VỊ TRÍ CỦA NGHỆ THUẬT GIỮA CÁC HỆ THỐNG MÔ HÌNH HOÁ KHÁC (JURI LOTMAN)


VỊ TRÍ CỦA NGHỆ THUẬT
GIỮA CÁC HỆ THỐNG MÔ HÌNH HOÁ KHÁC
- Juri Lotman -

Nguồn: Lotman, Juri. (1967). “The place of art among other modelling systems”. Translated by Tanel Pern. In: Sign Systems Studies, 39 (2/4), 2011, 249 – 270.
(trích dịch)

I

1.0. Nghệ thuật là một trong những hình thức của hoạt động mô hình hoá.
1.1. Trong những “luận điểm” được trình bày ở đây, ta xem xét câu hỏi Điều gì có thể đạt được từ sự hiểu biết về nghệ thuật thông qua sự có mặt của nó giữa các hệ thống mô hình hoá khácsự có mặt ấy có tính tích cực hay không, nói cách khác:
1.1.1. Nó có cho ta khả năng khám phá ra trong các tác phẩm nghệ thuật những đặc điểm phổ biến đối với các mô hình nói chung?
1.1.2. Nó có cho ta khả năng khám phá ra những đặc trưng giúp phân biệt nghệ thuật với các hệ thống mô hình hoá khác?
1.2.0. Không có định nghĩa nào về nghệ thuật hay về một tác phẩm nghệ thuật được đưa ra ở đây. Đối với bài viết hiện tại, một quan niệm có tính trực giác, cho phép ta phân biệt nghệ thuật với phi nghệ thuật, đã là đủ. Những định nghĩa cụ thể sẽ được đưa ra bên dưới khi cần thiết. Nhưng việc đưa ra một định nghĩa dứt khoát về nghệ thuật không phải mục đích của bài viết này.
1.2.1. Từ vô số định nghĩa về mô hình (model - ND), định nghĩa khái quát nhất sẽ được dùng ở đây: mỗi mô hình là một thể tương tự của một đối tượng tri giác mà thay thế đối tượng đó trong quá trình tri giác[1]. Những định nghĩa chi tiết hơn được cho là liên quan đến những hình thức đơn lẻ cụ thể của mô hình, hoặc có thể được phát triển từ định nghĩa đang xét.
1.3.0. Hoạt động mô hình hoá (modelling activity - ND) là hoạt động của con người trong việc sáng tạo các mô hình. Để cho những kết quả của hoạt động này có thể được xem như những thể tương tự của một đối tượng, chúng phải tuân thủ những quy tắc nhất định (được xác lập bởi trực giác hoặc ý thức) của sự tương tự và, vì vậy, liên quan đến một hệ thống mô hình hoá nào đó.
1.3.1. Mỗi hệ thống mô hình hoá (modelling system - ND) là một cấu trúc bao gồm các yếu tố và các quy tắc kết hợp của chúng, tồn tại trong một trạng thái của sự tương tự cố định với toàn bộ đối tượng của tri giác, nhận thức, hoặc sự tổ chức.[2] Vì lí do này, một hệ thống mô hình hoá có thể được đối xử giống như một ngôn ngữ.
1.4. Sẽ hữu ích khi gọi những mô hình này, lấy ngôn ngữ tự nhiên làm cơ sở của chúng và xếp chồng thêm những kiến trúc thượng tầng, đo đó tạo ra những ngôn ngữ thứ cấp, là những hệ thống mô hình hoá thứ sinh (secondary modelling system - ND).[3] Ta sẽ thảo luận về vị trí của nghệ thuật trong số các hệ thống mô hình hoá thứ sinh.
2.0. Vì vậy, nghệ thuật luôn là một thể tương tự của thực tại (của một đối tượng), được phiên dịch sang ngôn ngữ của hệ thống nhất định. Vì vậy, một tác phẩm nghệ thuật luôn có tính quy ước [условно] và, đồng thời, bằng trực giác phải được xem như là một thể tương tự của một đối tượng nhất định, nói cách khác, nó phải đồng thời “giống” và “không giống”. Việc chỉ nhấn mạnh vào một trong hai phương diện không thể tách biệt này sẽ phá bỏ chức năng mô hình hoá của nghệ thuật. Công thức của nghệ thuật là: “Tôi biết rằng nó không phải là cái nó miêu tả, nhưng rõ ràng tôi thấy rằng nó chính là cái nó miêu tả”.

2.1.0. Nội dung của nghệ thuật như một hệ thống mô hình hoá là thế giới thực tại, được phiên dịch sang ngôn ngữ của ý thức chúng ta, được phiên dịch một lần nữa sang ngôn ngữ của một hình thức nghệ thuật nào đó. Trong trường hợp này, các quá trình sáng tạo và tiếp nhận ngược chiều nhau của nghệ thuật có thể được xem như những biến cố của sự tái mã hoá với những quy tắc đặc thù của sự tương đương về nghĩa khác nhau ở từng giai đoạn.
2.1.1. Thực tế rằng ở một giai đoạn, xuất hiện sự cần thiết phải phiên dịch hệ thống sang một ngôn ngữ tự nhiên, là điều cho phép ta xác định phạm vi rộng lớn của những hệ thống mô hình hoá nơi mà ta sẽ kể đến nghệ thuật như một hệ thống mô hình hoá “thứ sinh”. Trong trường hợp này, những hệ thống “thứ sinh” không chỉ quy chiếu đến những hệ thống hai tầng, mà còn là những hệ thống đa tầng với số lượng cấp độ khác nhau.
2.2. Một mô hình khác với một kí hiệu (sign - ND) như thế bởi vì nó không chỉ thay thế một vật sở thị (denotat - ND), mà còn thay thế nó (vật sở thị - ND) một cách tích cực trong quá trình tri giác hoặc tổ chức một đối tượng. Trong trường hợp đó, nếu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và vật sở thị trong ngôn ngữ tự nhiên mang tính lịch sử - quy ước, thì mối quan hệ giữa mô hình và một đối tượng được quyết định bởi cấu trúc của hệ thống mô hình hoá. Theo ý nghĩa này, chỉ có một dạng của kí hiệu – hình hiệu – là có thể tương đương với mô hình.[4]
2.3. Các tác phẩm nghệ thuật được kiến tạo bởi nguyên lí của hình hiệu. Vì vậy, thông tin chứa đựng trong tác phẩm nghệ thuật không thể tách ra khỏi ngôn ngữ mô hình hoá của nó và cấu trúc của nó như là một mô hình kí hiệu (sign-model - ND).
2.3.1. Vì vậy, bản tính cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật không phải là một “hình thức” bên ngoài mà – bất luận có nói nhiều đến thế nào về “sự thống nhất” của hình thức với nội dung – có thể bị tháo dỡ ra khỏi nó. Nó là sự hiện thực hoá của thông tin chứa đựng trong mô hình. Có thể nói rằng nội dung nghệ thuật đặc thù là một nội dung mang tính kết hợp (syntagmatic - ND). Những mối quan hệ ngữ nghĩa chỉ mang lại cho ta một sự phiên dịch từ ngôn ngữ nghệ thuật sang ngôn ngữ phi nghệ thuật.
2.3.2. Tuy nhiên, định nghĩa phía trước chỉ đúng trong ý nghĩa rộng nhất và phỏng nhất. Bởi vì cả những vật sở thị lẫn những quan niệm của ta về chúng (các nghĩa) có thể khác nhau, tạo nên chỉ những chuỗi nhỏ các yếu tố liên quan sở hữu các nghĩa phân biệt, cho nên sự khác biệt giữa những quan hệ ngữ nghĩa và quan hệ kết hợp như một tổng thể có thể được quy giản về các nghĩa kết hợp của các cấp độ khác nhau.
3.0. Việc định nghĩa một tác phẩm nghệ thuật như là một mô hình kí hiệu dẫn đến tất cả những đặc điểm chính không chỉ của mô hình mà còn của kí hiệu có thể áp dụng vào nó. Đặc biệt là từ điều này, một tác phẩm nghệ thuật phải được nhận thức trong một chất liệu vật chất nhất định.



[1] “…a model is an analogue of an object of perception that substitutes it in the process of perception.” (250)
[2] “A modelling system is a structure of elements and rules of their combination, existing in a state of fixed analogy to the whole sphere of the object of perception, cognition, or organization.” (250)
[3] “It is useful to call those systems that have natural language as their basis and accumulate additional superstructures, thus creating second-order languages, secondary modelling systems.” (250)
[4] “A model differs from a sign as such in that it not only substitutes a certain denotat, but substitutes it productively in the process of perception or organization of an object. In that case, if the relation between language and denotat in a natural language is historico-conventional, then the relation between model and an object is determined by the structure of the modelling system. In this sense, only one type of signs — iconical signs — can be equated to models.” (251)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến