BIỆN PHÁP TU TỪ: KHÁI NIỆM, LOẠI HÌNH, CHỨC NĂNG
Biện pháp tu từ: khái niệm, loại hình, chức năng
Nguyễn Minh Nhật Nam
1. Khái niệm biện pháp tu từ
Về thuật ngữ, có nhiều thuật ngữ khác nhau đối với khái niệm biện pháp tu từ. Ở nước ngoài, biện pháp tu từ được nghiên cứu dưới nhiều thuật ngữ: (1) “rhetorical device” (biện pháp tu từ), (2) “figure of speech” (mĩ từ pháp của lời nói), (3) “stylistic device” (biện pháp phong cách). Thuật ngữ (1) và (2) cho thấy cách định danh mang dấu ấn của bộ môn Tu từ học cổ đại (Rhetorics) [*]. Thuật ngữ (3) cho thấy cách định danh của ngành khoa học Phong cách học (Stylistics). Ở Việt Nam, “biện pháp tu từ” còn được một số tác giả gọi là “cách tu từ”, “phương thức tu từ”, “mĩ từ pháp”. Chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “biện pháp tu từ”, tương ứng với “rhetorical device” trong tiếng Anh vì đây là thuật ngữ được thông dụng ở Việt Nam.
Về định nghĩa, chúng tôi dẫn ra và nhận xét một số quan điểm của các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam về biện pháp tu từ:
1. “Figura được quan niệm là những cách thức, những hình thức diễn đạt bóng bẩy gợi cảm, có sức hấp dẫn, lôi cuốn trong khi trình bày. […] Thời cổ Hi Lạp người ta gắn cách tu từ với nghệ thuật viết văn và nghệ thuật hùng biện. Sau này người ta lại gắn cách tu từ với ngôn ngữ văn chương, coi cách tu từ là hình thức diễn tả dùng riêng cho văn chương. Thực tế […] cách tu từ là phương tiện biểu hiện chung của mọi phong cách chứ không chỉ là tài sản riêng cho một phong cách nào” (Cù Đình Tú 1994: 269 – 270). Chúng tôi tán thành với nhận xét của tác giả về mối quan hệ giữa biện pháp tu từ và phong cách chức năng.
2. Theo Nguyễn Thái Hoà (1997: 12), “phương thức tu từ được định nghĩa là một cách nói sinh động hơn ngôn ngữ bình thường và hay là để gợi cảm xúc một ý tưởng bằng một hình ảnh, một sự so sánh, hoặc là đập mạnh vào sự chú ý bằng sự chính xác hay độc đáo của nó”.
3. Theo Nguyễn Thái Hoà (2006: 61), “[…] muốn chỉ các thủ pháp tiêu biểu làm nên giá trị tu từ ví như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, v.v. người ta thường dùng thuật ngữ phương tiện tu từ (figures)”.
4. Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà (2016: 60) phê phán một số công trình đi trước đã có quan điểm hẹp về biện pháp tu từ, đồng nhất biện pháp tu từ với phép mĩ từ (những cách thức diễn đạt gợi cảm, bóng bẩy), chỉ xem xét biện pháp tu từ như là những phương thức biểu hiện về mặt ngữ nghĩa. Theo hai tác giả, “biện pháp tu từ, định nghĩa một cách khái quát, đó là những cách phối hợp sử dụng trong hoạt động lời nói các phương tiện ngôn ngữ (không kể là trung hoà hay diễn cảm) để tạo ra hiệu quả tu từ (tức tác dụng gợi hình, gợi cảm, nhấn mạnh, làm nổi bật…) do sự tác động qua lại của các yếu tố trong một ngữ cảnh rộng” (Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà 2016: 61).
Theo hai tác giả, cần có hai sự phân biệt sau đây: sự phân biệt giữa phương tiện tu từ và phương tiện trung hoà; sự phân biệt giữa biện pháp tu từ và phương tiện tu từ. “Phương tiện tu từ là những phương tiện ngôn ngữ, mà ngoài ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa sự vật – lôgic) ra, chúng còn có ý nghĩa bổ sung, còn có màu sắc tu từ” (Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà 2016: 59). Màu sắc tu từ là phần thông tin bổ sung, là ý nghĩa biểu cảm – cảm xúc của một phương tiện ngôn ngữ (Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà 2016: 57 – 58). Phương tiện tu từ nằm trong thế đối lập tu từ học với phương tiện (ngôn ngữ) trung hoà vốn không có màu sắc tu từ (Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà 2016: 60). Trên cơ sở sự phân biệt thứ nhất này, hai tác giả lí giải sự phân biệt thứ hai: “Người sử dụng ngôn ngữ – như một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất – cần luôn có ý thức rằng mình có trong đầu hai loại phương tiện ngôn ngữ (đứng ở góc độ tu từ) là phương tiện trung hoà và phương tiện tu từ […], đồng thời cũng biết rằng trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, ngoài những biện pháp sử dụng thông thường, còn có những biện pháp sử dụng ngôn ngữ đặc biệt, gọi là những biện pháp tu từ” (Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà 2016: 60). Tóm lại, Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà cho rằng phương tiện tu từ là các phương tiện ngôn ngữ tự thân có màu sắc tu từ còn biện pháp tu từ là cách thức sử dụng phối hợp những phương tiện tu từ và/ hoặc phương tiện trung hoà để tạo ra giá trị tu từ cho lời nói.
Nguyễn Thái Hoà (2006: 65) đưa ra các đặc điểm của biện pháp tu từ trong sự phân biệt với phương tiện tu từ. Phương tiện tu từ có tính khách quan, tính tiềm ẩn, tính hệ thống và tính hữu hạn; thuộc bình diện ngôn ngữ. Biện pháp tu từ có tính chủ quan cá nhân, tính cụ thể, tính phụ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng (tính phi hệ thống) và tính vô hạn; thuộc bình diện lời nói.
Khái niệm biện pháp tu từ của nhóm Đinh Trọng Lạc có tính khoa học, khu biệt cao, tuy nhiên vẫn còn thiếu sót. Các tác giả chỉ xem biện pháp tu từ là cách phối hợp sử dụng các phương tiện ngôn ngữ; đây là cách nhìn hẹp. Hệ thống ngôn ngữ được tổ chức theo hai quan hệ chính: quan hệ kết hợp (trục ngang, trục kết hợp các phương tiện ngôn ngữ) và quan hệ đối vị (trục dọc, trục thay thế phương tiện ngôn ngữ này bằng phương tiện ngôn ngữ khác); do đó người sử dụng ngôn ngữ cũng có hai cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ: kết hợp (phối hợp, tổ hợp) và thay thế (lựa chọn, tuyển chọn) các phương tiện ngôn ngữ để tạo thành phát ngôn. Biện pháp tu từ phải là cách sử dụng ngôn ngữ trên cả hai trục kết hợp và thay thế để tạo ra giá trị tu từ.
Do đó, chúng tôi định nghĩa biện pháp tu từ là cách thức lựa chọn, phối hợp sử dụng các phương tiện ngôn ngữ khi diễn đạt nội dung phát ngôn, nhằm tạo ra giá trị thẩm mĩ – biểu cảm (hiệu quả tu từ) cho phát ngôn, phục vụ mục đích giao tiếp trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể của người sử dụng ngôn ngữ.
2. Loại hình biện pháp tu từ
Cũng có nhiều quan điểm khác nhau ở Việt Nam về sự phân chia loại hình biện pháp tu từ. Tuy nhiên có hai hướng phân loại chính:
1. Phân loại dựa trên tiêu chí nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ (theo hai trục thay thế và kết hợp) của biện pháp tu từ;
2. Phân loại theo tiêu chí cấp độ của các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng (cấp độ sử dụng) trong biện pháp tu từ.
Đi theo hướng thứ nhất có Cù Đình Tú (1994). Theo tác giả, “cơ sở để tạo nên các cách tu từ cũng là hai quan hệ liên tưởng và quan hệ tổ hợp trong ngôn ngữ” (Cù Đình Tú 1994: 271). Theo Cù Đình Tú, biện pháp tu từ (“cách tu từ”) có hai loại hình lớn:
- Các “cách tu từ” cấu tạo theo quan hệ liên tưởng, bao gồm so sánh tu từ, ẩn dụ tu từ, nhân hoá, phúng dụ, hoán dụ tu từ, tượng trưng, v.v.;
- Các “cách tu từ” cấu tạo theo quan hệ tổ hợp, bao gồm điệp từ ngữ, đồng nghĩa kép, tiệm tiến, đột giáng, tương phản, im lặng, khoa trương, nói giảm, chơi chữ, v.v.
Các phân loại của Cù Đình Tú có ưu điểm là gọn gàng, đơn giản. Hơn nữa, “do hai quan hệ liên tưởng và quan hệ tổ hợp là chung cho mọi ngôn ngữ trên thế giới cho nên cách tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, khoa trương, tăng tiến… đều là chung cho nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tính chất riêng trong cách tu từ của mỗi ngôn ngữ thể hiện ra ở chỗ: a) Các cách tu từ được thực hiện trên cơ sở những đặc điểm về kết cấu ngữ âm, kết cấu ngữ pháp, kết cấu từ vựng – ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ. […] b) Truyền thống diễn đạt của mỗi dân tộc cũng có tác dụng tạo nên vẻ riêng biệt trong cách tu từ của mỗi ngôn ngữ” (Cù Đình Tú 1994: 271). Do đó đây không phải là hệ thống biện pháp tu từ chỉ có ở tiếng Việt mà còn áp dụng được với tiếng Anh, Pháp, v.v.
Đi theo hướng thứ hai có Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà. Cả hai tác giả đều lấy tiêu chí loại phương tiện diễn đạt chia theo cấp độ của ngôn ngữ (language level). Nguyễn Thái Hoà (1997: 12) viết: “Ngày nay, người ta có thể phân loại các P.T.T.T [phương tiện tu từ] dựa vào sự phân loại các phương tiện diễn đạt (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp)”. Ông phân chia biện pháp tu từ (“phương thức tu từ”) thành các loại hình sau:
- Các “phương thức tu từ” ngữ âm, bao gồm đảo âm, nhương phôi, thêm từ vĩ, lược âm, phiên âm, hợp âm, đoạn vĩ, lược xuyết, đoản súc, v.v.
- Các “phương thức tu từ” từ vựng, bao gồm ẩn dụ, phúng dụ, nhân hoá, hoạt dụ, hoán trạng, hoán dụ, cải danh, điệp từ, đảo ngữ, phản ngữ, phản cú, v.v.
- Các “phương thức tu từ” cú pháp, bao gồm đảo trí/ đảo ngữ, ẩn ngữ, trùng cú, liên tục, chiếu ứng, phân nghĩa giới từ, đối cú, v.v.
- Các “phương thức tu từ” tư duy (văn bản), bao gồm nghi vấn tu từ/ câu hỏi tu từ, cảm thán, thông báo, dự báo, cầu khiến, nhượng bộ, liệt kê, tăng cấp, treo, nói lửng, ngắt câu, nói ngoa/ phóng đại, nói giảm, nói vòng/ uyển ngữ, nhược hoá, ẩn ý, hoạt tả, cảm hoán ngữ, đối ngẫu, v.v.
Tuy nhiên, hệ thống các tiểu loại của Nguyễn Thái Hoà (1997) còn nhiều sự chồng chéo: các phương thức tu từ tư duy thực chất bao hàm một số phương thức tu từ từ vựng (ví dụ: uyển ngữ, nói giảm), cú pháp (ví dụ: nói lửng, ngắt câu). Trong Giáo trình phong cách học tiếng Việt năm 2006 (đã dùng thuật ngữ “biện pháp tu từ”, phân biệt với “phương tiện tu từ”), Nguyễn Thái Hoà điều chỉnh hệ thống phân loại, chia biện pháp tu từ thành 4 loại hình lớn: các biện pháp tu từ ngữ âm, gồm điệp thanh điệu, điệp vần, điệp phụ âm đầu, v.v.; các biện pháp tu từ từ vựng, gồm điệp từ, đồng nghĩa kép, liệt kê và tăng cấp, chơi chữ, dẫn ngữ, v.v.; các biện pháp tu từ cú pháp – ngữ nghĩa, gồm điệp cú, đảo cú, chiết cú, v.v.; các biện pháp tu từ văn bản.
Đến Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà (2016), hệ thống phân loại như sau:
- Các biện pháp tu từ ngữ âm, gồm hài thanh, điệp âm, điệp thanh, biến nhịp, điệp khúc, v.v.;
- Các biện pháp tu từ từ vựng, gồm hội tụ, triển khai từ ngữ, v.v.;
- Các biện pháp tu từ ngữ nghĩa, gồm điệp ngữ, đồng nghĩa kép, liệt kê và tăng cấp, đột giáng, chơi chữ, dẫn ngữ, v.v.;
- Các biện pháp tu từ cú pháp, gồm điệp cú pháp, nhấn mạnh các thành phần câu, tách các thành phần câu, dùng giải ngữ, v.v.;
- Các biện pháp tu từ văn bản, gồm quan hệ quy định, quan hệ hoà hợp, quan hệ tương phản.
Có một số vấn đề cần nhận xét về hai phân loại trên đây.
1. Đối với hướng thứ hai, các công trình vẫn chưa thống nhất về số lượng các cấp độ và loại phương tiện ngôn ngữ, còn nhập nhằng giữ “từ vựng” và “ngữ nghĩa”. Chúng tôi làm rõ như sau:
- Cấp độ ngữ âm có phương tiện là âm, thanh của ngôn ngữ;
- Cấp độ từ vựng có phương tiện là từ, ngữ cố định;
- Cấp độ ngữ nghĩa có phương tiện là nghĩa của từ, nghĩa của ngữ đoạn, nghĩa của câu;
- Cấp độ cú pháp có phương tiện là kiểu câu, cấu trúc câu, ngữ đoạn;
- Riêng cấp độ văn bản thuộc bình diện lời nói, có phương tiện là mô hình văn bản.
2. Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hoà không xếp so sánh, ẩn dụ và hoán dụ tu từ vào biện pháp tu từ mà xếp vào phương tiện tu từ, chính vì hai tác giả chỉ cho rằng biện pháp tu từ là “cách thức phối hợp sử dụng” phương tiện ngôn ngữ, tức là chỉ xét trên trục ngang. So sánh, ẩn dụ và hoán dụ tu từ được hai tác giả xem là những định danh thứ hai của sự vật, đối tượng; thực chất đó là kết quả của biện pháp chuyển nghĩa hoạt động trên trục dọc của ngôn ngữ. Hơn nữa, ẩn dụ, so sánh và hoán dụ tu từ không có trong hệ thống ngôn ngữ, nên không xếp vào phương tiện tu từ được. Màu sắc tu từ của so sánh, ẩn dụ, hoán dụ tu từ là kết quả của việc sử dụng biện pháp tu từ tương ứng. Chúng tôi đồng tình với Cù Đình Tú (1994): Ẩn dụ, so sánh và hoán dụ tu từ là sự thay thế tên gọi bình thường một sự thể bằng tên gọi khác mang màu sắc tu từ (lợi dụng quan hệ đối vị – trục dọc của ngôn ngữ), do đó phải được xem là biện pháp tu từ.
3. Chức năng và vai trò của biện pháp tu từ
Quan điểm của chúng tôi trong tiểu luận là sự phân biệt tương đối giữa chức năng và vai trò của biện pháp tu từ trong phát biểu.
Nói đến chức năng (function) của biện pháp tu từ là chủ yếu nói đến hiệu quả của nó đối với phát ngôn (hiệu quả tu từ).
Nói đến vai trò (role) của biện pháp tu từ là chủ yếu nói đến hiệu quả của nó đối với người nói (tạo dựng phong cách cá nhân của người nói) và việc thực hiện mục đích giao tiếp giữa người nói và người nghe (có quan hệ vai) về một đề tài nhất định trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định.
Nói chung, cả chức năng và vai trò của biện pháp tu từ trong phát biểu đều là hướng đến hiệu quả ngữ dụng (pragmatic effect) của nó: tăng sức biểu cảm cho diễn đạt, thực hiện mục đích giao tiếp, tạo phong cách cá nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Thái Hoà. (1997). Dẫn luận phong cách học. Hà Nội: Giáo dục.
Nguyễn Thái Hoà. (2006). Giáo trình phong cách học tiếng Việt. Hà Nội: Đại học Sư phạm.
Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hoà. (2016). Phong cách học tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục Việt Nam.
Cù Đình Tú. (1994). Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục.
[*] Tu từ học cổ đại (Mĩ từ pháp cổ đại, tiếng Latin là ‘Rhetorica’) bắt nguồn từ truyền thống hùng biện – chính luận thời Hi Lạp cổ đại. Bấy giờ, các triết gia, nhà hùng biện Hi Lạp khởi xướng và thành lập môn học “Rhetorike” – một nghệ thuật, một khoa học “bàn về các cách tạo nên lời văn hoa mĩ, bàn về các thuật hùng biện trong diễn thuyết” (Cù Đình Tú 1994: 15). Một trong những thành tựu của Tu từ học cổ đại là tìm và định danh các biện pháp tu từ (phép mĩ từ – tiếng Latin là “figura”, nghĩa là “hình thức, bóng bẩy”) được dùng để tạo ra tính hoa mĩ, lôi cuốn và truyền cảm trong lời nói hùng biện (Cù Đình Tú 1994: 269).
Nhận xét
Đăng nhận xét