HÌNH DUNG LẠI NAM TÍNH (Reimagining Masculinity) | Ocean Vuong
HÌNH DUNG LẠI NAM TÍNH
Ocean Vuong
(Ảnh: The Paris Review)
“Không phải đồng tính [No homo],” cậu con trai nói, hồ như không thấy được trong ánh sáng mờ nhoạng của căn phòng, khi cậu ôm bàn chân tôi trong lòng bàn tay. Cậu ấy đang quỳ trước tôi – cái cậu vận động viên hạng hai của đội bóng rổ JV (1) cao 6’2” này – khi tôi ngồi trên giường của cậu, chân tôi lơ lửng trên mái tóc xù. Đầu cậu cúi xuống để xoáy tóc trên đỉnh đầu lộ ra, mồ hôi túa ra từng giọt đón hoàng hôn mùa thu qua cửa sổ. Đối với thân thể thì bất cứ điều gì cũng có thể, chúng tôi nghĩ vậy. Nhưng đối với ngôn ngữ thì không phải lúc nào cũng vậy. “Không phải đồng tính,” cậu lặp lại trước khi quấn băng thun một lần, hai lần, ba lần quanh mắt cá chân bị rạn của tôi, và mục đích của cụm từ giờ đã rõ ràng với tôi: một mật khẩu, một câu thần chú, một tấm thẻ-ra-tù-tự-do, để liên lạc. Để hai đứa con trai có thể đến gần nhau trong một vương quốc được cai trị bởi những luật lệ bất minh nhưng eo hẹp về nam tính của người Mỹ, chúng tôi cần phép màu.
Không phải đồng tính. Mấy từ ấy giúp cậu giữ chân tôi bằng sự chăm sóc và dịu dàng của một y tá, vì tôi đã bị bong gân mắt cá chân nửa tiếng trước đó khi chơi trò săn người ở vườn cây ăn quả McIntosh. Chúng tôi chạy, thân thể óng bạc trong bóng tối đang phủ nhanh, những thiếu niên đang chơi đánh trận.
Cậu con trai – hãy gọi cậu ấy là K – đã đỡ tôi dậy, tay tôi choàng qua vai cậu khi tôi khập khiễng tiến về nhà cậu ấy, ở ngay bên kia vườn cây ăn quả. Trận chiến vẫn đang diễn ra xung quanh chúng tôi, giọng của những đứa con trai khác phá lên xuyên qua những bụi cây, và trận chiến lớn hơn, ở Afghanistan (vì bấy giờ là năm 2005), đã mở rộng thêm những gì đang bị đe dọa ở thế giới ngoài kia, ngoài ánh hoàng hôn yếu ớt của thời thơ ấu.
Không phải đồng tính.
Tôi quay đi chỗ khác, như thể không phải mắt cá chân, mà là con vật bị cán chết trên đường, đangở trong đôi tay cậu. Thay vào đó, tôi nhìn lướt qua căn phòng, những bức tường xếp hàng đầy những chiếc cúp bóng chày bắt lấy ánh đèn đường bên ngoài vừa nhấp nháy. Tôi có thấy cậu ấy đẹp trai không? Có. Có vấn đề gì không? Không.
“Anh giỏi trốn thật,” cậu ấy nói với bàn chân tôi, và mặc dù cậu có ý nói đến trò săn người [manhunt], nhưng cậu cũng có thể đang nói đến đàn ông [manhood]. Chẳng phải đó cũng là một nơi tôi đã cùng một lúc trốn trong nó và trốn khỏi nó hay sao?
*
Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi là nam giới [being a male] – là một người đàn ông [being a he] – bởi vì cả cuộc đời là đàn ông của tôi không thể thoát khỏi nam tính bá quyền. Ở bất cứ nơi nào tôi nhìn vào, tính đàn ông [he-ness] gần giống như cơn hung hăng mà tôi cảm thấy đầy giả trá – hoặc tồi tệ hơn, ở những thị trấn lao động cổ cồn xanh ở New England mà tôi lớn lên, tự tàn huỷ. Nam tính, hay cái mà ở Mỹ ta đã cho phép nó là, thường được hiện thực hóa thông qua bạo lực. Ở đây, ta tán dương những chàng trai của ta, những người đến lượt mình thì tán dương nhau, thông qua từvựng của sự chinh phục [lexicon of conquest]:
You killed it, buddy. Knock ‘em dead, big guy. You went into that game guns blazing. You crushed it at the talent show. It was a blow out. No, it was a massacre. My son’s a beast. He totally blew them away. He’s a lady killer. Did you bag her? Yeah, I fucked her brains out. That girl’s a grenade. I’d still bang her. I’d smash it. Let’s spit roast her. She’s the bomb. She’s blowing up. I’m dead serious.
[Mày đã giết nó, anh bạn. Đánh chết chúng đi, thằng bự con. Mày đã bước vào trò chơi ấy với sức mạnh bừng bừng. Mày đã nghiền nát nó tại buổi biểu diễn tài năng. Đó là một cơn phẫn nộ. Không, đó là một cuộc tàn sát. Con trai tôi là một mãnh thú. Nó đã hoàn toàn thổi bay bọn chúng. Nó là một đứa sát gái. Mày đã giành lấy cô ấy hả? Phải, taođã làm cô ấy sướng điên lên. Con nhỏ đó là một quả lựu đạn. Tao vẫn sẽ làm tình với nó. Tao sẽ xử đẹp chuyện này. Hãy cùng nhau thịt nó đi. Nhỏ đó là quả bom. Nhỏ đó đang nổ tung. Tao chết thật rồi.]
Ở một mức độ nào đó, đây chỉ là những ẩn dụ, những biện pháp phóng đại của lời nói – không có gì khác. Nhưng, theo suy nghĩ của tôi, có những cội rễ mạnh mẽ giữa những cụm từ này với quá khứ bạo lực của đất nước này. Từ Các Kiến Quốc Phụ [Founding Fathers] đến Vận Mệnh Hiển Nhiên [Manifest Destiny], căn tính tự thân của nước Mỹ đã được tạo hình từ huyền thoại về nhà thám hiểm và nhà kiến lập được mài dũa có tinh thần cách mạng và tự lập của một thế giới mới, vô nhiễm mà có thể chiếm làm thuộc địa. Hình tượng nhân vật người tiên phong, người truy tầm can đảm và khắc kỉ, đã bỏ qua và xóa bỏ tội ác diệt chủng người Mỹ bản địa mà vốn đã khiến cho một nhân vật như vậy trở nên khả hữu. Nghịch lí của người Mỹ về nam tính bá quyền cũng là nghịch lí về căn tính. Bởi vì cuộc sống của người Mỹ được đặt nền tảng trên cái chết, nên nó phải coi cái chết như một trò thực dụng, nó phải tán dương cái chết. Và bởi vì cái chết được coi là sự tiến bộ, các ẩn dụ của nó đã sớm trở thành thước đo của sự sống, về sự trưởng thành của con trai. Mày giết chết nó rồi.
*
Nhiều năm sau, trong một cuộc đời khác, trước khi đọc bài, người tổ chức đã hỏi tôi những đại từ tôi ưa thích. Tôi chưa bao giờ biết rằng tôi có một sự lựa chọn. “Anh/anh ấy” [he/him] tôi nói, sau một hồi dừng lại, đột nhiên không chắc chắn. Nhưng tôi cảm thấy một cánh cửa đã mở ra – nếu chỉ là một chút – và qua đó, tôi đã thoáng thấy một con đường mà tôi đã không biết là nó hiện hữu. Đã có một lối thoát.
Nhưng nếu tôi chưa muốn rời căn phòng này, mà chỉ muốn làm cho nó rộng hơn thì sao? Những đại từ như họ [they/them], đối với những người bạn chuyển giới [trans] và gia đình của tôi, là một nơi lánh nạn [refuge] – một điểm đến được đảm bảo thông qua sự tháo chạy và tự chủ [self-agency]. Đại từ họ thừa nhận một giao diện nơi người ta có thể nhanh chóng mã hóa bản thân như là phi chuẩn [nonnormative], với những hi vọng vượt tránh nỗi đau và sự lúng túng của việc giải thích hay sự nhọc nhằn của tính khả giải [labor of legibility] (2) khi mà chỉ tồn tại thôi cũng có thể gây mỏi mệt. Liệu tôi, bằng cách thay đổi đại từ, có đặt bản thân mình vào một không gian mà người khác cần để tồn tại?
Là một người tị nạn chiến tranh, tôi biết một chỗ đứng nhỏ bằng một từ có thể quan trọng đến nhường nào. Và vì là một nam giới thuận biểu [cis-presenting], tôi không cần phải chạy trốn khỏi tính đàn ông để được coi là chính mình, tôi sẽ ở lại đây. Liệu những bức tường của nam tính, được dựng lên từ rất lâu trước đây thông qua các sắc lệnh về cái chết và sự chinh phục, có thể bị chọc thủng, phá vỡ, đúc lại – thậm chí được chữa lành? Nói cách khác, tôi dấn thân vào việc gây rắc rối cho tính đàn ông. Tôi muốn làm phức tạp, mở rộng và thay đổi nó bằng cách tồn tại bên trong nó. Và tôi ở đây vì chính những lí do mà tôi cảm thấy, vào những ngày tồi tệ, rằng tôi nên bỏ hẳn nó đi: rằng tôi không nhận ra mình bên trong những thứ bậc thống trị của nó – nhưng tôi tin rằng nó có thể trưởng thành để giữ tôi chặt hơn. Có lẽ một ngày nào đó, nam tính có thể trở nên nhiều vô số, rất dễ uốn nắn; nó không còn cần một ranh giới cố định để nhận ra chính nó. Nó có thể không cần phải là chính nó chút nào. Tôi cũng tự hỏi rằng điều đó có phải là sự lệch chuẩn của một không gian hay không? Tôi tự hỏi liệu có bao giờ con trai có thể băng bó chân cho nhau, trong tình bạn, mà không có một mật khẩu nào – chỉ có con đường, giữa người này với người kia, mà không có nỗi xấu hổ.
Không phải đồng tính, K nhắc nhở tôi, khi cậu cắn miếng băng y tế, xoa dọc theo chiều dài mắt cá chân sưng tấy của tôi. Cậu xỏ chiếc Vans màu trắng của tôi vào lại – nhưng không cẩn thận nới lỏng dây giày, chừa chỗ cho vết thương mới của tôi. Không phải đồng tính, cậu đã nói. Nhưng tất cả những gì tôi đã nghe, tất cả những gì tôi vẫn nghe, là Không phải con người [No human]. Làm sao ta có thể không yêu cầu nam tính thay đổi khi, ở bên trong nó, ta đã trở nên đầy thương tích?
“Anh sẽ ổn thôi mà,” cậu ấy nói – với một sự dịu dàng hiếm thấy như bị đánh cắp khỏi một nơi xa trong anh. Tôi với lấy tay cậu.
Cậu kéo tôi dậy, xoay người rời khỏi phòng. “Tắt đèn đi [Kill the lights],” cậu nói qua vai.
Và tôi giết chúng.
Tôi làm cho nó tối tăm đến mức ta có thể là bất cứ thứ gì, thậm chí hơn cả những gì mà khi sinh ra ta là. Ta có thể là con người.
Nguyễn Minh Nhật Nam dịch và chú thích.
Nguồn: Vuong, O. (10/6/2019). Reimagining Masculinity. https://www.theparisreview.org/blog/2019/06/10/no-homo/
1. Các trường trung học ở Mỹ khuyến khích học sinh tham gia các bộ môn thể thao bằng cách chia thành nhiều cấp độ tham gia. Một môn thể thao thường sẽ có ba cấp độ: Varsity, Junior Varsity (JV), và Thirds. Varsity là cấp độ dành cho các giải thể thao chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, thường là các giải đấu lớn, JV là cấp độ dành cho các giải địa phương, và Thirds dành cho thể thao không chuyên. (ND)
2. Từ legibility xuất phát từ tính từ legible, thông thường dùng để nói về chữ viết (tay), mang nghĩa “rõ ràng, dễ đọc, có thể đọc được”. Trong văn cảnh này, ta hiểu legibility là khả năng khiến người khác có thể nhận diện được, hiểu được, tức là “đọc” được, “giải mã” được – vì con người trong xã hội cũng giống như con chữ trong hệ thống, một hệ thống đầy quy chuẩn mà thoát khỏi quy chuẩn đó đồng nghĩa với có khả năng không thể được nhận ra, được hiểu, được chấp nhận cho tồn tại trong hệ thống. Ocean Vuong muốn nói rằng việc những người phi chuẩn sử dụng đại từ “họ” (they/them) là một cách để hợp thức hoá việc tồn tại trong xã hội quy chuẩn, một việc nhọc nhằn để níu giữ khả năng được xã hội hiểu (=legibility; tính khả giải/khả niệm), được chấp nhận cho tồn tại, bởi lẽ dùng những đại từ “anh/cô” theo cách lệch chuẩn chính là mã hoá bản thân theo một cách khó hiểu, bất khả giải đối với xã hội – và đây là một nỗi đau. (ND)
Nhận xét
Đăng nhận xét