DI DÂN (DIASPORA) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

DI DÂN (DIASPORA)

 

Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là phân tán[1] (OED[2]). Những cuộc di dân, sự thiên di tự nguyện hoặc cưỡng bức của các cộng đồng người từ quê hương của họ đến những khu vực mới, là một thực kiện lịch sử trung tâm của quá trình thuộc địa hóa. Bản thân chủ nghĩa thực dân là một sựvận động di dân triệt để, trong đó có sự phân tán và định cư tạm thời hoặc vĩnh viễn của hàng triệu người châu Âu trên toàn thế giới. Những tác động trên diện rộng của những cuộc di cư này (chẳng hạn như tác động được gọi là chủ nghĩa đế quốc sinh thái[3]) tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nhiều khu vực định cư như thế đã được phát triển về mặt lịch sử như là những đồn điền hoặc những thuộc địa nông nghiệp để trồng lương thực cho cư dân đô thị, và do đó một nhu cầu lao động quy mô lớn đã được tạo ra ở nhiều khu vực mà cư dân bản địa không thể đáp ứng nhu cầu.


Kết quả của điều này là sự phát triển, chủ yếu ở châu Mỹ nhưng cũng  ở những nơi khác như Nam Phi, của một nền kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu nô lệ[4]. Hầu như tất cả những nô lệ được vận chuyển đến các thuộc địa đồn điền ở châu Mỹ đều được lấy từ Tây Phi thông qua nhiều vùng thương mại ven biển châu Âu. Chế độ chiếm nô phổ biến do người Ả Rập thực thi ở Đông Phi cũng chứng kiến một số nô lệ bị bán sang các thuộc địa của Anh như Ấn Độ và Mauritius, trong khi sự nô dịch hoá người Melanesian và Polynesian cũng xảy ra ở nhiều vùng phía Nam Thái Bình Dương để phục vụ nền công nghiệp mía đường ở những vùng như Queensland, nơi nó [sự nô dịch – ND] được gọi một cách thông tục là “blackbirding”[5].


Sau quá trình buôn bán nô lệ, và khi chế độ nô lệ bị các cường quốc châu Âu cấm trong những thập niên đầu của thế kỷ XIX, nhu cầu về lao động nông nghiệp giá rẻ trong các nền kinh tế đồn điền thuộc địa đã được đáp ứng bởi sự phát triển của một hệ thống lao động có khế ước[6]. Điều này bao hàm việc vận chuyển, theo các thỏa thuận giao kèo, một lượng lớn nhân công nông nghiệp nghèo từ các khu vực đông dân cư, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, đến những khu vực cần họ phục vụ đồn điền. Những thực hành chiếm  và giao kèo do đó đã dẫn đến những cộng đồng di dân thuộc địa trên toàn thế giới. Dân cư Ấn Độ đã hình thành (và hình thành) các nhóm thiểu số hoặc đa số đáng kể ở rất nhiều thuộc địa như Tây Ấn, Malaya, Fiji, Mauritius và những thuộc địa ở Đông và Nam Phi. Các dân tộc thiểu số Trung Quốc trong những hoàn cảnh tương tự cũng tìm thấy con đường để họ đi đến tất cả những khu vực này, cũng như đến những khu vực trải khắp phần lớn Đông Nam Á (gồm cả những thuộc địa của Hà Lan về phía Đông của Ấn Độ, mà ngày nay là Indonesia) và Philippines do Tây Ban Nha và sau đó là Mỹ thống trị.


Hậu duệ của những cuộc di dân do chủ nghĩa thực dân tạo ra đã phát triển những nền văn hóa đặc trưng của riêng họ mà những nền văn hóa này vừa bảo tồn vừa thường xuyên mở mang và phát triển văn hóa gốc của họ. Những phiên bản hỗn dung[7] của những thực hành của riêng họ đã phát triển, biến đổi (và bị biến đổi bởi) những nền văn hóa bản địa mà họ đã tiếp xúc. Sự phát triển của các nền văn hóa di dân tất yếu chất vấn các mô hình quy chất luận[8], chất vấn ý hệ về một chuẩn mực văn hóa thống nhất, tự nhiên, một chuẩn mực làm cơ sở cho mô hình trung tâm/ngoại biên[9] của diễn ngôn thực dân. Nó cũng chất vấn những kiểu lý thuyết đơn giản hơn của chủ nghĩa bản địa[10] vốn cho rằng quá trình giải thuộc địa hóa[11] có thể được khởi phát bằng một sự phục hồi hoặc tái thiết các xã hội tiền thuộc địa. Những cuộc di dân gần đây nhất và có ý nghĩa xã hội nhất chính  những chuyến di cư của những cộng đồng bị thuộc địa hoá quay trở lại các trung tâm đô thị. Ở những đất nước như Anh và Pháp, dân số hiện nay có những nhóm thiểu số đáng kể của những cộng đồng cựu thuộc địa[12] di cư. Trong thời gian gần đây, khái niệm “căn tính di dân[13]” đã được nhiều nhà văn chấp nhận như một sự khẳng định tích cực về tính lai ghép[14] của họ.

 

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch

 

Nguồn: Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). DiasporaPostcolonial Studies: The Key Concepts (p.81-83). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.


Diaspora Oil on Canvas, 2007
Diaspora. Oil on canvas. 2007 // by Antipas “Biboy” Delotavo // Retrieved from globalvoices.org



[1] to disperse

[2] Oxford English Dictionary

[3] ecological imperialism

[4] slavery

[5] blackbirding: việc bắt cóc cư dân trên các đảo ở Thái Bình Dương làm nô lệ bị cưỡng bức lao động

[6] indentured labour

[7] creolized versions

[8] essentialist

[9] centre/margin

[10] nativism

[11] decolonization

[12] ex-colonial peoples

[13] diasporic identity

[14] hybridity

Nhận xét

Bài đăng phổ biến