal sign],
làm quy luật của nó” (Jakobson 1963e, 289). Các nhà kí hiệu học thường nhắc đến
điện ảnh, truyền hình và các chương trình phát thanh, các áp-phích quảng cáo
v.v. như là “các văn bản [text]”, và nhắc đến “đọc truyền hình [reading
television]” (Fiske và Hartley 1978). Phương tiện truyền thông như truyền hình
và điện ảnh được một số nhà kí hiệu học nhìn nhận là giống với các ngôn ngữ ở một
số phương diện. Vấn đề có xu hướng xoay quanh câu hỏi rằng những phương tiện
truyền thông ấy gần với cái chúng ta xem là thực tại trong thế giới chứng nghiệm
hằng ngày của mình hay chúng có nhiều điểm chung hơn với một hệ thống biểu hiệu
giống như chữ viết. Tuy nhiên, có một mối nguy khi cố gắng ép buộc mọi phương
tiện truyền thông vào một bộ khung ngôn ngữ học. “Kí hiệu học xã hội” [social
semiotics] đương đại đã rời xa điểm nhìn tập trung của các nhà cấu trúc luận về
các hệ thống biểu đạt [signifying system] như ngôn ngữ, nỗ lực khảo sát sự vận
dụng của các kí hiệu trong những tình huống xã hội đặc thù.
NGÔN
NGỮ VÀ LỜI NÓI
Ngay tiếp theo sau đây chúng tôi sẽ xem xét đánh giá mô hình về kí hiệu có
tầm ảnh hưởng lớn của Saussure, nhưng trước khi đi vào việc ấy thì hiểu biết sơ
lược về bộ khung tổng quát mà dựa vào đó ông đã đặt ra mô hình là một điều quan
trọng. Saussure đã tạo ra cái mà hiện nay trở thành một sự phân biệt nổi tiếng
giữa langue (language - ngôn ngữ) và parole (speech - lời nói). Ngôn ngữ dẫn chiếu đến hệ thống những
quy tắc và quy ước có tính độc lập, và tồn tại trước, so với cá nhân người sử dụng;
lời nói dẫn chiếu đến việc sử dụng ngôn
ngữ trong những trường hợp cụ thể. Áp dụng ý niệm này cho các hệ thống kí
hiệu bao quát thay vì đơn giản cho ngôn ngữ, sự phân biệt trên trở thành một
trong các cặp hệ thống [system] và sự vận
dụng [usage], cấu trúc
[structure] và sự kiện [event] hay mã [code] và thông báo [message]. Theo như sự phân biệt của truyền thống
Saussure, trong một hệ thống kí hiệu như điện ảnh, chẳng hạn, những bộ phim
riêng biệt có thể được xem là dạng lời
nói của một hệ thống “ngôn ngữ” điện ảnh nằm bên dưới chúng. Saussure quan
tâm đến ngôn ngữ hơn là lời nói. Đối với nhà kí hiệu học trường
phái Saussure, cái có ý nghĩa hơn cả là những cấu trúc tiềm ẩn và những quy tắc
của một hệ thống kí hiệu xét về tổng thể hơn là những dụng hành [performance]
hay thực hành [practice] vốn chỉ là những trường hợp cá biệt của sự vận dụng hệ
thống ấy. Hướng tiếp cận của Saussure chính là nghiên cứu hệ thống “ở mặt đồng
đại” [synchronical] như thể nó đóng băng về thời gian (giống một bức ảnh chụp)
- thay vì “ở mặt lịch đại” [diachronical] - liên quan đến sự phát triển của nó
qua thời gian (giống một bộ phim). Một số lí thuyết gia cấu trúc luận văn hoá
sau này đã áp dụng sự ưu tiên này của truyền thống Saussure, chú trọng đến những
chức năng của các hiện tượng văn hoá và xã hội trong phạm vi các hệ thống kí hiệu.
Các lí thuyết gia phản đối nhau ở chỗ hệ thống có trước và quyết định
[determine] sự vận dụng (cấu trúc quyết định luận) hay sự vận dụng có trước và
quyết định hệ thống (xã hội quyết định luận) (mặc dù vậy phần lớn các nhà cấu
trúc luận lập luận rằng hệ thống chế định
[constrain] hơn là hoàn toàn quyết định
sự vận dụng).
Sự chia đôi giữa hệ thống và sự vận dụng của các nhà cấu
trúc luận đã vấp phải nhiều phê phán về tính cứng nhắc của nó, tách quá trình
ra khỏi sản phẩm, chủ thể ra khỏi cấu trúc (Coward và Ellis 1977, 4, 14;
Csikszentmihalyi and Rochberg-Halton 1981, 44, 173-4). Một phản đối cơ bản
chính là sự đề cao cấu trúc hơn sự vận dụng thất bại trong việc lí giải những
biến đổi trong cấu trúc. Các lí thuyết gia Marxist đã đặc biệt chỉ trích. Vào
những năm cuối thập niên 20, Valentin Voloshinov bác bỏ hướng tiếp cận đồng đại
của Saussure và sự nhấn mạnh của Saussure lên các mối liên hệ nội tại trong hệ
thống ngôn ngữ (Voloshinov 1973; Morris 1994). Voloshinov đảo ngược sự ưu tiên
của trường phái Saussure về ngôn ngữ và lời nói: “Kí hiệu là một bộ phận của sự
giao lưu xã hội có tổ chức và không thể tồn tại bên ngoài nó, như thế nó sẽ chỉ
trở thành một thứ nhân tạo vật chất” (Voloshinov 1973, 21). Ý nghĩa của một kí
hiệu không nằm ở mối quan hệ giữa nó với các kí hiệu khác trong hệ thống ngôn
ngữ mà nằm ở bối cảnh xã hội của việc sử dụng nó. Saussure bị phê phán vì đã phớt
lờ lịch sử tính [historicity] (sđd., 61). Nhà ngôn ngữ học Nga Roman Jakobson
và Yuri Tynyanov tuyên bố vào năm 1927 rằng “đồng đại luận [synchronism] thuần
tuý giờ đã tỏ ra như một ảo tưởng”, nói thêm rằng “mọi hệ thống đồng đại đều có
quá khứ và tương lai của nó như những thành tố không thể tách rời của hệ thống”
(trích lại Voloshinov 1973, 166). Viết năm 1929, Voloshinov nhìn nhận rằng
“không có một thời điểm nào trong dòng thời gian mà một hệ thống đồng đại của
ngôn ngữ có thể được dựng nên… Một hệ thống đồng đại có thể nói rằng tồn tại chỉ
từ điểm nhìn của ý thức chủ quan của một người phát ngôn riêng biệt thuộc về một
nhóm ngôn ngữ xác định nào đó tại một thời điểm xác định nào đó trong dòng chảy
lịch sử” (Voloshinov 1973, 66). Trong khi nhà cấu trúc luận Pháp Claude
Lévi-Strauss áp dụng một hướng tiếp cận đồng đại trong lĩnh vực nhân chủng học,
hầu hết các nhà kí hiệu học đương đại nỗ lực ưu tiên cho lịch sử tính và bối cảnh
xã hội. Ngôn ngữ hiếm khi được xem xét như là một hệ thống tĩnh tại, khép kín
và ổn định mà ngược lại nó luôn luôn thay đổi. Kí hiệu, như Voloshinov diễn tả,
là “một vũ đài của sự đấu tranh giai cấp” (sđd., 23). Cố gắng xác lập một ngành
“kí hiệu học xã hội” toàn tâm toàn ý, Robert Hodge và Gunther Kress tuyên bố rằng
“những chiều kích xã hội của các hệ thống kí hiệu mang tính nguyên căn trong bản
chất của chúng đến nỗi không thể nghiên cứu các hệ thống này trong thế độc lập”
(Hodge và Kress 1988, 1).
TẠI
SAO NÊN HỌC KÍ HIỆU HỌC?
Trong khi Saussure có thể được tôn vinh như cha đẻ của kí hiệu học, kí hiệu
học đã ngày càng trở nên ít chịu ảnh hưởng từ Saussure từ những năm 1970. Trong
khi cơ sở hiện thời của kí hiệu học chủ yếu hướng đến những hình thái cấu trúc
luận của nó, chúng tôi cũng khảo sát qua những phê bình xác đáng lẫn những cải
tiến về sau. Nhưng trước khi bắt đầu một hành trình khám phá về ngành học hấp dẫn
này, chúng ta hãy suy nghĩ về lí do chúng ta nên bận tâm đến câu hỏi: tại sao
chúng ta nên học kí hiệu học? Đây là một câu hỏi thúc bách một phần bởi vì những
ghi chép của các nhà kí hiệu học đã có tiếng tăm do chúng dày đặc những từ biệt
ngữ: một nhà phê bình đã nhận xét dí dỏm rằng “kí hiệu học nói cho chúng ta những
thứ chúng ta đã biết bằng một ngôn ngữ chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được”
(Paddy Whannel, trích lại Seiter 1992, 31).
Một tổ chức kí hiệu học có vẻ là một câu lạc bộ đặc
thù nhưng mối bận tâm của nó không hạn chế đối với các thành viên. Không ai với
niềm hứng thú về cách mà các sự vật được trình hiện có thể đủ sức phớt lờ một
hướng tiếp cận tập trung vào, và vấn đề hoá [problematize], cái quá trình của
trình hiện [process of representation]. Trong khi chúng ta không cần chấp nhận
lập trường của các nhà hậu cấu trúc luận rằng không có thực tại ở ngoài vượt xa
khỏi các hệ thống kí hiệu, nghiên cứu kí hiệu học có thể giúp chúng ta trở nên
có ý thức hơn về vai trò trung giới [mediating role] của các kí hiệu và về những
vai trò của chính chúng ta và những người khác trong việc xây dựng nên những thực
tế xã hội. Nó [kí hiệu học] làm cho chúng ta ít có xu hướng xem thực tại là cái
hiển nhiên như một thứ gì đó hoàn toàn độc lập với sự diễn giải của con người.
Khi tìm hiểu những bình diện kí hiệu học, chúng ta có thể nhận ra rằng thông
tin hay ý nghĩa không bị “chứa” trong thế giới hay trong sách với, máy vi tính
hay các phương tiện nghe-nhìn. Ý nghĩa không được “truyền” tới chúng ta - chúng
ta chủ động sáng tạo nó theo một sự ảnh hưởng lẫn nhau phức tạp của các mã hay
các quy ước mà chúng ta thường không ý thức về chúng. Ý thức về các mã này vừa
hấp dẫn như vốn có mà cũng phát huy sức mạnh trí óc. Chúng ta học được từ kí hiệu
học rằng chúng ta sống trong một thế giới của các kí hiệu và chúng ta không có
cách nào hiểu được bất cứ thứ gì nếu không thông qua các kí hiệu và các mã mà
các kí hiệu được tổ chức thành. Thông qua việc nghiên cứu kí hiệu học, chúng ta
nhận thức được rằng các kí hiệu và các mã này thường vô hình và che giấu đi nhiệm
vụ của chúng ta trong việc đọc chúng. Sống trong một thế giới ngày càng là thế
giới của các kí hiệu thị giác, chúng ta cần biết rằng thậm chí những kí hiệu
chân thực nhất cũng không phải là thứ mà nó hiện diện để trở nên như vậy. Bằng
việc làm tường minh hơn các mã mà chúng ta dựa vào chúng để diễn giải kí hiệu,
chúng ta có thể biểu diễn chức năng kí hiệu học có giá trị của các kí hiệu biến
tính [denaturalizing sign]. Điều này không phải để hàm ý rằng mọi sự trình hiện
thực tại đều có vị trí ngang bằng - mà có vẻ ngược lại. Giải kiến tạo
[deconstruct] và hoài nghi [constest] những thực tại của các kí hiệu có thể
phác lộ những thực tại nào được ưu tiên và bị áp chế. Một ngành học như thế bao
hàm việc nghiên cứu sự thiết lập và duy trì thực tại bởi các nhóm xã hội. Khước
từ ngành nghiên cứu về các kí hiệu là để cho những người khác cái quyền điều
hành thế giới của các ý nghĩa mà chúng ta đang sống.
Daniel Chandler
Nhật Nam dịch
(Vui lòng dẫn nguồn khi sử dụng bản dịch này)
Nhận xét
Đăng nhận xét