Dị xứ (heterotopia) | A Dictionary of Critical Theory (Oxford 2018)

dị xứ (heterotopia)

Trong bài giảng ‘Des espaces autres’ (Về những không gian khác) năm 1967, Michel Foucault đã đề xuất khái niệm này để mô tả những không gian như rạp chiếu phim và nghĩa trang, những không gian có ‘thuộc tính kỳ lạ’ ở chỗ chúng được kết nối với những nơi khác thông qua một mạng lưới quan hệ phức tạp, nhưng bằng cách đó chúng trì hoãn, hủy bỏ hoặc đảo ngược các mối quan hệ được chúng chỉ định, phản ánh hoặc đại diện. Những dị xứ được định nghĩa trái ngược rõ ràng với những ‘không gian bên trong [inner spaces]’ của Gaston Bachelard, tuy nhiên người ta có cảm giác rằng chính cái cách mà những không gian này dường như ngoại tại hoá những lãnh địa nội tại của trí tưởng tượng của chúng ta đã thu hút mối bận tâm của Foucault.

Foucault suy đoán rằng có hai kiểu không gian mang thuộc tính như vậy – vừa nằm bên trong một mạng lưới quan hệ vừa nằm bên ngoài nó: không tưởng xứ [utopia] và dị xứ. Ông bàn luận qua loa về những không tưởng xứ như là những nơi về bản chất không có thực và tập trung vào những dị xứ mà ông khẳng định là những địa điểm có thực, được dựng nên ngay trong thiết chế xã hội, đồng thời nói thêm rằng theo một cách nào đó chúng là những không tưởng xứ được hiện thực hóa. Ông nghĩ rằng dị xứ có hai loại chính: cái mà ông gọi (ắt hẳn vì muốn dùng từ ngữ xác đáng hơn) là ‘dị xứ bước ngoặt [crisis heterotopias]’ và ‘dị xứ lệch chuẩn [deviation heterotopias]’, loại trước tương ứng với cái mà nhà nhân học Victor Turner đề xuất cách gọi năng sản hơn là ‘không gian ngưỡng’ còn loại sau là cái mà Foucault gọi bằng cái tên năng sản hơn là ‘không gian kỷ luật’. Các ví dụ của ông về ‘dị xứ bước ngoặt’, chủ yếu lấy từ xã hội nguyên thủy, bao gồm những nơi thiêng liêng hoặc cấm kỵ dành riêng cho thiếu niên, phụ nữ đang hành kinh, phụ nữ chuyển dạ, v.v. Ông có cảm tưởng rằng những không gian như vậy gần như đã biến mất khỏi xã hội phương Tây, dù ông lo ngại vẫn còn một số tàn tích sót lại chung quanh (khách sạn trăng mật là ví dụ điển hình của ông). Đoán trước khái niệm ‘chốn bất kể danh xưng’ [any-place-whatever]’ của Deleuze, Foucault gọi những địa điểm này là ‘tuỳ xứ [anywhere places]’, nghĩa là những địa điểm nói cho chính xác thì không phải ‘ở đâu cũng được’, mà là chẳng ở đâu cả. ‘Dị xứ lệch chuẩn’ của ông lại trông giống một danh mục các trước tác trong quá khứ và về sau của ôngông liệt kê nào là trại tâm thần, rồi nhà tù và viện dưỡng lão. Để xác quyết một nỗ lực bước đầu hướng về một hệ thống loại hình, ông tuyên bố rằng xã hội có thể, ít nhiều theo ý muốn, thay đổi bản tính và chức năng của những dị xứ và thật sự tạo ra những loại dị xứ mới.

Foucault đưa ra cả thảy sáu nguyên tắc để mô tả dị xứ: hai nguyên tắc đã được đưa ra—(i) dị xứ luôn thuộc về một loại cụ thể; (ii) dị xứ có thể được biến đổi, tái tạo hoặc được làm mới—và bốn điều sau đây: (iii) dị xứ có khả năng là nơi nhiều vị trí có thể nằm liền kề nhau ở một địa điểm có thực duy nhất, trong khi tự chúng không tương thích với nhau (điện ảnh là ví dụ điển hình của ông về điều này); (iv) dị xứ được kết nối với cái mà ông gọi là dị thời [heterochronias], những đứt gãy hoặc gián đoạn trong thời gian; (v) dị xứ luôn tiền giả định một hệ thống mở và đóng giúp cô lập chúng và đồng thời khiến chúng có thể thâm nhập được; (vi) dị xứ biến đổi những quan hệ của chúng ta với các không gian có thực khác để khiến chúng ta thấy những không gian này ít có thực đi, hoặc để bù đắp cho chúng ta vì sự tồi tệ phần nào của những không gian này (Jean Baudrillard và Umberto Eco biện hộ cho mệnh đề đầu, trong khi Edward Said biện hộ cho cái sau).

(Nhật Nam dịch)

Nguồn: Ian Buchanan, A Dictionary of Critical Theory, 2nd e., Oxford UP, 2018.

Michel Foucault's Theory of Heterotopia - RTF | Rethinking The Future

Nhận xét

Bài đăng phổ biến