Nuốt chửng cái Khác: Ham muốn và sự kháng cự | bell hooks (phần mở đầu)

 Nuốt chửng cái Khác:

Ham muốn và sự kháng cự

bell hooks 

Nhật Nam dịch và chú thích



 

Đây là song đề hóc búa của lý thuyết: rằng ham muốn tự thể hiện ra một cách trọn vẹn nhất ở nơi chỉ có mặt những người đắm chìm trong những hân hưởng và dày vò nó đem lại, rằng nó áp đảo những mối bận tâm khác của con người một cách triệt để nhất ở những nơi khuất khỏi tầm nhìn. Cho nên nghịch lý là chính trong sự ẩn náu mà những bí mật của ham muốn sẽ bước ra ánh sáng, mà những áp đặt bá quyền và những sự đảo lộn, thoái thác và lật đổ của chúng sẽ ở mức chân thực và sẵn sàng nhất, và những sự đồng nhất và tách biệt giữa niềm đam mê được cảm nhận và nền văn hóa được thiết lập sẽ tự hiển lộ một cách sống động nhất.

– Joan Cocks, Trí tưởng tượng đối nghịch

 

Trong những cuộc tranh luận hiện thời về chủng tộc và sự khác biệt, văn hóa đại chúng là địa hạt ngày nay công khai tuyên bố lẫn duy trì ý tưởng rằng cần tìm thấy niềm vui khi công nhận và tận hưởng sự khác biệt về chủng tộc. Sự hàng hoá hóa [1] cái Khác [Otherness] đã rất thành công bởi nó được chào mời như một thú vui mới, mãnh liệt hơn, làm thỏa mãn hơn so với những cách hành động và cảm nhận bình thường. Trong văn hóa hàng hóa, tính sắc tộc trở thành gia vị có thể khuấy động những món ăn tẻ nhạt vốn là nền văn hóa da trắng chủ lưu. Những cấm kỵ văn hóa xung quanh tính dục và ham muốn đã bị vượt qua  và trở nên hiển ngôn khi các phương tiện truyền thông dội lên dân chúng một thông điệp về sự khác biệt không còn dựa trên giả định của người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng vốn cho rằng “gái tóc vàng thì thú vị hơn.” “Thú vui thực sự” cần phải có được bằng cách khai quật lên toàn bộ những huyễn tưởng và khao khát vô thức “thô tục” ấy về sự tiếp xúc với cái Khác, mà chúng được khảm vào cấu trúc bí mật (chẳng bí mật lắm) của uy quyền da trắng. Theo nhiều cách, nó là một sự hồi sinh đương đại của sự hứng thú về “cái ban sơ,” với một khuynh hướng hậu hiện đại rõ rệt. Như Marianna Torgovnick đã lập luận trong Cái ban sơ không còn: Trí tuệ dã man, những cuộc đời hiện đại:

Điều rõ ràng ngay lúc này là sự say mê của phương Tây đối với cái ban sơ có liên quan đến những khủng hoảng của riêng nó về căn tính, với nhu cầu của riêng nó trong việc phân định rạch ròi chủ thể và đối tượng ngay trong lúc ve vãn với những cách khác của việc trải nghiệm vũ trụ.

Chắc chắn từ quan điểm của chế độ phụ quyền tư bản chủ nghĩa thượng tôn da trắng, niềm hy vọng chính là những ham muốn về “cái ban sơ” hoặc những huyễn tưởng về cái Khác có thể được khai thác không ngớt, và sự khai thác đó sẽ diễn ra theo cách tái thiết lập [2] và duy trì hiện trạng [3]. Việc ham muốn sự tiếp xúc với cái Khác, ham muốn sự nối kết bắt rễ từ sự khát khao về lạc thú, có thể đóng vai trò như một sự can thiệp có tính phê phán nhằm thách thức và đánh đổ sự thống trị phân biệt chủng tộc, mời gọi và tạo điều kiện cho sự kháng cự có tính phê phán được hay không, đó là một khả thể chính trị chưa được hiện thực hoá. Khám phá cách mà ham muốn về cái Khác được thể hiện, thao túng và biến đổi thông qua những cuộc chạm trán với sự khác biệt và cái khác biệt là một lĩnh vực phê phán có thể chỉ ra liệu những khao khát có tiềm năng cách mạng này có bao giờ được thoả mãn hay không.


...


From: bell hooks, “Eating the other: Desire and resistance.”

In Black Looks: Race and Representation, pp. 21–39.

Boston: South End Press, 1992.


Robert Taylor, Have And Take 1, 1998
(http://www.vam.ac.uk/content/articles/s/study-room-resource-culture-identity-in-photography/)

 



[1] Hàng hoá hoá (commodification) quá trình một đối tượng nào đó (vật, biểu trưng, ý tưởng, v.v.) trở thành hoặc bị biến thành hàng hoá gắn liền với một giá trị nào đó để có thể trao đổi được (để lấy về lợi ích nào đó).

[2] Trong lý thuyết văn hóa và văn học, tái thiết lập (reinscription) là thiết lập lại một khái niệm hiện có dưới một hình thức hoặc trong một văn cảnh khác với hình thức hoặc văn cảnh thông thường của nó, nhưng trong quá trình này không có bất kỳ sự chuyển đổi căn bản nào. Nếu sự tái thiết lập trở nên quá độ (transgressive), nó sẽ phá huỷ khái niệm.

[3] Hiện trạng (status quo) là hệ thống xã hội, kinh tế và/hoặc chính trị hiện có hoặc các mối quan hệ quyền lực trong hiện tại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến