TÂM/LỀ (CENTRE/MARGIN) | Postcolonial Studies: The Key Concepts (2013)

TÂM/LỀ (NGOẠI BIÊN)[1]


Đây là một trong những ý niệm gây tranh cãi nhất trong diễn ngôn hậu thuộc địa, nhưng nó lại là trung tâm của bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định điều gì đã xảy ra trong sự trình hiện[2] về và mối quan hệ của các dân tộc như là kết quả của thời kỳ thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân hoàn toàn chỉ có thể tồn tại bằng cách mặc định rằng có một sự đối lập nhị phân[3] mà theo đó thế giới bị chia cắt. Sự thiết lập dần dần một đế quốc đã phụ thuộc vào mối quan hệ thứ bậc[4] ổn định, trong đó nền văn hóa của thuộc địa[5] tồn tại như là cái khác[6] so với nền văn hoá của thực dân[7]. Do đó ý tưởng về người man rợ chỉ có thể nảy sinh nếu có một khái niệm về người văn minh để đối lập với nó. Theo cách này, một địa lý của sự khác biệt[8] đã được kiến tạo, trong đó những khác biệt được lập bản đồ (bản đồ học[9]) và được đặt trong một cảnh quan ẩn dụ[10] vốn đã không trình hiện sự cố định về địa lý, mà trình hiện sự cố định về quyền lực.


Châu Âu đế quốc được định nghĩa là “trung tâm” trong một địa lý ít nhất có tính siêu hình không kém tính vật lý. Mọi thứ nằm bên ngoài trung tâm đó về bản chất là vùng lề hoặc ngoại biên của văn hóa, quyền lực và văn minh. Sứ mệnh thực dân[11], nhằm đưa vùng lề vào phạm vi ảnh hưởng của trung tâm được khai sáng[12], đã trở thành lý lẽ chính biện hộ cho sự bóc lột về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa thực dân, đặc biệt từ giữa thế kỷ 19 trở về sau.


Ý niệm này gây tranh cãi vì người ta cho rằng những nỗ lực định nghĩa mô hình tâm/lề đóng vai trò duy trì nó. Trên thực tế, các lý thuyết gia hậu thuộc địa thường sử dụng mô hình này để gợi ý rằng việc tháo dỡ các hệ nhị phân như thế không chỉ đơn thuần khẳng định sự độc lập của vùng lề, nó còn làm suy yếu triệt để chính cái ý niệm về một trung tâm như vậy, giải kiến tạo những yêu sách của các thế lực thực dân châu Âu về một sự thống nhất và cố định của một trật tự khác với trật tự của những cộng đồng khác. Theo nghĩa này, việc tháo dỡ các mô hình tâm/lề (ngoại biên) của văn hóa chất vấn những tuyên bố của bất kỳ nền văn hóa nào về việc sở hữu một hệ giá trị cố định, thuần tuý và đồng nhất, đồng thời phơi bày toàn bộ chúng như là những cấu trúc được kiến tạo trong lịch sử, và vì vậy có thể cải biến được.

 

Nguyễn Minh Nhật Nam dịch

 

Nguồn:

Ashcroft, B., Griffiths, G. & Tiffin, H. (2013). Centre/margin (periphery)Postcolonial Studies: The Key Concepts (p.43-44). 3rd Ed. Oxon: Rouletledge.


Between Center and Periphery IX Painting by Andreas Kuhn | Saatchi Art
Between Center and Periphery IX. Oil on Canvas. 2017 | Andreas Kuhn


[1] centre/margin (periphery)

[2] representation

[3] binary opposition

[4] hierarchical relationship

[5] colonized (cuture)

[6] other

[7] colonizing culture

[8] geography of difference

[9] cartography

[10] metaphorical landscape

[11] colonial mission

[12] enlightened centre 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến