MỘT CÁCH HIỂU CƠ BẢN VỀ KHÁI NIỆM "PHONG CÁCH VĂN HỌC"
1. Trong tiếng Việt, “phong cách” với nghĩa thông dụng nhất là “những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự, tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó” (Hoàng Phê cb., 2018, tr. 989). “Phong cách” (風 格) là một từ ghép gốc Hán; từ tố “phong” 風 mang nghĩa “thói quen của một người” (Thiều Chửu, 2013, tr. 687), còn “cách” 格 tức là “khuôn phép”, “đúng đắn” (Thiều Chửu, 2013, tr. 264); “phong cách” như vậy sẽ được hiểu là lề lối, thói quen (của một người, một nhóm người) mang tính chất khuôn định, theo một chuẩn mực nào đó (được đặt ra). Từ “phong cách” 風 格 tương đương với từ “style” trong tiếng Anh, có nguồn gốc từ “stilus/stylus” trong tiếng Latin, nghĩa gốc là cây bút trâm để viết trên sáp ở thời cổ, sau dùng để chỉ việc sáng tác văn chương hoặc một lối viết (bút pháp) văn chương đặc thù, riêng biệt. Như vậy trong tiếng Anh, bản thân từ “style” có nghĩa từ nguyên liên quan đến sự viết, sáng tác. Theo quan điểm của chúng tôi, “phong cách” nói chung là tập hợp những nét riêng đặc thù của một đối tượng (con người, nhóm người,...) thể hiện trên một bình diện của đối tượng hoặc tổng thể đối tượng, có tính lặp lại và ổn định tương đối ở đối tượng, tạo thành dấu hiệu nhận diện đối tượng đó.
2. Trong nghiên cứu văn học, phong cách còn được gọi đầy đủ là phong cách nghệ thuật, hay phong cách (trong) văn học. Lại Nguyên Ân cho rằng phong cách là “những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học dân tộc nào đó [...] Những đặc điểm của phong cách dương như hiện diện ở bề mặt tác phẩm, như là một sự thống nhất hiển thị và cảm giác được của tất cả các yếu tố chủ yếu thuộc hình thức nghệ thuật. Trong nghĩa rộng, phong cách là nguyên tắc xuyên suốt kiến trúc tác phẩm, khiến tác phẩm có tình chỉnh thể, có giọng điệu và màu sắc thống nhất” (Lại Nguyên Ân, 2016, tr. 319-320). Phong cách văn học là một phạm trù rộng, bao gồm phong cách của nhiều đối tượng: phong cách thời đại văn học, phong cách trào lưu văn học, phong cách tác giả văn học; giữa phong cách lịch sử (thời đại và trào lưu) và phong cách cá nhân (tác giả) có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Lại Nguyên Ân cũng nêu lên hai quan điểm thống nhất về phong cách của nghiên cứu văn học hiện đại: “1. Mặc dù chất liệu của văn học – ngôn từ – vốn có màu sắc phong cách, thuộc về một tầng ngôn ngữ chung nào đó, phong cách như một hiện tượng ngôn ngữ cần phải được phân giới với phong cách như một hiện tượng nghệ thuật [...] 2. Phong cách là chỉnh thể thẩm mỹ của hình thức có tính nội dung” (Lại Nguyên Ân, 2016, tr. 321-322). Phong cách nghệ thuật không hoàn toàn là một yếu tố thuộc hình thức tác phẩm; trái lại, thứ nhất, nó là biểu hiện của sự thống nhất hình thức và nội dung trong tác phẩm: nội dung được xây dựng theo hình thức đặc thù (biểu hiện ra phong cách) và hình thức đặc thù ấy cũng chỉ thích hợp với nội dung ấy, thứ hai, nó có nguồn gốc trong ý thức nghệ thuật của nhà văn (liên quan mật thiết đến nội dung tác phẩm). Trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Phan Ngọc dựa trên quan điểm hệ thống – cấu trúc luận để định nghĩa phong cách trong văn học như là “sự lặp đi lặp lại của một chùm những nét khu biệt” (Phan Ngọc, 2001, tr. 11) được tìm thấy trong hệ thống tác phẩm của một tác giả, có thể nói rộng ra, một trào lưu, thời đại... “Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử, và chứa đựng một giá trị lịch sử, có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại hay một tác giả” (Phan Ngọc, 2001, tr. 31). Chúng tôi làm rõ và bổ sung định nghĩa trên: Phong cách trong văn học là tập hợp những sự lựa chọn, thay thế mang đến hiệu quả nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm, khu biệt hoá chính nó trong tương quan với những tập hợp các kiểu lựa chọn khác hoặc những tập hợp có cùng những kiểu lựa chọn ấy nhưng mang hiệu quả nghệ thuật khác; từ đó cho phép khu biệt tác giả này với tác giả khác, khuynh hướng này với khuynh hướng khác, thời đại này với thời đại khác... Ngoài việc lựa chọn các yếu tố đưa vào tác phẩm, phong cách còn thể hiện tính cấu trúc ở sự kết hợp các yếu tố được lựa chọn thành một chỉnh thể nghệ thuật.
3. Antoine Compagnon trong Bản mệnh của lí thuyết cũng dành hẳn một chương bàn về phong cách, với một kết luận về khái niệm phong cách như sau:
- Phong cách là một biến hoá hình thức trên một nội dung nhất định (ít hoặc nhiều); phong cách là một tập hợp những nét đặc trưng của một tác phẩm cho phép qua đó nhận dạng và nhận ra tác giả (trực giác hơn là phân tích); phong cách là một sự lựa chọn giữa nhiều lối viết. Duy chỉ có phong cách như một chuẩn mực, một mệnh lệnh, hay một quy chuẩn là khó chấp nhận... (Compagnon, 2018, tr. 285)
Compagnon cũng nêu rằng phong cách có hai phương diện: “phong cách như một cái phổ quát hoặc ngôn ngữ xã hội” (phương diện tập thể) và “phong cách như một cái đặc thù hoặc ngôn ngữ cá nhân” (phương diện cá thể) (Compagnon, 2018, tr. 284).
4. Có thể kết luận rằng:
------ Phong cách trong văn học là hệ thống những nét đặc trưng ở cả hai phương diện hình thức và nội dung của tác phẩm văn học, thống nhất và lặp lại một cách tương đối ổn định ở các tác phẩm của một tác giả (hoặc các tác phẩm thuộc một trào lưu, thời đại văn học), mà qua đó cho phép nhận diện tác giả (hoặc trào lưu, thời đại văn học) ấy trong thế khu biệt với các tác giả (trào lưu, thời đại văn học) khác, thể hiện (những) lối viết/bút pháp mà tác giả đã lựa chọn (hoặc lối viết đặc thù của trào lưu, thời đại văn học) – do đó có tính lịch sử.
Tài liệu tham khảo
1. ANTOINE COMPAGNON. (2018). Bản mệnh của lí thuyết: văn chương và cảm nghĩ thông thường. Lê Hồng Sâm – Đặng Anh Đào dịch. Tái bản lần một. Hà Nội: Đại học Sư phạm.
2. LẠI NGUYÊN ÂN (biên soạn). (2016) [1998]. 150 thuật ngữ văn học. Tái bản lần ba. Hà Nội: Văn học.
3. THIỀU CHỬU. (2013) [1942]. Hán Việt tự điển. Hà Nội: Văn hoá – Thông tin.
4. PHAN NGỌC. (2001) [1985]. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tái bản lần một. Hà Nội: Thanh niên.
5. HOÀNG PHÊ (cb.). (2018) [1988]. Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: Hồng Đức.
Nhận xét
Đăng nhận xét