CÁC LÍ THUYẾT TRỮ TÌNH (2017) - PHẦN 1

CÁC LÍ THUYẾT TRỮ TÌNH (P.1)

Nhật Nam dịch


1.

Lí thuyết chung về trữ tình là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển. Tuy nhiên, những hướng tiếp cận đối với trữ tình được biết đến như là bị mắc kẹt trong "sự bế tắc của một cuộc tranh luận phê phán theo kiểu ấn tượng chủ nghĩa và hình thức luận hẹp về vấn đề thể loại [genre]" (Müller-Zettelmann/Rubik 2005, 8). Những khẳng định như thế có thể đi liền với một lời kêu gọi nâng tầm lí thuyết trữ tình lên những cấp cao hơn (cf. Culler 2015, 2sq.; Zymner 2009, 8sq.; Gibson 2015, 1sq.), bao hàm đề xuất lập ra, trong sự tương tự với ngành học đã có từ lâu là tự sự học [narratology], một ngành "trữ tình học" [lyricology] chính thức ("lyricologie" hoặc "Lyrikologie", như nó được gọi tương đương trong tiếng Pháp và Đức; cf. Zymner 2009, 7-9; Rodriguez 2009; von Ammon 2015). Cụ thể hơn, đã có ý kiến cho rằng các bộ phận của lí thuyết trữ tình nên được tái khái niệm hoá [reconceptualize] với sự hỗ trợ của các lí thuyết tự sự.

2.

Tuy nhiên, dòng chảy các khái niệm từ những lí thuyết khác nhau đi vào việc phân tích trữ tình kéo theo một số vấn đề. Dường như những thực hành phân tích trữ tình đã trở nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi những mô hình thể loại và những cách tiếp cận thể loại xuất phát từ các lí thuyết kịch và tự sự (về việc phê phán, cf. Culler 2015, 108-112; Hempfer 2014, 16-21). Có nhiều vấn đề ở đây; chẳng hạn, một người có thể hỏi rằng liệu những khái niệm giọng điệu hay nhân vật trữ tình có thể được hiểu như là những nhân vật hư cấu hoặc người kể chuyện hay không, hoặc phải chăng trữ tình đặc biệt phát triển những cấu trúc tương tự như những diễn ngôn tự sự và câu chuyện. Quan trọng hơn, những hướng tiếp cận tự sự học có khuynh hướng nhìn trữ tình như là một hình thức không hoàn thiện hoặc sót lại của phương thức tự sự (cf. Hempfer 2014, 19-21; Hillebrandt 2015).

3.

Những đề xuất về lí thuyết gần đây không đặt trọng tâm vào danh mục của hệ thuật ngữ mô tả [descriptive terminology] (câu thơ, nhịp thơ v.v.), nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào những đặc trưng và thành tố cơ bản nhất của trữ tình. Sự nhập cuộc học thuật ngày càng tích cực với trữ tình trên cấp độ lí thuyết sẽ khơi lên vấn đề về định nghĩa thể loại vĩ mô [macro-genre] và những cách thức mà nó kiến tạo những thế giới trong văn bản liên quan đến người phát ngôn trong bài thơ và người nhận thông điệp. Trong số này, những lí thuyết gia về trữ tình đã có tên tuổi và sắp hiện diện có nhiệm vụ phác thảo những quan điểm lí thuyết của họ liên quan đến những câu hỏi sau: Mối quan hệ giữa các kí hiệu, các từ và (các) thế giới trong trữ tình hoặc thơ là gì? Cách thức biểu đạt của một bài thơ có cấu thành một cách thức đặc biệt của việc tạo ra những thế giới thuộc về văn bản hay không, và làm thế nào chúng ta có thể mô tả những thế giới này? Tác giả và người đọc đối xử với những thế giới này như thế nào? Những câu hỏi này đã được giải quyết bởi nhiều nhà phê bình trong nhiều truyền thống học thuật; tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu có vẻ tập trung vào những diễn ngôn trong ngôn ngữ của bản thân chúng, chỉ thi thoảng đề cập đến những gì đã được nghiên cứu ở những truyền thống phê bình văn học khác. Điều này là động lực chính của sự họp mặt của những học giả từ những truyền thống nhập cuộc học thuật khác nhau (những truyền thống “dân tộc”, nếu muốn có một từ đúng hơn) với lí thuyết trữ tình. Hệ quả là, những công bố này không phải là những đóng góp mới hoàn toàn, mà thay vào đó là trình bày một cái nhìn tổng quan mang tính tranh biện về những công trình đã được thực hiện trước đó, bằng việc phác thảo ra những ý kiến có thể bất đồng lẫn nhau về những vấn đề chưa được giải quyết mà chúng tiếp tục ảnh hưởng lên cuộc tranh biện. Trong phần còn lại của bài giới thiệu này, chúng tôi sẽ chỉ giải quyết bốn vấn đề có tính quan yếu trực tiếp với số đặc biệt này.

 

Cái gì nằm trong một tên gọi? “Trữ tình” và “thơ”

4.

Sự bắt đầu của lí thuyết trữ tình chủ yếu gắn liền với thi pháp học Phục Hưng Italia, trong đó đã có nhiều nỗ lực đáng kể nhằm xác lập “trữ tình” như là một thể loại vĩ mô chứa đựng những tiểu thể loại [sub-genre] như thơ tụng ca [ode] và thơ bi ca [elegy]. Sự xác lập này đạt được, một mặt, từ việc thừa nhận một tuyến liên tục trong tập hợp những tác giả mẫu mực chẳng hạn như Pindar, Horace, và Petrarch (cf. Huss/ Mehltretter/ Regn 2012) và mặt khác từ việc cố gắng áp dụng vào khái niệm trữ tình này cái hệ thống của Aristolte về các cấp độ mô phỏng [mimesis] (cf. Genette 1979).

5.

Ngày nay lí thuyết trữ tình phân mảnh dọc theo đường biên ngôn ngữ, quốc gia và ngành nghiên cứu. Điều này là hiển nhiên thậm chí trong những truyền thống đặt tên và mô tả lĩnh vực. Một số học giả Anh - Mĩ đã nhận định rằng “sự trữ tình hoá thơ” [lyricization of poetry] là một bước tiến tương đối gần đây đã thay thế một mảng nhiều thể loại và hình thức câu thơ [verse] với một ý niệm đơn thể, phi lịch sử hay tĩnh tại về trữ tình (Jackson/ Prins 2014; Jackson 2012). “Thơ” thuở ban đầu đã bao chứa tất cả các hình thức văn học được viết theo câu thơ, như vì “thơ” bị giới hạn vào những văn bản ngắn, một sự chồng chập về khái niệm với “trữ tình” đã xảy ra. Hệ quả là, “thơ” có thể được một số nhà nghiên cứu nhìn nhận như là bao trùm quá nhiều thể loại được viết bằng thơ (ví dụ, sử thi), và, đồng thời, như là xung đột với những hình thức trữ tình mà không có một dấu hiệu nào của sự thơ hoá [versification] (cf. Zymner 2009, 59-72).

6.

Phê bình văn học ở Pháp, ngược lại, thiết lập quan hệ giữa hai thuật ngữ khác nhau, đó là “lyrisme” (một ý niệm gắn bó chặt chẽ với một khái niệm mang tính chủ thể về thơ) và “lyrique” (một thành tố của thể bộ ba thể loại được đề xuất tiêu biểu nhất bởi Batteux) (cf. Rodriguez 2003, 18-28). Genette (1979) vạch ra những điều nhập nhằng có thể và sẽ nảy sinh giữa “trữ tình” như là một thể loại và như là một phương thức sáng tác [mode of writing]. Tình hình lại một lần nữa khác biệt trong ngôn ngữ và văn học Đức. Từ “Gedicht” (“bài thơ”) đã một lần quy chiếu đến bất kì văn bản nào ở dạng thơ [in verse], nhưng đối với việc văn xuôi [prose] trở thành phương thức ưu thế trong kịch và tự sự kể từ bước chuyển sang thế kỉ 19, “Gedicht” ngày nay khó mà phân biệt được với “Lyrik”. Tình hình này đã dẫn đến hai loại quan điểm khác nhau: một số nhà phê bình muốn xác định một phạm trù giới hạn, đó là “bài thơ trữ tình” [lyric poem] (“lyrisches Gedicht”), như là một “Einzelrede in Versen”, một “độc thoại bằng thơ” [monoloque in verse], hay chính xác hơn, một phát ngôn được thơ hoá [versified utterance] không có phản hồi mà không cần đến một ngữ cảnh tình huống đặc thù nào (cf. Lamping 2000), trong khi những nhà phê bình khác gạt bỏ về mặt bản chất mọi nỗ lực phân biệt “Lyrik” và “Gedicht” (cf. Burdorf 2015).

 

Những phạm trù và nguyên mẫu

7.

Những khái niệm loại hình học về trữ tình, trên hết, chiếm ưu thế trong truyền thống Đức (Tuy nhiên nên lưu ý rằng Goethe, với định thức về ba “hình thức tự nhiên” của văn học đã có tính ảnh hưởng sâu sắc, đã chỉ ra rằng những phẩm tính của sử thi, trữ tình và kịch không loại trừ lẫn nhau [Noten und Abhandlungen zum besseren Verständnis des Westöstlichen Divans của Goethe; Staiger 1946]).

8.

Tuy nhiên, tính mơ hồ của những định nghĩa loại hình học về trữ tình đã dẫn đến những cuộc tranh luận liên miên về quy mô của thể loại vĩ mô này. Những định nghĩa phạm trù tính với những ranh giới rõ ràng (cf. Lamping 1989) đã được đón nhận như là việc trình bày sự minh định cần thiết, nhưng lại cũng khơi lên sự phê bình đáng kể (cf. Burdorf 2015, 20sq.). Một định nghĩa rộng hơn nhiều bởi Zymner (2009, 140) mà chỉ đến một thực tế rằng việc nhìn nhận câu thơ, tính văn bản, và tính hư cấu như là những đặc trưng xác định thì trình bày những khó khăn khi chúng ta chuyển sang xem xét những tác phẩm hiện đại và tiên phong (ví dụ, “thơ cụ tượng” [concrete poetry]) (về một sự trình bày quan điểm gần đây hơn của ông, đối chiếu với bài nghiên cứu của ông trong số này). Đồng thời, chúng ta chứng kiến một sự ưu tiên ngày một cao cho những định nghĩa nguyên mẫu tính về trữ tình mà tập trung vào cái gọi là “những ví dụ tốt”, trong khi để cho những ranh giới về khái niệm vẫn mơ hồ (ví dụ, Wolf 2005; Hempler 2014).

9.

Cùng với những sự bất đồng về việc ý niệm hiện đại của chúng ta về “trữ tình” thuộc kiểu khái niệm nào (một định nghĩa phân loại với những ranh giới rõ ràng, hay một định nghĩa phi phân loại/nguyên mẫu tính với những khía cạnh mơ hồ?), cũng có một phạm vi đáng kể những ý kiến về những đặc trưng trung tâm của thơ trữ tình [lyric poetry]. Trong số những câu hỏi được khơi lên, có câu hỏi chẳng hạn như liệu trữ tình được định nghĩa về bản chất bởi mặt âm thanh hay tính nhạc của nó, tính xúc cảm của nó, tính biểu trưng của nó, hay tính chất nào đó khác (cf. Frye 1971, 273-280).

 

Những tham tố giao tiếp trong trữ tình và thơ

10.

Ai nói bài thơ (cf. Borkowski/ Winko 2011)? Một số nhà phê bình từ chối câu hỏi này dựa trên cơ sở rằng cái mà ngày nay chúng ta nhìn nhận như là trữ tình không phải được nói hay hát lên mà về cơ bản là được viết ra, và rằng chúng ta liều mình lướt qua sự phân biệt này. Những người khác cảm thấy rằng vấn đề quy kết nguồn gốc của giọng nói trong trữ tình vẫn còn đó. Những câu trả lời cho câu hỏi “ai nói” phụ thuộc khá nhiều vào định nghĩa của một người về “trữ tình”, nhưng những vấn đề cơ bản của phê bình văn học cũng đang lâm nguy ở khía cạnh vai trò của ý đồ tác giả. Chúng ta có thể phân biệt đại khái những quan điểm sau đây, tuy nhiên là những điều có thể kết hợp những cách tiếp cận với những giả thiết lí thuyết rất khác nhau.

11.

Những cách tiếp cận “nhân vật/người nói” thừa nhận một sự phân biệt cơ bản và toàn diện giữa tác giả và giọng nói trong bài thơ, điển hình là ngụ ý một mô hình phân lớp của sự giao tiếp trữ tình. Ngược lại, những cách tiếp cận “giọng tác giả” thừa nhận rằng hầu hết người nói trong trữ tình đồng nhất với tác giả, trong khi những văn bản nào có phát triển một sự khác biệt rõ ràng giữa tác giả và người nói được liệt vào những “bài thơ nhập vai” [role poem] (‘Rollenlyrik’ trong tiếng Đức) hay những “độc thoại mang tính kịch” [dramatic monologue] (trong tiếng Anh). Ngoài ra, số khác, nổi bật nhất là Helen Vendler, đã đề xuất một góc nhìn thứ ba, đó là “trữ tình là một kịch bản được viết ra dành cho sự diễn xướng [performance] của người đọc – người mà, ngay khi anh ta đi vào trữ tình, không còn là một người đọc mà thay vào đó là một người phát ngôn [utterer], đích thân mình [in propria persona] nói những từ của bài thơ, một cách nội tại cũng như với một cảm xúc của riêng anh” (Vendler 1995, xi). Chúng tôi có thể tìm ra thêm những “cách tiếp cận hỗn hợp” liên quan đến người nói thơ ca [poetic speaker] mà biện luận rằng cái “tôi” trong một bài thơ nên được xem như một “khoảng trống” (“Leerstelle”, Fricke/ Stocker 2000, 509, Klimek 2016), một trung tâm không trực chỉ [empty deictic centre], một vị trí có thể được bất cứ ai lấp đầy (Spinner 1975), là tác giả, một người nói được hư cấu ra [fictive speaker] hoặc người đọc (cf. Fricke/ Stocker 2000).

12.

Tuy nhiên, mọi ý niệm về một ma trận giao tiếp đều không đầy đủ nếu thiếu đi sự xem xét về hô gửi [address] và người nghe [audience] trong trữ tình. Hô gửi trữ tình [lyric address] đã nhận được sự chú ý sâu sắc của nền học thuật Anh – Mĩ (cf. Waters 2003, Culler 2015), nhưng hầu như bị bỏ qua trong lí thuyết Đức (trong số những ngoại trừ có Spoerhase 2013 và Burdorf 2015).

 

Những mô hình kiến tạo thế giới: Tính hư cấu

13.

Tính hư cấu hay phi hư cấu của bài thơ còn là một vấn đề tranh cãi, vì nó chạm đến một câu hỏi quan trong về mối quan hệ giữa phát ngôn thơ và thực tại ngoài văn bản (cf. Zipfel 2011). Culler (2015, 230) nhấn mạnh rằng trữ tình là một “nhận định về thế giới này”; ngược lại, Wolf (2005, 23sq.) cho rằng tính hư cấu thuộc về những đặc trưng cơ bản của trữ tình mà “không có tính vấn đề” (cũng đối chiếu với Eagleton 2007). Những quan điểm này phần nào khác nhau không chỉ ở những quan niệm khác nhau về trữ tình, mà còn ở những quan niệm khác nhau về tính hư cấu.

14.

Rõ ràng, câu hỏi về tính hư cấu hay phi hư cấu của bài thơ có những hệ quả ảnh hưởng sâu rộng đến cách chúng ta định nghĩa, và đọc, thơ trữ tình. Zymner (2009, 14-15) nhận ra không có lí do rõ ràng vì sao một nhà thơ không nên có khả năng dùng những từ quy chiếu đến những hoàn cảnh nào đó trong thực tại ngoài văn bản hay không nên quy chiếu đến chính anh ta bằng kí hiệu ngôn ngữ “tôi” trong một bài thơ. Mặt khác việc thừa nhận sẽ không chỉ ngụ ý rằng thơ trữ tình quy định một kiểu đọc nào đó với từng bài thơ riêng lẻ, mà còn dẫn đến việc loại trừ bất cứ nhận định thẳng thắn nào về thể loại trữ tình. Có lẽ bất cứ nhà thơ hoạt động chính trị hay tôn giáo nào, cũng như bất cứ người tình nào trình diện một bài thơ nguyên bản cho người yêu quý của mình, đều quả quyết rằng tác phẩm của họ không tạo ra một thế giới hư cấu mà thay vào đó quy chiếu trực tiếp, dẫu được cấu trúc ở dạng câu thơ, đến tình huống và những cam kết trong đời thực của mình (cf. Klimek 2015, 223-225). Đối với Anderegg (2000, 430), tuy nhiên, trữ tình, ngược lại với kịch và sử thi, là thể loại duy nhất trong đó sự phân biệt giữa tính hư cấu và tính phi hư cấu không có tầm quan trọng trung tâm; với ông, thơ trữ tình vượt xa lĩnh vực của nhu cầu và sự ràng buộc giao tiếp bằng ngôn ngữ thường ngày (cf. ibid., 432).

15.

Chủ đề về sự quy chiếu/sở chỉ [reference] và sự kiến tạo nghĩa [meaning-making] chỉ ra những câu hỏi chung về “thế giới trong văn bản” là hư cấu hay thực hữu (cf. Semino 1997; Gavins 2007). Cũng có đề xuất rằng trữ tình có thể hoà trộn những đặc trưng hư cấu và phi hư cấu. Chẳng hạn, Käte Hamburger, định nghĩa trữ tình như là một “nhận định về thực tại” (“Wirklichkeitsaussage”), cũng đồng thời thừa nhận cái khả thể cho thấy sự kiện có liên quan trong bài thơ có thể được sáng tạo ra (Hamburger 1968, 187-232).

16.

Sự kiến tạo thế giới trữ tình do đó được khảm vào trong một khung khổ lớn hơn của những thực hành đọc. Những sự phức tạp này của thực hành đã giúp ta chất vấn những giả thiết của Phê bình Mới và (Hậu) cấu trúc luận về những chức năng có thể và không thể của thơ trữ tình. Cuộc tranh luận lại một lần nữa mở ra cho những khám phá mang tính lí thuyết về những thực hành và thi pháp học của thơ trữ tình.


(còn nữa)


NguồnHillebrandt, C., Klimek, S., Müller, R., Waters, W., Zymner, R. (2017). Theories of Lyric. Journal of Literary Theory11(1), 1-11.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến