CÓ VĂN BẢN NÀO TRONG LỚP NÀY HAY KHÔNG? | Stanley Fish (Phần 1)


CÓ VĂN BẢN NÀO
TRONG LỚP NÀY HAY KHÔNG?

Stanley Fish 

(Nguyễn Minh Nhật Nam trích dịch)

Stanley Fish's Academic Clickbait | JSTOR Daily


*


Vào ngày đầu học kì mới, một đồng nghiệp ở Đại học John Hopkins gặp phải một sinh viên, mà hoá ra cô này vừa mới tham gia một khoá học của tôi. Cô ta nói với anh ta một điều mà tôi nghĩ các bạn sẽ đồng ý rằng đó là một câu hỏi hết sức thẳng thắn: “Có văn bản nào trong lớp này hay không?” Đáp lại với một vẻ tự tin tuyệt vời đến nỗi anh ta đã không hề ý thức về nó (mặc dù khi kể lại câu chuyện, anh ta xem khoảnh khắc này như là “bước vào một cái bẫy”), đồng nghiệp của tôi nói, “Có đấy; đó là cuốn Hợp tuyển Norton về Văn học,” và thế là cái bẫy (được đặt ra không phải bởi cô sinh viên mà bởi khả năng vô hạn của ngôn ngữ được sử dụng) đã bị sập: “Không, không,” cô ta nói, “ý em là trong lớp học này ta có tin vào những bài thơ và sự vật hay không, hay là ta chỉ tin vào ta mà thôi?” Bây giờ thì ta có thể (và để cho thật lôi cuốn) đọc giai thoại trên như là một sự minh hoạ cho những mối nguy khi đi theo nghe những người như tôi thuyết giảng về tính bất ổn của văn bản và tính không có sẵn của những nghĩa xác định; nhưng trong phần sau đây tôi sẽ cố gắng đọc nó như là một sự minh hoạ cho thấy nỗi sợ hãi về những mối nguy này rốt cuộc vô căn cứ đến nhường nào.

Trong số những lời công kích đối với cái mà Meyer Abrams gần đây gọi là Tân Độc giả (Derrida, Bloom, Fish) thì lời cáo buộc dai dẳng nhất cho rằng những tín đồ của tính bất định và bất khả quyết này phớt lờ, đồng thời lại dựa vào, “những chuẩn [norm] và những khả thể [possibility]” được ấn định vào ngôn ngữ, “những nghĩa ngôn ngữ [linguistic meaning]” mà các từ dứt khoát phải có, và bằng cách ấy kêu gọi ta rời bỏ “địa hạt thông thường chứa đựng kinh nghiệm trong việc nói, nghe, đọc và hiểu của ta” để đi đến một thế giới mà trong đó “không văn bản nào có thể ngụ ý điều gì cụ thể” và ở đó “ta không bao giờ có thể nói ra được ý muốn nói của bất kì ai thông qua bất cứ thứ gì anh ấy viết.[i] Lời cáo buộc cho rằng nghĩa đen [literal meaning] hay nghĩa quy chuẩn [normative meaning] bị gạt ra một bên bởi hành động của những người diễn giải cố ý. Giả sử ta xét bản cáo trạng này trong ngữ cảnh [context] của ví dụ hiện tại. Một cách chính xác, nghĩa quy chuẩn hay nghĩa đen hay nghĩa ngôn ngữ của câu hỏi “Có văn bản nào trong lớp này hay không?” là gì?

Trong khuôn khổ của tranh biện phê phán đương thời (như được phản ánh trong những trang viết, chẳng hạn, của tạp chí Critical Inquiry), dường như có hai cách trả lời câu hỏi này: hoặc  một nghĩa đen của phát ngôn và ta có thể nói ra được nó là gì, hoặc có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu nghĩa và trong số chúng không có nghĩa nào là nghĩa đen. Nhưng câu trả lời được gợi ra từ mẩu chuyện của tôi chính là phát ngôn có hai nghĩa đen: trong những hoàn cảnh được đồng nghiệp tôi thừa nhận (ý tôi không phải là anh ấy đã thực hiện hành động thừa nhận chúng, mà anh ta đã ở trong chúng từ trước rồi), phát ngôn hiển nhiên là một câu hỏi về việc có hay không có một quyển sách giáo khoa bắt buộc trong khoá học cụ thể này; nhưng trong những hoàn cảnh mà anh ấy đã được thông báo bởi lời phản hồi chỉnh sửa từ sinh viên của mình, phát ngôn đơn giản chỉ là một câu hỏi về quan điểm của người dạy (trong phạm vi những quan điểm hiện có trong lí luận văn học đương thời) về địa vị của văn bản. Chú ý rằng đây không phải một trường hợp của tính bất định [indeterminacy] hay bất khả quyết [undecidability] mà của một tính xác định và khả quyết vốn không phải lúc nào cũng cùng một kiểu và có thể, trong ví dụ này thì quả thực, thay đổi. Đồng nghiệp của tôi đã không do dự giữa hai (hoặc hơn hai) nghĩa khả thi của phát ngôn; thay vào đó, anh ấy ngay lập tức nắm bắt một cái nghĩa dường như không thể thoát khỏi, dựa trên hiểu biết được cấu trúc từ trước của anh về tình huống ấy, và lập tức sau đó anh lại nắm bắt một cái nghĩa không thể thoát khỏi khác ngay khi sự hiểu biết này được hiệu chỉnh. Cả hai nghĩa đều không bị áp đặt (một từ ưa thích trong những cuộc bút chiến phản-tân-độc-giả) lên một cái nghĩa hợp chuẩn hơn bởi một hành động diễn giải riêng tư, cá nhân; cả hai sự diễn giải đều phụ thuộc, một cách chính xác, vào những chuẩn mang tính cộng đồng và tính thiết lập (của ngôn ngữ và sự hiểu biết) mà Abrams đã viện dẫn. Chỉ là những chuẩn này không được ấn định vào trong ngôn ngữ (nơi mà chúng có thể được đọc to lên bởi bất kì ai với đôi mắt đủ sáng suốt, tức là, không thiên lệch) mà vốn thuộc về một cấu trúc định chế [institutional structure] trong đó một người nghe các phát ngôn với tư cách đã được tổ chức từ trước theo những chủ đích và mục tiêu giả định nào đó. Bởi vì cả đồng nghiệp của tôi và sinh viên của anh ta đều được đặt vào trong định chế ấy, những hoạt động diễn giải của họ không hề tự do, cái ràng buộc họ là những thực hành và những giả định được hiểu ngầm của định chế chứ không phải những quy tắc và nghĩa cố định của một hệ thống ngôn ngữ.

Một cách khác để diễn đạt điều này là khẳng định rằng cả hai cách đọc hiểu câu hỏi—để thuận tiện thì ta sẽ gán cho chúng là “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] và “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2]—đều ngay lập tức khả dụng [available: sẵn có để dùng] với bất kì người bản ngữ nào. “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] chỉ tỏ ra có thể diễn giải được và có thể đọc hiểu được đối với một ai đó đã biết trước điều gì được chứa đựng trong tiêu đề khái quát “ngày đầu của lớp học” (những mối bận tâm nào làm cho sinh viên hứng thú, những vấn đề hành chính nào phải được giải quyết trước khi việc giảng dạy bắt đầu) và đo đó nghe phát ngôn dựa trên nền tảng của kiến thức ấy, kiến thức này không được vận dụng sau khi sự việc diễn ra mà chính nó ngay lập tức tạo ra trạng thái của sự việc. Đối với một ai đó mà ý thức của người ấy không được thông báo từ đầu bởi kiến thức này, thì “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] cũng không khả dụng hệt như “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2] không khả dụng với một ai đó mà từ đầu đã không có kiến thức về những vấn đề gây tranh cãi trong lí luận văn học đương thời. Tôi đang không nói rằng đối với một số người đọc hay người nghe thì câu hỏi này hoàn toàn bất khả niệm [unintelligible: không thể hiểu được] (thực ra, trong tiểu luận này tôi sẽ biện luận rằng tính bất khả niệm ấy, trong một cách hiểu nghiêm nhặt hoặc thuần tuý, là không thể xảy ra), mà tôi nói rằng có những người đọc hoặc người nghe mà đối với họ tính khả niệm của câu hỏi này sẽ không có cả hai trạng thái mà nó đã thể hiện, lần lượt theo thời gian, đối với đồng nghiệp của tôi. Ví dụ, ta có thể tưởng tượng ra một ai đó sẽ nghe hoặc dự kiến về câu hỏi này như là một câu nghi vấn về vị trí của một vật, ấy là, “em nghĩ em đã bỏ quên văn bản của mình trong lớp này; thầy có thấy nó không?” Khi ấy ta sẽ có một câu “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[3] và có được cái khả thể, bị e sợ bởi những người bảo vệ cho sự quy chuẩn và xác định, về một chuỗi vô tận các số, tức là, về một thế giới trong đó mỗi phát ngôn có một tính phức số [plurality: số nhiều] vô hạn về nghĩa. Nhưng đó hoàn toàn không phải là điều mà cái ví dụ gợi ra, mặc dù nó có thể được mở rộng hơn. Trong bất kì tình huống nào tôi đã tưởng tượng ra (và có khả năng tưởng tượng ra), nghĩa của phát ngôn cũng bị hạn chế khắt khe, không phải sau khi nó được nghe mà trong những cách thức nó có thể, ngay từ đầu, được nghe. Một tính phức số vô hạn về nghĩa sẽ là một nỗi sợ chỉ khi nào các câu hiện diện trong một trạng thái mà ở đó chúng không bị ấn định vào, và không hiện ra như là một chức năng của, tình huống này hoặc tình huống nọ. Cái trạng thái ấy, nếu nó có thể được định vị, sẽ là một trạng thái quy chuẩn [normative], và quả thực sẽ phiền phức nếu cái chuẩn mực [norm] lại bấp bênh và bất định. Nhưng lại không tồn tại cái trạng thái như vậy; các câu chỉ hiện ra trong những tình huống, và bên trong những tình huống ấy, nghĩa quy chuẩn của một phát ngôn sẽ luôn hiển nhiên hay chí ít là khả tiếp [accessible: có thể tiếp cận], mặc dù bên trong một tình huống khác thì cũng phát ngôn ấy, [thực ra] không còn là nó nữa, sẽ có một nghĩa quy chuẩn khác chẳng hề kém hiển nhiên và kém khả tiếp hơn. (Trải nghiệm của đồng nghiệp tôi là một minh hoạ chính xác.) Điều này không có nghĩa là không có cách nào phân biệt giữa các nghĩa mà một phát ngôn sẽ có trong những tình huống khác nhau, mà có nghĩa là sự phân biệt ấy sẽ được tạo ra từ trước nhờ vào sự tồn tại của ta trong một tình huống (ta chẳng bao giờ lại không ở trong một tình huống cả) và trong một tình huống khác thì sự phân biệt ấy cũng được tạo ra từ trước rồi, nhưng theo một cách khác. Cũng có thể nói, trong khi bất kì lúc nào ta cũng luôn có thể sắp xếp và định thứ bậc cho “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] và “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2] (vì chúng sẽ luôn được định thứ bậc từ trước), sẽ không thể nào trao cho chúng một thứ bậc bất biến một lần và mãi mãi, một thứ bậc không phụ thuộc vào sự xuất hiện hoặc không xuất hiện trong những tình huống (vì chỉ có ở trong tình huống thì chúng mới xuất hiện hoặc không).

Tuy nhiên, có một sự khu biệt cần được tạo ra giữa hai câu để cho phép ta nói rằng, trong một cách hiểu có giới hạn, một câu bình thường [normal] hơn câu còn lại; vì trong khi mỗi câu hoàn toàn bình thường trong ngữ cảnh mà trong đó tính đen nghĩa [literalness] của chúng ngay lập tức trở nên hiển nhiên (những ngữ cảnh liên tiếp mà đồng nghiệp tôi ở trong), thì lúc này, một trong hai ngữ cảnh ấy chắc chắn trở nên khả dụng hơn, và do đó có khả năng hơn để trở thành viễn tượng [perspective] mà ở trong đó phát ngôn được nghe, so với ngữ cảnh còn lại. Thực ra, dường như ta có ở đây một ví dụ về cái mà tôi muốn gọi là “bao bọc bởi định chế [institutional nesting]”: nếu như “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] chỉ có thể nghe thấy được [hearable] bởi những ai biết đến những gì nằm trong phạm trù “ngày đầu đến lớp,” và nếu như “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2] chỉ có thể nghe thấy được bởi những ai mà các phạm trù hiểu biết của họ chứa những mối bận tâm về lí thuyết văn học đương đại, thì rõ ràng là trong một nhóm người ngẫu nhiên tiếp nhận phát ngôn, có nhiều người sẽ “nghe thấy” “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] hơn là “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2]; và, hơn nữa, trong khi “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] ngay tức thì có thể nghe được bởi một ai đó mà đối với người ấy “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2] sẽ phải được giải thích một cách vất vả, thì khó mà hình dung ra một ai đó có khả năng nghe thấy “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[2] mà lại không có khả năng nghe thấy “Có văn bản nào trong lớp này hay không?”[1] từ trước. (Một câu có thể nghe thấy được bởi bất kì ai trong ngành và bởi hầu hết các sinh viên cũng như bởi nhiều người làm việc trong nghề bán sách, và câu còn lại chỉ bởi những người trong ngành mà sẽ không lấy làm lạ khi đi tìm, như tôi đã vừa mới làm, một nhà phê bình đề cập đến một cụm từ “được phổ biến bởi Lacan.”) Thừa nhận như vậy không phải để làm yếu đi lập luận của tôi bởi việc khôi phục phạm trù của cái bình thường, vì cái phạm trù xuất hiện trong lập luận ấy không có tính siêu nghiệm [transcendental] mà có tính định chế [institutional]; và trong khi không có định chế nào có ảnh hưởng phổ quát và tồn tại vĩnh viễn đến nỗi các nghĩa mà nó cấp quyền sẽ mãi mãi bình thường, thì một số định chế hoặc hình thức đời sống rất được phổ biến bởi lẽ, đối với rất nhiều người, các nghĩa mà chúng cấp quyền dường như có sẵn một cách “tự nhiên” và cần một nỗ lực đặc biệt để thấy rằng chúng là những sản phẩm của hoàn cảnh.

Ý trên là một ý quan trọng, vì nó giải thích cho sự thành công của một Abrams hay một E.D. Hirsh trong việc có thể làm xác tín cho một thứ hiểu biết được chia sẻ [shared understanding] về ngôn ngữ thông thường [ordinary language] và lập luận từ sự hiểu biết ấy để đi đến tính khả dụng [availability] của một nòng cốt các nghĩa xác định. Khi Hirsh đưa ra câu “Không khí mát lạnh [The air is crisp]” như là ví dụ của một cái “nghĩa ngôn từ [verbal meaning]” mà tất cả những người nói ngôn ngữ ấy đều có thể tiếp cận được, và khu biệt cái có thể chia sẻ được [sharable] và có tính xác định về nó với những liên tưởng [association] có thể, trong những hoàn cảnh nào đó, đi liền theo nó (ví dụ, “Tôi lẽ ra nên ăn ít vào bữa khuya.” “Không khí mát lạnh nhắc tôi nhớ về tuổi thơ ở Vermont”),[ii] ông ấy đang trông chờ những người đọc của ông đồng ý hoàn toàn với cách hiểu của ông về thế nào là cái nghĩa ngôn từ quy chuẩn và được chia sẻ ấy, đến nỗi ông thậm chí chẳng phiền phải làm rõ nó; và mặc dù tôi chưa làm một khảo sát, tôi cũng muốn mạo muội đoán rằng sự lạc quan của ông, đối với ví dụ cụ thể này, là có căn cứ. Ấy chính là hầu hết, nếu không phải tất cả, người đọc của ông đều ngay tức khắc hiểu phát ngôn như là một sự mô tả khí tượng học đại khái để dự báo một tính chất nào đó của bầu không khí địa phương. Nhưng “sự hạnh phúc” của ví dụ này, vốn không làm nên quan điểm của Hirsch (cái quan điểm, như ông vừa khẳng định lại gần đây, luôn luôn nhằm duy trì “tính xác định bền vững của nghĩa”)[iii], lại làm nên quan điểm của tôi. Tính hiển nhiên của nghĩa của phát ngôn không phải là một chức năng của những giá trị của các từ ngữ của nó sở hữu trong một hệ thống ngôn ngữ không phụ thuộc vào ngữ cảnh; thay vào đó, chính vì các từ được nghe thấy như là đã được ấn định từ trước vào trong một ngữ cảnh nên chúng mới có một cái nghĩa mà Hirsch sau đó có thể viện dẫn như là hiển nhiên. Người ta có thể thấy điều này bằng cách ấn định các từ vào trong một ngữ cảnh khác và quan sát xem một cái nghĩa “hiển nhiên” khác lại xuất hiện nhanh đến thế nào. Giả sử, ví dụ, ta chợt bắt gặp câu “Không khí mát lạnh” (mà bạn thậm chí đang nghe thấy vì Hirsch giả định bạn nghe thấy nó) ở giữa một cuộc bàn thảo về âm nhạc (“Khi bản nhạc được dạo lên đúng cách thì không khí mát lạnh”); nó ngay tức khắc sẽ được nghe thấy như là một nhận xét về sự trình diễn bằng một hay nhiều nhạc cụ của một không khí âm nhạc. Hơn nữa, nó sẽ chỉ được nghe thấy theo cách ấy, và để nghe nó theo cách của Hirsch thì phải cần đến một nỗ lực gần giống như một sự căng thẳng. Có thể phản bác [điều ấy] rằng trong văn bản “Không khí mát lạnh” của Hirsch chẳng có phông nền ngữ cảnh nào cả; nó chỉ đơn thuần được trình diện, và do đó bất cứ thoả thuận nào về nghĩa của nó cũng phải như vậy nhờ vào những đặc tính phi ngữ cảnh [acontextual] của phát ngôn. Thế nhưng  một phông nền ngữ cảnh và dấu hiệu cho sự hiện diện của nó chính là sự vắng mặt của bất cứ sự quy chiếu nào đến nó. Tức là, ta thậm chí không thể nào nghĩ về một câu một cách độc lập với một ngữ cảnh, và khi ta được yêu cầu xem xét một câu mà đối với nó không có ngữ cảnh nào được định rõ, thì ta sẽ tự động nghe nó trong cái ngữ cảnh mà nó thường xuyên được bắt gặp nhất. Như vậy Hirsch gợi lên một ngữ cảnh bằng cách không gợi nó lên; bằng cách không bao vây phát ngôn bởi hoàn cảnh, ông định hướng chúng ta hình dung về nó trong những hoàn cảnh mà ở đó nó có nhiều khả năng được tạo ra nhất; và hình dung về nó như vậy tức là từ ban đầu đã trao cho nó một hình thù mà hiện tại có vẻ là hình thù duy nhất khả thi.

Những kết luận nào có thể được suy ra từ hai ví dụ này? Trước hết, cả câu của đồng nghiệp tôi lẫn câu của người đọc của Hirsch đều không bị ràng buộc bởi các nghĩa mà các từ sở hữu trong một hệ thống ngôn ngữ quy chuẩn; và tuy vậy không có người nào tự do cấp cho một phát ngôn bất kì nghĩa nào họ thích. Thực chất, từ “cấp [confer]” đích thị là một từ sai vì nó hàm chỉ một thủ tục hai giai đoạn trong đó một người đọc hoặc người nghe đầu tiên xem xét kĩ một phát ngôn và sau đó trao cho nó một cái nghĩa. Lập luận của những trang trước có thể được quy giản về lời nhận định rằng không tồn tại cái giai đoạn đầu tiên như thế, rằng người ta sẽ nghe một phát ngôn trong phạm vi của, và không phải nghe như là chuẩn bị để xác định, một hiểu biết về những mục đích và những vấn đề của nó, và rằng nghe nó theo cách ấy tức là đã gán cho nó một hình thù và trao cho nó một cái nghĩa rồi. Nói cách khác, vấn đề nghĩa được xác định như thế nào chỉ là một vấn đề nếu như tồn tại một thời điểm nào đó mà sự xác định chưa được tạo ra, và tôi đang nói rằng không tồn tại một thời điểm nào như thế.

[...]


Nguồn:


https://static1.squarespace.com/static/5441df7ee4b02f59465d2869/t/5a71494c0852295f5a2b3d2b/1517373776030/FISH++Is+There+a+Text+In+This+Class.pdf



[i] M.H. Abrams, “The Deconstructive Angel [Hộ sứ Giải kiến tạo],” Critical Inquiry, tập 3, số 3 (Xuân 1977), 431, 434.

[ii] E.D. Hirsch, Validity in Interpretation [Hiệu lực trong sự diễn giải] (New Haven: Yale University Press, 1967), tr. 218–219.

[iii] E.D. Hirsch, The Aims of Interpretation [Những mục đích của sự diễn giải] (Chicago: University of Chicago Press, 1976), tr. 1.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến