PHẢN DIỄN NGÔN (COUNTER-DISCOURSE) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

PHẢN DIỄN NGÔN (COUNTER-DISCOURSE)

 

Một thuật ngữ do Richard Terdiman đặt ra để mô tả đặc trưng của lý thuyết và thực tiễn phản kháng ở mặt biểu trưng[1]. Terdiman xem xét các phương tiện tạo ra sự thay đổi đích thực chống lại “khả năng của các diễn ngôn lâu đời trong việc phớt lờ hoặc hấp thu những sự lật đổ[2] có thể xảy ra” (1985: 13) bằng cách phân tích hoạt động sáng tác ở Pháp thế kỷ 19. Ông xác định “sự chạm trán giữa thực tại được thiết lập[3] và sự lật đổ nó” như là “chính cái địa điểm mà sự thay đổi về văn hóa và lịch sử đã diễn ra” (13).


Tác phẩm của Terdiman chỉ tập trung vào văn học Pháp, nhưng thuật ngữ của ông đã được các nhà phê bình hậu thuộc địa sử dụng để mô tả những cách thức phức tạp qua đó những thách thức đối với một diễn ngôn thống trị hoặc đã được củng cố (cụ thể là những diễn ngôn về trung tâm đế quốc) có thể được khởi xướng từ ngoại biên, luôn nhận ra “khả năng hấp thu” mạnh mẽ của các diễn ngôn đế quốc và tân đế quốc. Như một thực tiễn trong chủ nghĩa hậu thuộc địa, phản diễn ngôn ít được lý thuyết hóa dưới dạng các quá trình lịch sử và các trào lưu văn học, mà nghiêng về các thách thức đặt ra cho các văn bản cụ thể, và do đó, cho các ý hệ đế quốc được khắc sâu, được ổn định và đặc biệt được duy trì thông qua các văn bản được sử dụng trong các hệ thống giáo dục thực dân.


Khái niệm phản diễn ngôn trong chủ nghĩa hậu thuộc địa do đó cũng đặt ra vấn đề về sự lật đổ các văn bản điển phạm[4] và việc chúng được viết lại một cách tất yếu trong quá trình lật đổ này. Nhưng cách giải quyết chung của Terdiman cho vấn đề này cũng hữu ích ở đây, bởi vì một sự xem xét các cách thức mà những văn bản này vận hành như là những quyền điều khiển được tự nhiên hóa[5] cho thấy “tính bất tất và tính khả thấm”[6] của chúng. Do đó, những thách thức như thế không chỉ đơn thuần nổi dậy chống lại bản thân các văn bản nói trên mà còn tập trung vào toàn bộ địa hạt thực dân về mặt diễn ngôn mà trong đó các văn bản đế quốc – dù thuộc nhân chủng học, lịch sử, văn học hay luật pháp – vận hành trong những bối cảnh thuộc địa.

 

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch

 

Nguồn:

Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). Counter-discoursePostcolonial Studies: The Key Concepts (p.67-68). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.


Using Art as a Form of Resistance - One Equal World
(Shutterstock)

[1] symbolic resistance

[2] subversion

[3] constituted reality

[4] canonical texts

[5] naturalized controls

[6] contingency and permeability

Nhận xét

Bài đăng phổ biến